> Khám phá ‘Con đường mang dáng hình Tổ quốc’
Đó là con đường tuần tra biên giới – một công trình kéo dài 30 năm với hàng vạn cây số, được coi là nhiệm vụ quan trọng của quân đội trong thời bình, con đường của kế sách “trù phương lược”.
Vực sâu, đá sắc, mưa dầm, vắt bám
Một đoạn đường tuần tra trên tuyến biên giới huyện Sốp Cộp, Sơn La. |
Tháng 10/2008, rất tình cờ, Vũ Quang Thái đến công trình đường tuần tra biên giới lần đầu tiên, ở đoạn Sông Mã - Sốp Cộp – Sơn La, trong 5 ngày.
Lúc đó, cơ quan không trang bị đầy đủ máy móc cho phóng viên, anh chỉ tác nghiệp bằng máy ảnh Fujifilm bé tí không ống kính. Chiếc máy đó, do anh Nguyễn Xuân Gụ - trưởng ban Ảnh của báo Quân đội nhân dân –
cho mượn.
Đến đường tuần tra biên giới, rất thích và cũng rất choáng. Nó khác hẳn so với hình dung của người ta về một con đường. Hoàn toàn làm từ đầu bằng cách xẻ núi cào đá, lại bám sát đường biên, nên thi công cực kỳ gian khổ.
Chiếc Fujifilm giúp anh đăng được vài chùm ảnh trên báo. Tháng 6/2009, Thái tiếp tục lên đường. Lần này, anh đi tuyến Đồng Tháp – Long An rồi xuôi về Bình Phước lộn sang Tây Nguyên. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, đi từ gói thầu này sang gói thầu khác rất mất thời gian.
Vũ Quang Thái và cuốn sách của anh. |
Đang ở gói thầu của Cty Thành An chi nhánh phía nam, thiếu tướng Hoàng Kiền nói: “Phải ra khỏi núi ngay bây giờ. Nếu mưa xong sẽ không ra được”. Mọi người đi ngay. Đến đoạn đường thuộc huyện Đăk Hà, độ dốc chỉ 7% nhưng xe không đi được vì quá trơn. Cả đoàn xuống đi bộ và đẩy xe.
Từ những rặng tre trên các đoạn đường ngang dùng để vận chuyển vật liệu, hàng đàn vắt đu mình lao xuống bắp chân bắp tay người. Hai phóng viên báo Quân đội là Vũ Quang Thái và Nguyễn Văn Minh kinh khiếp nhìn cơ thể mình bê bết máu do bữa tiệc của bọn vắt.
Chặng rừng Bù Gia Mập (Bình Phước). Một chiếc xe chở gỗ của lâm tặc quá tải, gãy cầu, nằm chắn ngang đường phía trước đoàn công tác. Thiếu tướng Hoàng Kiền bảo phải lách để đi qua. Nhưng đường quá trơn, nên xe bị sa lầy. Cả đoàn tập trung lực lượng đẩy xe, cũng không được. Mọi người thay nhau đào bớt đất lầy.
Quang Thái nhanh nhảu nhảy lên xe gỗ lậu từ trên cao chụp xuống. Anh có một bức ảnh đẹp góp vào thành phóng sự ảnh “Trên công trường đường tuần tra biên giới: Gian nan giữa mùa mưa” sau đó đoạt giải B giải Báo chí quốc gia năm 2009 (không có giải A ở thể loại này).
Cứ một người đào, cả đoàn đẩy, luân phiên nhau, nhưng rốt cục không di chuyển được chiếc xe. Giám đốc công ty thi công cùng tài xế phải ngủ lại trong rừng trông xe, chờ trời sáng gọi cứu hộ.
Sau đó, mỗi năm Quang Thái đi hai chuyến tới đường tuần tra. Năm 2012, để bổ sung hình ảnh cho cuốn sách “Con đường mang dáng hình Tổ quốc” trước khi phát hành, anh đi xuyên suốt đất nước từ Cao Bằng, Quảng Ninh đến Long An.
Lại nằm giữa rừng mưa Quảng Nam mà đói cồn cào. Một gói bánh quy bé xíu chia ra, mỗi người ăn hai chiếc để cầm cự cả ngày. 3 gói mỳ tôm được nhường luôn cho...10 người.
Anh Thái nói, rất nhiều câu chuyện và hình ảnh mà máy ảnh và ngôn từ không thể ghi lại. Bởi vậy, cuốn sách chỉ mô tả được phần nào nỗi vất vả của những người làm đường. Rất nhiều công nhân, chiến sỹ đã hy sinh cho giai đoạn đầu tiên của con đường huyết mạch dọc biên giới trên bộ. Vực sâu hun hút. Núi cao. Dốc đứng. Đá sắc.
Muốn làm vài cây số đường lớn phải xẻ hàng chục đường nhỏ cho xe chở vật liệu lên. Mùa mưa, buồn heo hút. Mưa một ngày phải nghỉ làm 2- 3 ngày. Không có dịch vụ giải trí. Không thể tranh thủ về nhà vì rừng đã bị mưa cô lập.
Sóng radio chập chờn. Tiếng “đọc truyện đêm khuya” câu được câu chăng, rè rè lẫn tiếng côn trùng. Nửa đêm, nhiều công nhân bật dậy xin phép chỉ huy rời lán ra công trường làm đêm, vì “tiếc từng ngày nắng”.
Ở nhiều nơi, chiến sỹ và công nhân phải đi bộ hàng chục cây số để mua thức ăn. Giữa rừng Chư Mo Ray, chất độc da cam mà lính Mỹ rải trong chiến tranh nay vẫn ngấm và phát tác trong đất và nước. Rửa tay cũng bị ngứa, chứ chưa nói đến tắm. Nước ăn và sinh hoạt phải chở từ Thành phố Pleiku lên.
Trên công trường ấy có những sáng kiến những giải pháp đặc biệt. Chẳng hạn, để nổ mìn phá một mom núi, anh em công nhân phải nối dây giữa hai dãy núi đá, làm ròng rọc đu tới tọa độ mong muốn, rồi hạ thấp độ cao dần dần, cho tới khi tiếp cận được hốc đá để nhồi thuốc nổ vào. Ở Bình Phước, đơn vị thi công phải lập các trạm giao liên. Cứ 5 cây số lại có một trạm, để gùi cát, xi măng từng bước nhích lên, từ trạm thấp nhất đến trạm cuối cùng.
Cắm sổ đỏ cho nhà in
Quang Thái đã chụp khoảng 300GB về đường tuần tra biên giới với khoảng chục vạn ảnh. Anh tạm chia thành 6 chủ đề, để từ đó lọc ra 5 ngàn ảnh. Lần lọc thứ hai còn 2 ngàn bức, và bắt đầu trình bày. Trong khi trình bày, anh lọc ra còn 800 bức.
Trình bày đã hòm hòm thì còn 400 tác phẩm ảnh. Lúc này anh mới nhận ra mình vẫn thiếu một số ảnh, và đó là nguyên do cho chuyến đi suốt chiều dài đất nước vào tháng 9/2012.
Cũng nhờ làm cuốn sách này, Quang Thái biết thiết kế kỹ thuật và trình bày. Ban đầu, một họa sỹ của báo Quân đội đồng ý làm giúp Thái. Nhưng cả hai đều bận, thời gian biểu của phóng viên và họa sỹ trình bày báo lại thường ngược nhau.
Khi phóng viên nộp bài ảnh vào cuối chiều thì đấy là thời gian họa sỹ bắt đầu công việc. Do đó, cả hai hiếm khi gặp được nhau. Thái nhờ cậu họa sỹ dạy cho anh kỹ thuật InDesign. Từ đó anh tự trình bày. Chỗ nào khó, thì gọi điện hỏi. 11 giờ hằng đêm, cho con gái ngủ xong, anh lại hì hục đánh vật với cuốn sách đầu tay trong đời mình. Đến khâu bắn chú thích bên cạnh ảnh, Thái nhờ anh D. phó tổng thư ký tòa soạn báo Đại đoàn kết giúp.
