Lo ngại
Nhiều năm qua, cộng đồng Phật tử chiếm đa số ở Myanmar đã mâu thuẫn với người Rohingya, một nhóm dân tộc thiểu số gồm chủ yếu những người theo đạo Hồi. Mâu thuẫn đó gần đây bùng phát. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, trong tuần qua, mỗi ngày khoảng 35.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Tháng trước, những phần tử nổi dậy thuộc lực lượng Quân cứu hộ Rohingya Arakan mở một đợt tấn công phối hợp nhằm vào 30 mục tiêu của chính phủ Myanmar ở bang Rakhine, dẫn đến chiến dịch truy quét của quân đội Myanmar. Cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến vị trí của Myanmar như một trong những thị trường hấp dẫn nhất ở châu Á. Trong 4 tháng đầu năm tài khóa 2017-2018, Myanmar thu hút hơn 3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng kinh tế của nước này đạt mức 7,1%.
Ngoài những vấn đề đang tồn tại có một nguy cơ khác: khi tình hình xấu đi, số phận của những người Rohingya có thể bị các mạng lưới khủng bố ở Đông Nam Á và các nơi khác lợi dụng.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và chiến lược (Mỹ) đưa ra gần đây, các cuộc nổi dậy ở miền nam Philippines và miền nam Thái Lan cho thấy bạo lực liên quan đến vấn đề tôn giáo có thể lôi kéo các thế lực bên ngoài. Tháng 5 năm nay, trận chiến giữa nhóm khủng bố Abu Sayyaf và quân đội Philippines có sự góp mặt của hơn 80 tay súng nước ngoài. Những đối tượng có liên quan đến IS đang tìm kiếm địa bàn mới bên ngoài Syria và Iraq, vì thế cơ hội bảo vệ những người Hồi giáo chắc chắn rất hấp dẫn với chúng, các nhà phân tích đánh giá. Năm 2014, Abu Bakr al-Baghdadi, một thủ lĩnh của IS, tuyên bố bang Rakhine của Myanmar là một vùng thánh chiến chủ chốt.
“Các điều kiện ở Rakhine đã chín muồi cho ảnh hưởng cực đoan, bao gồm sự thâm nhập của tư tưởng IS, khiến tình hình Myanmar tồi tệ hơn”, các nhà nghiên cứu tại ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore viết trong báo cáo gần đây. Đây là hoàn cảnh lý tưởng cho IS và các chi nhánh bắt tay với các nhóm địa phương, báo cáo đánh giá.
Những người có tư tưởng cứng rắn ở Indonesia, quốc gia đông dân đạo Hồi nhất thế giới, đang sử dụng cuộc khủng hoảng ở Myanmar để gây căng thẳng tôn giáo trong nước, ông Peter Mumford, giám đốc khu vực Đông Nam Á của hãng tư vấn chính trị Eurasia Group, cảnh báo trong một bài viết gần đây.
Chính các nhóm chính trị Hồi giáo tổ chức đợt biểu tình quy mô lớn để phản đối cựu thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama đầu năm nay hiện đang đứng đầu những cuộc tuần hành ủng hộ người Rohingya. Trong cuộc xuống đường ngày 7/9 vừa qua, nhóm này kêu gọi các tay súng thánh chiến chống lại người Hồi giáo ở Myanmar.
Al-Qaeda huy động lực lượng
Lực lượng khủng bố al-Qaeda vừa kêu gọi ủng hộ người Hồi giáo Rohingya và cảnh báo Myanmar có thể bị “trừng phạt”. Tổ chức đứng sau loạt khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ vừa ra tuyên bố kêu gọi người Hồi giáo khắp thế giới ủng hộ những người Hồi giáo ở Myanamar bằng hàng cứu trợ, vũ khí và “hỗ trợ quân sự”, nhóm giám sát SITE cho biết.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người anh em Hồi giáo ở Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Philippines đến Myanmar để giúp đỡ những người anh em Hồi giáo, để có những chuẩn bị cần thiết, như huấn luyện và những việc khác, nhằm chống lại sự đàn áp này”, al-Qaeda tuyên bố. Từ năm 2013, al-Qaeda được cho là đã để mắt đến vùng đông bắc Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Sri Lankia để mở rộng địa bàn.
Vào khoảng tháng 10 năm ngoái, các báo cáo nói rằng một nhóm khủng bố Rohingya mang tên Aqa Mul Mujahideen (AMM) đang liên lạc với các lực lượng khủng bố ở vùng Jammu và Kashmir (Ấn Độ) như nhóm Lashkar-e-Taiba (LeT) và nhóm Jaish-e-Mohammed (JeM). Các báo cáo nói rằng AMM có nguồn gốc từ nhóm cực đoan HuJI-A ở Myanmar. Những thành viên của AMM được cho là đã trải qua huấn luyện ở Pakistan. AMM bị cáo buộc đã đánh bom nhiều vùng biên giới của Myanmar. Còn có báo cáo nói rằng nhiều phần tử khủng bố Rohingya đang được cử đến thung lũng Kashmir cùng với những tay súng đánh thuê Pakistan, báo India Today đưa tin.
Chính phủ Myanmar nói rằng lực lượng an ninh của họ đang thực hiện chiến dịch hợp pháp chống lại những kẻ khủng bố đã tấn công cảnh sát, quân đội và dân thường. Chính phủ Myanmar cảnh báo có thể xảy ra tấn công bằng bom tại các thành phố, và lời kêu gọi vũ trang của al-Qaeda càng làm gia tăng quan ngại đó.