Ngày 9/8, theo báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Đà Nẵng) tại kỳ họp thứ hai, HĐND TP khóa IX, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, đến nay, sau hai mươi năm trực thuộc trung ương, nền kinh tế thành phố vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD còn rất ít. Năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của các sản phẩm còn yếu. Chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành khá nhiều, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, số doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng rất khiêm tốn, chưa phân bổ đủ nguồn lực cần thiết để tạo sự chuyển biến căn bản và đạt được mục tiêu đề ra.
Thành phố đã cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư, các chỉ số PCI, Par Index, ICT Index liên tục dẫn đầu, tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt yêu cầu, tình hình không những không cải thiện mà 6 tháng đầu năm sụt giảm cả về số lượng dự án cũng như số vốn đăng ký. Trong 22 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư trong 6 tháng đầu năm với tổng vốn đăng ký chỉ 10 triệu USD, trong khi đó điều chỉnh 1 dự án giảm vốn đến 14,3 triệu USD. Lũy kế cho đến nay thành phố có 409 dự án với số vốn đăng ký là 3,67 tỷ USD (trong đó số vốn được triển khai chưa đến 50%), cho thấy hầu hết các dự án có qui mô nhỏ….
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc kỳ họp vào sáng ngày 9/8
Du lịch Đà Nẵng phát triển khá nhanh tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có…Vụ chìm tàu trên sông Hàn, tình trạng người nước ngoài tổ chức hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép, sử dụng ngoại tệ khi mua hàng... gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch của thành phố.
Ngoài ra, qua thẩm tra ban kinh tế ngân sách còn chỉ rõ: qua nhiều năm, đến nay thành phố vẫn chưa có chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, một trong những nguyên nhân lớn là chưa có quy hoạch lĩnh vực trọng tâm (cây, con...) và nhất là việc ổn định đất cho phát triển nông nghiệp dẫn đến nhiều khó khăn cho sự đầu tư và phát triển của ngành mang tính lâu dài, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp…. Công tác quản lý rừng còn bất cập, cần giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính và có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, trước mắt và cấp bách là quản lý và khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Mặc dù thu ngân sách vượt với dự toán nhưng loại trừ các khoản tăng thu do cơ chế chính sách, các khoản thu tăng đột biến (903,8 tỷ đồng) và thu tiền sử dụng đất (1.234 tỷ đồng) thì tăng thu phát sinh từ kinh tế chưa cao. Vẫn còn thất thu ở một số lĩnh vực; nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất vẫn còn nhiều và có xu hướng tăng dần. Tính đến 30/6/2016, tổng nợ toàn ngành thuế là 1.740 tỷ đồng, tăng 5,58% (92 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2015. Trên lĩnh vực quản lý đất đai, dư luận đang nổi lên việc người nước ngoài thông qua người Việt Nam đứng tên mua bất động sản, vấn đề này chứa đựng rất nhiều tiềm ẩn bất lợi về lâu dài trên nhiều mặt.
Đối với việc rà soát, xử lý thu hồi các dự án ven biển, tính đến nay chỉ mới thu hồi được 1 dự án vào năm 2015. Hầu hết các dự án chậm triển khai đã cam kết tiến độ thực hiện. Vì vậy, cần theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện cam kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai dự án. Các dự án không triển khai cần sớm có giải pháp thu hồi theo đúng quy định pháp luật
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thừa nhận thành phố vẫn tồn tại, hạn chế nhiều mặt cần sớm khắc phục, như: Kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, chủ trương của Thành ủy về “Thành phố 4 an” gắn với chương trình thành phố “5 không, 3 có” chậm được triển khai và hiệu quả chưa cao; công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Đồng thời đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn thảo luận, tranh luận, chất vấn, không nể nang né tránh, tham gia góp ý kiến có chất lượng để góp phần xây dựng TP Đà Nẵng ngày một phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn