Trong căn nhà nhỏ tạm bợ ở bên sườn núi xã Đôn Phục (huyện Con Cuông, Nghệ An), chị V.T.H (SN 1989, trú bản Hồng Điện, xã Đôn Phục) cho biết, năm 17 tuổi, chị sập bẫy bọn buôn người vì tin lời dụ dỗ sang Trung Quốc kiếm việc làm mưu sinh. Tới khi bị bán cho một người đàn ông ở vùng nông thôn Trung Quốc làm vợ thì chị H. mới “vỡ mộng”, song không còn cách nào khác, buộc phải cam chịu.
“Gần nhà tôi có một người phụ nữ lấy chồng ở Trung Quốc. Trong một lần về quê, người này sang gặp tôi đề xuất việc đi sang nước bạn làm việc. Người này khẳng định công việc không hề nặng nhọc lại lương cao, làm vài năm có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ. Vì còn trẻ, lại không hiểu biết nên bị những lời ngon ngọt này lừa, đồng ý nghe theo”, người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn nhớ lại.
Căn nhà tạm bợ của 3 mẹ con chị H. |
Chị H. kể, tuy không bị chồng đánh đập như một số trường hợp khác, song chị bị giam trong căn phòng nhỏ suốt ngày. “Đến khi sinh được thằng cu thì nhà chồng mới nới lỏng, cho tôi ra ngoài đi làm” - chị H. cho biết.
Sau nhiều lần lân la kết bạn với những người Việt Nam ở Trung Quốc để hỏi đường đi và cách thức đi về, năm 2016, khi có người sẵn lòng giúp đỡ, chị H. mới quyết định đưa hai con - những đứa trẻ có hai dòng máu trở về quê hương, đoạn tuyệt những ngày tủi khổ.
Cuộc tháo chạy của 3 mẹ con khá thuận lợi nhờ cậu con trai thông thạo tiếng Trung Quốc. “Tôi cũng chỉ nói bập bẹ, nó được đi học nên nói thông thạo hơn. Khi gặp được người giúp đỡ, nó nói chuyện rồi chúng tôi cùng bắt xe đi về khu vực cửa khẩu nhờ giúp đỡ” - chị H. kể.
Chị H. kể về những ngày tháng gian khó ở xứ người. |
Về quê, không có tấc đất cắm dùi, dân bản thương tình cho mẹ con chị H. mượn đất để dựng ngôi nhà tạm che mưa, tránh nắng. Gọi là nhà nhưng thực ra được cất lên với 6 cây cột nhỏ rồi gác lên mấy tấm pờ-rô xi măng, xung quanh quây bằng tấm bạt mỏng. Vào những ngày mưa to gió lớn, chị phải ôm hai con chạy sang nhà bà ngoại gần đó.
Cái ăn chỉ biết nhìn vào rừng, hàng ngày chị H. gửi con cho mẹ chăm sóc để đi kiếm măng, rau rừng hay lấy củi về bán để mua gạo qua ngày. Cuộc sống vô cùng vất vả, bữa ăn chỉ vài con cua, con ốc mò được ngoài khe suối. Một mình nuôi con đã vô cùng khó nhọc, trong khi chị không được ăn học nên chỉ có thể tìm đến các công việc lao động chân tay.
Để lo cho 2 con ăn học, chị H. đành nhờ người thân chăm sóc rồi đi làm giúp việc cho một gia đình ở thị trấn Con Cuông. Ngoài nhìn ánh đèn đường rực sáng ở khu phố, H. nói “lâu nay chỉ quanh quẩn lên nương rẫy làm, kiếm ăn tạm bợ. Nay các con cũng thích nghi với cuộc sống ở quê rồi nên tranh thủ đi làm kiếm tiền cho chúng học”.
Con gái đầu của chị H. luôn lẩn tránh mỗi khi người bố Trung Quốc gọi điện thoại về. |
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng H. vẫn lạc quan nói rằng “Thằng cu học tiến bộ nhanh lắm. Thầy cô cũng hay khen, động viên nó. Nhất định tôi phải cho các con học tới cùng để thoát nghèo”.
Mấy năm qua, người mẹ này vẫn thỉnh thoảng liên lạc trò chuyện với chồng cũ ở Trung Quốc và chuyển máy cho bố con hỏi thăm sức khỏe của nhau. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, cô con gái 9 tuổi lại chạy trốn ra chơi cùng bạn, không chịu gặp bố. “Nó chưa lần mô chịu nói chuyện lại với bố nó. Bảo sợ lại bị bắt sang bên đó”, chị H. nói.
Không ít lần chồng cũ níu kéo quay lại Trung Quốc, tuy nhiên người phụ nữ này một mực từ chối với lý do ở quê còn người thân, còn hàng xóm đỡ đần lúc gặp khó khăn.