Thông tin từ ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 chiều 24/1 cho biết, hiện nay thành phố đã hoạt động trở lại 315 tuyến vận tải hành khách đường bộ đến 50 tỉnh thành trong cả nước.
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đến nay còn tỉnh Bình Phước chưa tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô tuyến TPHCM – Bình Phước trở lại để thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan bùng phát dịch.
Người dân tại TPHCM đang di chuyển về quê đón Tết cùng gia đình vào dịp cuối năm |
Theo ông An, dự báo lượng hành khách đi lại cao điểm năm nay tối đa chỉ bằng 50% so với dịp tết 2020 (trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Tuy nhiên, tình hình đi lại có thể thay đổi nếu các tỉnh thành điều chỉnh phương án phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, cao điểm vào ngày 27 Tết dự kiến không quá 60.000 khách/ngày.
Theo Sở Giao thông Vận tải, dịp Tết năm nay xe buýt sẽ giảm khoảng 50% số chuyến do nhu cầu đi lại giảm sâu. Tuy nhiên, so với ngày thường, vận tải đường thủy sẽ tăng, riêng tuyến Cao tốc đi Vũng Tàu dự kiến sẽ tăng khoảng 50% so với ngày thường. Sở đang phối hợp với các địa phương tăng lượng phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Liên quan đến giá vé vận tải trong những ngày Tết, tại buổi họp báo phóng viên đặt vấn đề về việc nhiều nhà xe dù bến cóc đã tự ý tăng vé từ 100% đến 150% so với ngày thường nhưng chưa thấy sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Trước vấn đề trên, ông Hòa An cho biết, năm nay giá vé tăng cao nhất không quá 60% đối với tuyến TPHCM đi miền Bắc; 40% về miền Tây và Tây Nguyên. Đến hết 23/12 tổng số vé đã bán được 35% các loại vé ở tất cả các tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại dịp Tết, ông Hòa An khuyến cáo, hành khách có nhu cầu đi lại nên đến bến xe mua vé để tránh tình trạng mua không đúng giá, đi không đúng xe.