Người thân tội phạm tham nhũng phải chứng minh nguồn gốc tài sản

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phản ánh, trong 16 năm qua chưa có một trường hợp nào bị xử lý về tội rửa tiền dù quy định đã có từ lâu. Ảnh: Văn Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phản ánh, trong 16 năm qua chưa có một trường hợp nào bị xử lý về tội rửa tiền dù quy định đã có từ lâu. Ảnh: Văn Kiên
TP - Muốn chống tham nhũng và thu hồi tài sản có hiệu quả thì giữa cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng và cơ quan thuế, ngân hàng, kiểm toán… phải có sự phối hợp đồng bộ, ngăn chặn hiệu quả việc rửa tiền và tẩu tán tài sản.

Thảo luận về xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và người có chức vụ, quyền hạn tại Hội thảo ngày 11/12, nhiều đại biểu cho rằng, muốn chống tham nhũng và thu hồi tài sản có hiệu quả thì giữa cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng và cơ quan thuế, ngân hàng, kiểm toán… phải có sự phối hợp đồng bộ, ngăn chặn hiệu quả việc rửa tiền và tẩu tán tài sản.

Chở ô tô tiền đi gửi mà chẳng cơ quan nào xác minh

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, tham nhũng và rửa tiền có liên quan đến nhau. Tuy nhiên dù đã có quy định của pháp luật nhưng trong 16 năm qua ở Việt Nam chưa phát hiện và xử lý được một trường hợp nào phạm tội rửa tiền. “Cá nhân có chở cả ô tô tiền đến ngân hàng gửi rồi sau đó rút đi để đầu tư, hoặc chuyển ra nước ngoài thì cũng chẳng thấy có ai hỏi”, ông Quyền phản ánh.

Cũng theo ông Quyền, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng với ngân hàng, thanh tra, kiểm toán, thuế… ở các nước trên thế giới thực hiện rất tốt, hiệu quả nhằm chống tham nhũng, rửa tiền. Nhưng ở Việt Nam sự phối hợp lại rất nhiều hạn chế. “Ngay cả cơ quan quản lý cán bộ muốn biết tài sản của các cán bộ có ở ngân hàng là bao nhiêu hiện nay cũng rất khó”, ông Quyền cho biết.

Ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế về tham nhũng (Bộ Công an) cũng phản ánh, theo quy định hiện nay thì hệ thống ngân hàng chỉ cung cấp số liệu, số dư tài khoản cho cơ quan bảo vệ pháp luật khi đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Điều này gây rất nhiều khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan điều tra trong việc phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Trong nhiều trường hợp việc ngân hàng không cung cấp còn giúp đối tượng có thời gian để chuyển dịch, tẩu tán tài sản.

Tuy nhiên trong tham luận của mình, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, do thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của xã hội nên rất khó khăn trong việc kiểm soát được luồng tiền lưu thông. Điều này tạo thuận lợi cho các giao dịch bất hợp pháp, tẩu tán tài sản, hợp pháp hóa tài sản và thu nhập bất hợp pháp. Ông Sơn kiến nghị cần rà soát các quy định về hạn chế sử dụng tiền mặt theo hướng bổ sung thêm các trường hợp bắt buộc phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán bất động sản, các phương tiện vận tải sang trọng… của người có chức vụ quyền hạn.

Để ngăn chặn những thu nhập, tài sản bất minh của người có chức vụ quyền hạn, PGS. TS Vũ Công Giao, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng các cơ quan có thẩm quyền phải theo dõi, nắm bắt được sự biến động của mọi tài sản, thu nhập… Đồng thời lưu ý đến nguồn gốc của các khoản chi tiêu lớn, nhiều khi vượt quá nhiều lần so với thu nhập bình thường của công chức và người nhà công chức, ví dụ như chi phí cho con đi du học, chi phí đi du lịch nước ngoài… “Cần phải nghiên cứu khả năng kiểm soát thu nhập phổ quát với toàn bộ công dân thông qua việc kiểm soát thu nhập cá nhân và ứng dụng các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Vì trong thực tiễn những tài sản có giá trị lớn do tham nhũng mà có của người có chức vụ, quyền hạn thường được đứng tên người thân hoặc người khác”, ông Giao phân tích.

Buộc người thân tội phạm chứng minh nguồn gốc tài sản

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với rất nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho việc phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản như: không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng… Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi cũng bổ sung các quy định cho phép cơ quan tiến hành tố tụng kê biên đối với các loại tài sản này để đảm bảo thi hành án.

Tuy nhiên ông Dũng khẳng định, giải pháp này sẽ bị vô hiệu nếu người phạm tội chuyển hóa tài sản cho người thân. Do đó để thu hồi được tài sản tham nhũng nhất thiết phải có cơ chế cho phép cơ quan tố tụng có quyền yêu cầu người thân của người phạm tội tham nhũng phải chứng minh tính chất hợp pháp đối với những loại tài sản thuộc sở hữu của họ. Nếu những người trên không thể chứng minh được tính hợp pháp của những loại tài sản này thì tài sản đó sẽ bị coi như là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có và sẽ bị tịch thu.

Ông Vũ Công Giao đề nghị xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án về hình sự. Trong đó chuyển nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản cho người bị tình nghi tham nhũng. Ông Alan Doig, Chuyên gia của UNDP về chống tham nhũng cũng khẳng định, nếu chuyển tiền tham nhũng cho người thân, mà người đó không nộp lại là thông đồng cho tham nhũng, phải xử lý hình sự. Ông Alan Doig cũng cho rằng để chống tham nhũng hiệu quả thì vai trò của cơ quan thuế là rất quan trọng. “Nếu cơ quan thuế chỉ nắm hồ sơ mà không trao đổi thành hệ thống để theo dõi, phát hiện tham nhũng thì những con số đó cũng là vô nghĩa”, ông Alan Doig khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cũng khẳng định, nếu có sự tham gia của cơ quan quản lý thuế sẽ tránh được tình trạng kê khai không trung thực hoặc trốn thuế. Ông Kim kiến nghị ban hành các quy định cụ thể về sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, nhất là cơ quan thuế, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà đất với cơ quan quản lý cán bộ, công chức trong việc xác định tài sản, thu nhập của người kê khai, tránh tình trạng kê khai không trung thực nhưng không được phát hiện và xử lý. 

Để thu hồi được tài sản tham nhũng nhất thiết phải có cơ chế cho phép cơ quan tố tụng có quyền yêu cầu người thân của người phạm tội tham nhũng phải chứng minh tính chất hợp pháp đối với những loại tài sản thuộc sở hữu của họ.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.