TP Hồ Chí Minh:

Tham nhũng trốn ở đâu mà không thấy!?

TP - Ngày làm việc thứ hai (9/12), Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM (khóa VIII) đột ngột “nóng” lên khi một số đại biểu đề cập đến vấn nạn tham nhũng khi lãnh đạo Thanh tra TPHCM khẳng định chưa phát hiện tham nhũng từ đầu năm đến nay. 

Theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Thiện, tham nhũng hiện nay là một quốc nạn, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chống tham nhũng được đề cập rất nhiều nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri TPHCM vào ngày 5/12 đã nói tham nhũng còn rất nghiêm trọng, đi đâu cũng nghe dân kêu.

Theo ông Thiện, từ đầu năm đến nay, TPHCM tiến hành 150 cuộc thanh  tra tại 341 đơn vị, phát hiện 30 đơn vị có sai phạm với giá trị 80 tỷ đồng, thu về ngân sách vỏn vẹn 31 tỷ đồng, 3 căn nhà. Đây là kết quả rất khiêm tốn.

“Tham nhũng ở TPHCM hiện nay đang diễn ra như thế nào, không có hay đang trốn ở đâu mà chúng ta không thấy? Báo cáo của UBND TPHCM liệu có phản ánh đúng thực trạng hay đúng như những gì cử tri vẫn băn khoăn là: Chống tham nhũng, chống ai? Ai chống? Tại sao trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, vấn đề chống tham nhũng không được đưa vào chương trình thảo luận của nghị trường các kỳ họp? Chúng ta phải làm gì để tiến tới một đất nước, một thành phố không còn ai dám tham nhũng, không ai có thể tham nhũng và không ai cần tham nhũng?”  - ĐB Trần Văn Thiện chất vấn.

Tham nhũng trốn ở đâu mà không thấy!? ảnh 1

Đại biểu Trần Văn Thiện: “Tham nhũng không có hay đang trốn ở đâu mà không thấy?

Trả lời ĐB Trần Văn Thiện, Phó Chánh thanh tra TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Nga cho biết, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực và đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư cơ bản, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu thầu thực hiện các dự án…

Đề cập đến nguyên nhân tham nhũng, bà Nga nói công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, thủ tục hành chính rườm rà. Một số cán bộ công chức lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý và chính sách để tham nhũng, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, cố ý làm trái các quy định, quy trình công tác để hưởng lợi. Trong khi đó, một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết đơn thư khiếu tố khiếu nại của công dân liên quan đến tham nhũng, chưa chủ động thanh, kiểm tra. Công  tác giám sát chưa thường xuyên nên tình trạng nhũng nhiễu vẫn ngấm ngầm diễn ra.

Tham nhũng trốn ở đâu mà không thấy!? ảnh 2

Phó Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Nga: “9 tháng đầu năm, TPHCM không phát hiện tham nhũng”.

Chưa vạch mặt, chỉ tên tham nhũng

Trả lời chất vấn, bà Nga cho biết: “Việc tặng quà, nhận quà biếu rất khó phát hiện, khó định giá quà nào là vi phạm”. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm ngắt lời bà Nga: Đại biểu muốn biết tình hình tham nhũng của thành phố, phòng chống như thế nào? Mình đã phát hiện bao nhiêu vụ và xử lý như thế nào? Xử hành chính hay chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự?

Bà Nga đáp: Báo cáo với các đại biểu, sơ kết 9 tháng đầu năm, qua công tác thanh tra thì TPHCM chưa phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM phát hiện 80/341 đơn vị có sai phạm về kinh tế. Riêng về điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến án tham nhũng là những vụ tồn đọng của những năm trước chuyển sang.

“Công tác thanh kiểm tra phòng chống tham nhũng, theo Ban Nội chính Thành ủy, có 4 vụ đang trong tầm giám sát, theo dõi và chờ kết luận của cơ quan điều tra” - bà Nga thông tin.        

Trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp, ĐB Lâm Thiếu Quân nói ông không tin TPHCM không có tham nhũng. Cái khó hiện nay là tham nhũng ngày càng tinh vi, các đối tượng tham nhũng có thế lực, liên kết thành nhóm lợi ích, sẵn sàng trù dập những người đấu tranh. Vì vậy, nhà nước cần trang bị cho lực lượng chống tham nhũng các cơ chế, chính sách đặc biệt thì mới có thể phát hiện được tội phạm tham nhũng.

Hôm nay (10/12), kỳ họp sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.