Người tị nạn Rohingya kiện đòi Facebook 150 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Facebook nhiều lần bị tố không kiểm soát các nội dung gây hại. (Ảnh: Reuters)
Facebook nhiều lần bị tố không kiểm soát các nội dung gây hại. (Ảnh: Reuters)
TPO - Người tị nạn Rohingya từ Myanmar vừa nộp đơn kiện hãng Meta, tên cũ là Facebook, để đòi bồi thường 150 tỷ USD vì cho rằng công ty mạng xã hội này không có hành động xử lý những phát biểu thù hận chống người Rohingya, góp phần gây ra bạo lực.

Đơn kiện được hai hãng luật Edelson PC và Fields PLLC gửi đến tòa án California hôm 6/12, cho rằng thất bại của Facebook trong việc kiểm soát những nội dung và thiết kế trên nền tảng của họ góp phần gây ra tình trạng bạo lực mà cộng đồng người Rohingya phải đối mặt. Trong đợt hành động phối hợp, các luật sư Anh cũng đã gửi thư thông báo đến văn phòng của Facebook tại London.

Facebook chưa phản hồi đề nghị bình luận về đơn kiện. Công ty từng nói rằng họ đã “quá chậm trong ngăn chặn thông tin sai lệch và thù hận” ở Myanmar và sau đó đã có những bước đi nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng nền tảng này, bao gồm việc cấm quân đội Myanmar sử dụng Facebook và Instagram kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

Facebook nói rằng họ được bảo vệ khỏi trách nhiệm trước những nội dung mà người sử dụng đưa lên theo một luật của Mỹ về internet. Điều khoản 230 quy định rằng các nền tảng trực tuyến không phải chịu trách nhiệm cho những nội dung mà bên thứ ba đưa lên. Đơn kiện nói rằng bên nguyên đơn sẽ tìm cách áp dụng luật của Myanmar nếu Điều khoản 230 được nêu ra để bảo vệ Facebook.

Dù các tòa án Mỹ có thể áp dụng luật nước ngoài với những vụ gây thiệt hại ở nước đó, nhưng 2 chuyên gia luật nói với Reuters rằng họ không biết có tiền lệ nào về việc áp dụng luật nước ngoài vào vụ kiện chống lại công ty mạng xã hội ở nơi có thể áp dụng Điều khoản 230.

Ông Anupam Chander, giáo sư tại Trung tâm luật thuộc ĐH Georgetown, nói rằng việc viện dẫn luật Myanmar không phải “không phù hợp”, nhưng ông dự đoán rằng vụ kiện này sẽ không có cơ hội thành công. “Sẽ kỳ lạ nếu Quốc hội Mỹ cấm những hành động theo luật Mỹ nhưng lại cho phép chúng theo luật nước ngoài”, ông nói.

Hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya đã phải chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar vào tháng 8/2017, sau chiến dịch trấn áp của quân đội nước này.

Giới chức Myanmar khẳng định họ chỉ nhắm vào các nhóm nổi dậy và phủ nhận cáo buộc đàn áp có hệ thống.

Năm 2018, các điều tra viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho rằng việc sử dụng Facebook đã đóng vai trò quan trọng trong phát tán những phát biểu thù hận gây ra bạo lực. Điều tra của Reuters năm đó phát hiện hơn 1.000 ví dụ về các đoạn đăng, bình luận và hình ảnh tấn công người Rohingya và các nhóm Hồi giáo khác trên Facebook.

Tòa án Hình sự quốc tế đã mở vụ án để điều tra cáo buộc liên quan đến người Rohingya. Tháng 9 năm nay, một thẩm phán liên bang Mỹ yêu cầu Facebook công bố hồ sơ các tài khoản liên quan đến bạo lực chống người Rohingya ở Myanmar mà mạng xã hội này đã chặn.

Frances Haugen, cựu quản lý của Facebook, gần đây tiết lộ hàng loạt hồ sơ để tố cáo mạng xã hội này không giám sát nội dụng lạm dụng ở những quốc gia mà những phát biểu thù hận có thể gây hại.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG