> Chàng trai bị nhốt trong 23 năm
Anh từ một người chăm chỉ hiền lành, vì ma túy biến thành đứa con “phá gia chi tử”, bỏ rơi cả tương lai, mất đi hạnh phúc lứa đôi. Mừng thay tất cả giờ đã là quá khứ.
Chiếc cũi sắt – nơi cai nghiện của Tuấn. |
Cuộc đời mới của Tuấn
Đúng hôm chúng tôi xuống gặp gia đình Tuấn ở phường Tân Thành (TP Thái Nguyên) thì cách đó 5 km, tại dốc chợ Hanh Phú Bình, Tuấn cũng đang cùng thợ chuẩn bị khai trương cửa hàng sửa chữa xe máy.
Tạm gác công việc, Tuấn ngồi tiếp chuyện với nụ cười hiền thường trực. Gương mặt tuấn tú, hiền hậu của anh gây thiện cảm ngay với người đối diện.
Không ngại ngần khi nói về những tháng ngày đã qua, Tuấn khoe: “Ngày chưa cai nghiện, em chỉ được 45 kg, thế mà giờ đã tăng lên hơn 65 kg rồi đấy!”.
Chấp nhận cai tại nhà với công cụ duy nhất là chiếc cũi sắt, lúc ấy anh nghĩ gì? - tôi hỏi.
“Lúc bước vào cũi em cũng lo sợ không biết mình có thể bước ra khỏi đó được và phải mất bao lâu. Nhưng em chỉ nghĩ mình còn trẻ, mình còn cơ hội làm lại cuộc đời. Mà để làm được điều ấy, chỉ còn cách phải đoạn tuyệt với ma túy thôi” - Tuấn đáp.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Tuấn nhắc nhiều đến bố mẹ - những người đã giành lại anh từ tay “con ma thuốc trắng”.
Nhắc đến những ngày mới bắt đầu cai, Tuấn nói như nghẹn: “Mỗi khi cơn thèm thuốc ập đến, em cũng không làm chủ được mình, cũng buông lời giận dữ với bố mẹ.
Nhưng chính lúc ấy, nghĩ đến hậu quả của những cuộc vui ma túy, vì nó em đã 2 lần khoắng sạch tài sản là những cửa hàng sửa chữa mấy chục triệu mà bố mẹ đầu tư cho, rồi bao đêm mẹ tất tưởi chạy theo khóc nài nỉ nhưng vì thuốc em đã cư xử rất tệ với bà, lại thấy thương bố mẹ và quyết tâm cai nhiều hơn. Hồi đầu những năm 2000, số tiền mấy chục triệu cũng đâu phải là ít ỏi gì”.
Khi nghe tôi thắc mắc: Từ khi anh ra đến nay, các đối tượng ngày trước rủ rê có ai tới? Tuấn cười lắc đầu bảo: “Mấy người họ người còn người mất, nhưng em không muốn dính dáng gì nữa. Bây giờ cuộc sống của mình đã bước sang trang mới, chỉ muốn làm ăn yên ổn thôi, phải chọn bạn tốt mà chơi chứ chị. Ra khỏi những tháng ngày u ám rồi, em lại thành người “độc thân vui vẻ”, mình không chí thú làm ăn thì sao mong có người gắn bó với mình được”.
Không muốn nhắc chuyện buồn về mái ấm mà Tuấn đã đánh mất nhưng nghe giọng nói lạc quan, ánh mắt bừng sáng khi nhắc đến ngày mai đã khiến chúng tôi chẳng có cớ gì mà hoài nghi về một khởi đầu mới tốt đẹp của anh nữa.
Chung tay làm nên… “cổ tích”
Trở lại với công việc và quyết tâm làm lại cuộc đời. |
Kể câu chuyện giành lại con từ tay “cái chết trắng” với chúng tôi trong ngôi nhà ống 4 gian chất đầy đồ nghề sửa chữa xe máy, ông Trần Văn Mỳ - bố Tuấn với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui.
Vợ chồng ông sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Ông có tay nghề cao sửa chữa xe các loại nên sau khi học hết cấp 2, Tuấn đã theo học nghề sửa chữa xe máy rồi phụ làm với bố tại nhà.
Là con trai cả, Tuấn sớm được bố mẹ tạo dựng cuộc sống khá ổn định là một cửa hàng sửa chữa riêng gần chợ Hanh (xã Thượng Đình, Phú Bình).
Tuấn vốn hiền lành, chăm chỉ nên khi thấy anh có biểu hiện tụ tập chơi bời, đi sớm về khuya với đám người xấu, bỏ bê cửa hàng, mẹ Tuấn - bà Đào Thị Tuyết đã để tâm theo dõi.
Một dịp tình cờ, cô em gái phát hiện có túi giấy bạc ở góc nhà cạnh giường ngủ của Tuấn. Nghi ngờ Tuấn dính vào ma túy, bà Tuyết vặn hỏi Tuấn vẫn không thừa nhận.
Đến cuối năm 2002 đầu 2003, toàn bộ vốn liếng cửa hàng đã “không cánh mà bay”. Sau sự việc này, Tuấn thừa nhận với gia đình rằng anh đã nghiện.
Ông Mỳ họp mặt gia đình phân tích thiệt hơn và “bắt buộc” Tuấn phải cai, rồi vợ chồng ông viết đơn báo cáo lên cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ dân phố xin được tự cai nghiện cho con.
Được chính quyền đồng ý, với 3 triệu đồng tiền mua sắt, ông tự thiết kế khung cũi rồi tự tay hoàn thiện nó. Đợt cai đầu chỉ kéo dài một tuần, thấy Tuấn không có biểu hiện vật vã hay thèm thuốc, ông để con ra ngoài.
Vẫn tiếp tục làm nghề sửa chữa xe cho đến năm 2004, Tuấn lập gia đình, vợ chồng ông Mỳ lại cho Tuấn làm lại cửa hàng.
Nhưng rồi vợ Tuấn phát hiện anh không những không ngừng giao du bạn xấu mà cơn nghiện ma túy còn nặng hơn trước. Chẳng bao lâu sau, tài sản của cửa hàng thứ hai lại mất sạch.
“Lúc quyết định đưa nó vào cũi sắt, tôi đã quả quyết nếu không cai được thì đừng mơ có ngày ra. Mất tiền bạc của cải thì mình còn có thể làm lại, thà mình mang tiếng “ác” khi ép buộc con chứ không đứng nhìn con tiếp tục sa ngã, chết dần chết mòn như vậy được.
Lúc đưa con vào lồng sắt, vợ chồng tôi ruột đau như dao cứa ấy cô ạ. Khi lên kế hoạch cai nghiện cho Tuấn, tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều qua sách báo, tham khảo các phương pháp, biết được một người Trung Quốc đã làm như vậy và thành công nên mạnh dạn áp dụng. May mắn là mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ”- ông Mỳ chia sẻ.
Tò mò muốn xem chiếc cũi sắt ấy thế nào, chúng tôi được ông Mỳ dẫn ra gian nhà phía sau “mục sở thị”. Không thể tưởng tượng được rằng Tuấn đã chịu yên vị trong chiếc cũi chỉ 2 mét vuông ấy gần 3 năm.
Nó khắc nghiệt đến nỗi không cho phép anh đứng thẳng mà phải khom người lại và nằm cũng không thoải mái, chỉ việc ngồi là xem chừng ổn nhất!
Nhìn chiếc cũi giờ đã được “bỏ xó”, mẹ Tuấn bùi ngùi kể: “Tuy tự nguyện bước vào cũi và chấp nhận cai nhưng những tuần đầu, nó cậy cũi, phá phách, la hét khiến tôi lo đến nỗi chẳng ăn ngủ gì được. Nhiều lúc thấy con vật vã như người điên mà chỉ biết đứng nhìn, tôi tưởng như mình cũng điên lên theo. Vậy mà nó đã ở trong này tròn 3 năm trời.
Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh Tuấn đều được phục vụ tận nơi, hai vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc nó chẳng khác nào trẻ con.
Nói là cách biệt nhưng chúng tôi không để Tuấn phải xa rời nhịp sống thường ngày: gần cũi sắt gia đình đặt ti vi, đài, mua báo cho nó nghe xem lúc buồn.
