Quân đội Myanmar nói rằng các chiến dịch của họ ở Rakhine, bang miền bắc đất nước, là nhằm truy tìm những tay súng người Rohingya tấn công các đồn cảnh sát vào ngày 25/8. Đã có hàng trăm người chết, chủ yếu là phần tử khủng bố, trong các chiến dịch này. Hậu quả là một cuộc khủng hoảng xảy ra khắp vùng biên giới và khiến hơn 400.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh. Có 176 trên 471 ngôi làng của người Rohingya đã bị bỏ hoang.
Myanmar khẳng định những người Rohingya nổi dậy đã tự đốt nhà rồi bỏ đi. Trước những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, chính phủ Myanmar khẳng định đợt bạo lực vừa qua là do những người Roingya mà họ gọi là người Bengal tìm cách xây dựng thành trì ở Rakhine.
Địa vị của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số là vấn đề gây chia rẽ từ lâu ở Myanmar vì phần đông dân số theo Phật giáo ở đất nước này coi người Rohingya là những người nước ngoài xâm nhập vào nước họ.
Trong khi đó, chính quyền Bangladesh hôm qua có những bước đi nhằm hạn chế dòng người Hồi giáo Rohingya tràn sang từ Myanmar. Các trại tị nạn ở biên giới đã quá tải và nhiều người mới đến phải ở tạm trong trường học, lều dựng ven đường hoặc bãi đất trống. Để kiểm soát tình hình, cảnh sát Bangladesh kiểm tra chặt chẽ xe cộ qua lại để ngăn người Rohingya tỏa ra các thị trấn xung quanh.
“Đã có chỉ đạo từ Thủ tướng rằng chúng tôi phải đối xử với người Hồi giáo Rohingya theo cách bảo đảm nhân quyền”, sĩ quan cảnh sát A.K.M Iqbal Hossain nói với AP. “Vì nhiều tổ chức xã hội và tư nhân đang đến để phát đồ tiếp tế nên thỉnh thoảng xảy ra hỗn loạn”, ông Hossain nói, và cho biết tình hình hiện tại rất khó duy trì trật tự.
Thủ tướng Bangladeseh Sheikh Hasina đã lên đường đến New York để có bài phát biểu trước cuộc họp thường niên của Liên Hợp Quốc. Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, dự kiến có bài phát biểu lần đầu tiên về cuộc khủng hoảng này vào ngày 19/9.