Các ngày lễ tết nó cũng vẫn phải nằm trong cũi, nghĩ thương con lắm nhưng vì muốn giành lại cuộc đời cho nó nên vẫn phải dằn lòng để nó vui tết trong ấy. Quả thực, chúng tôi đã cai nghiện cho con bằng tình thương, bằng cả nỗi đau nữa đấy”.
Một điều rất đặc biệt trong câu chuyện chiến thắng “khói trắng” của Tuấn phải kể đến là những phiên tòa lưu động xử ly hôn cho vợ chồng anh.
Năm 2009, khi Tuấn bắt đầu quá trình cai nghiện thì vợ anh đưa con về nhà ngoại. Hai năm sau Tuấn nhận được đơn xin ly hôn. Để tạo điều kiện cho việc cai nghiện của anh, Tòa án thành phố đã về 2 lần xử ly hôn tại nhà.
Các cấp chính quyền cũng thường xuyên đến động viên thăm hỏi, bà con lối xóm biết rõ hoàn cảnh thường lui tới trò chuyện, an ủi Tuấn. Nhiều năm liền, gia đình ông Mỳ vẫn được bà con trong tổ dân phố 15 bầu chọn là gia đình văn hóa.
Năm 2011 vừa qua, gia đình ông được xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Đó là phần thưởng, là tiếng nói đồng lòng mà xã hội đã ghi nhận, đã chung tay ủng hộ để Tuấn và gia đình anh dệt nên kỳ tích cai nghiện thành công trong cũi sắt.
“Trước tết mấy ngày, khi anh Tuấn bước ra khỏi chiếc lồng sắt thì bước đi không vững nữa và phải vịn, mọi người đến chia vui ai nhìn thấy cũng khen anh trắng và khỏe ra nhiều, cả nhà ai cũng vui” - Trần Văn Trọng, em trai Tuấn nói.
“Em tin chứ!”
Cái tết vừa rồi có lẽ là cái tết vui và hạnh phúc nhất của vợ chồng ông Mỳ sau gần 10 năm kể từ khi Tuấn dính vào ma túy.
Trên đường dẫn tôi xuống gặp Tuấn, bà Tuyết vui vẻ bảo: Tuấn giờ đã bắt nhịp được với cuộc sống, nó đã xin bố mẹ đầu tư vốn liếng để làm lại cuộc đời. Cả nhà tôi yên tâm và tin tưởng Tuấn đã hồi sinh!
Chứng kiến tường tận quá trình cai nghiện của Tuấn, tổ trưởng tổ dân phố 15 Ngô Xuân Bách ngồi nghe chuyện nãy giờ cười nói: Xin mọi người cứ hãy đặt nơi Tuấn một niềm tin.
Ở tổ dân phố này có 118 hộ, 4 gia đình có người nghiện, có 7 đối tượng thì đã chết phân nửa rồi. Hiếm có gia đình nào có quyết tâm như gia đình ông Mỳ và người cai nghiện có nghị lực như Tuấn.
Kết quả cai nghiện thành công đáng để chúng ta tin sự việc sẽ tốt đẹp lên. Cách làm của gia đình ông Mỳ vừa xây dựng tình đoàn kết lại đảm bảo pháp luật, đó hẳn là tấm gương đáng để biểu dương, học tập”.
Tôi nhớ đến nụ cười hiền và giọng nói quả quyết của Tuấn khi được hỏi rằng sau những gì đã trải qua, Tuấn có tin mình đã chiến thắng? - “Em tin chứ, 3 năm không dài trong cuộc đời mỗi người nhưng đủ cho em tin tương lai còn ở phía trước. 36 tuổi, em vẫn còn nhiều cơ hội tìm lại hạnh phúc. Em tin!”.
Chia tay, tôi chúc Tuấn thành công, Tuấn nói anh sẽ cố sống tốt và tìm hạnh phúc mới.
Năm 2009, khi Tuấn bắt đầu quá trình cai nghiện thì vợ anh đưa con về nhà ngoại. Hai năm sau Tuấn nhận được đơn xin ly hôn. Để tạo điều kiện cho việc cai nghiện của anh, Tòa án thành phố đã về 2 lần xử ly hôn tại nhà. |