Anh D. rất ngạc nhiên vì Thái nhớ vanh vách chi tiết từng địa danh, thời điểm chụp, nội dung, nhân vật của mỗi bức ảnh. Nhờ vậy, mỗi tác phẩm ảnh của anh đều cụ thể và có câu chuyện.
Trong một chuyến công tác cùng Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thái mạnh dạn nói lên ý định làm cuốn sách và bày tỏ mong muốn được Bộ trưởng tạo điều kiện để nâng tầm con đường, nâng tầm cuốn sách. Bộ trưởng đồng ý ngay, và động viên: Thế hệ trẻ các cậu nên kế thừa phát huy truyền thống của báo Quân đội nhân dân, đặc biệt là về ảnh. Cậu cứ làm đi. Làm đến đâu báo cáo đến đấy.
Khi Thái làm gần xong nội dung sách, anh in một cuốn demo gửi tới Bộ trưởng. Đại tướng rất xúc động và đã viết bức thư (viết tay) để in trang đầu sách. Sau khi Ban quản lý dự án 47 có tờ trình, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đồng ý hỗ trợ cuốn sách 225 triệu đồng. Quang Thái nói: Không có Bộ trưởng không làm được sách.
Từ nội dung, tư liệu, thiết kế trình bày Thái phải lo. Kinh phí cao, ban đầu không có tài trợ, Thái tự tìm chỗ in. Nghe nói ở TPHCM giá in công in rẻ, nhưng sau thấy đi lại vất vả thành ra giá sẽ bị đẩy lên cao hơn, nên anh quay về Hà Nội. Anh bí tiền chỉ nộp trước được 80 triệu đồng (lúc này số tiền hỗ trợ của Bộ chưa được giải ngân). Nhà in ngại ngần, vì giá giấy và công in lên tới hàng trăm triệu đồng. Thái nói: Các vị không tin thì tôi sẽ lấy sổ đỏ nhà tôi “cắm” luôn tại đây. Tôi thề trên tư cách một người lính là sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với các bạn.
May sao, sách in xong, gần hết thời hạn hợp đồng, Thái huy động được một ít tiền, cộng với kinh phí do Bộ trưởng hỗ trợ, anh kịp đưa nộp nhà in mà không cần đưa sổ đỏ cho họ.
Mắc nợ con đường
Xẻ núi làm đường (chụp tại Điểm cao 383, xã Ya Mơ, Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: Vũ quang thái. |
Có nhiều bức ảnh lãng mạn và rất lạ. Nhiều người đi nhiều chuyến trên cùng tuyến đường tuần tra biên giới nhưng không gặp được khung cảnh ấy. Tây Nghệ An là một nhánh đường gian khó. Tuyến này chưa thông nên phải cắt rừng mà đi.
Thái vừa bám đoàn vừa đeo ba lô 10kg máy tính và ống kính, tay phải cầm máy ảnh, tay trái bám cây rừng. Trượt chân trượt tay là rơi xuống vực ngay. Nhưng đến đoạn Quan Sơn – Thanh Hóa, trên đỉnh núi đầy mây bỗng xuất hiện những tia nắng xuyên qua.
Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có câu thơ dành cho hình ảnh đẹp này: “Chắt từng tia nắng trong mây”. Đường chìm giữa biển mây. Mây trắng xốp như tuyết. Những cành cây trụi lá ngoi lên. Thành ra, nếu không nhìn kỹ bức ảnh, sẽ nhầm với hình ảnh mùa đông nước Nga.
“Các công nhân, chiến sỹ công binh và cán bộ Ban quản lý dự án 47 vất vả lắm. Chúng tôi không thể làm gì giúp các anh ấy. Giải thưởng báo chí quốc gia mà tôi được tặng cũng nhờ bài, ảnh về con đường này. Tôi cảm thấy mắc nợ các anh. Thôi thì chắt lọc từ những chuyến đi, làm ra cuốn sách, để mong sau này các anh nhìn lại thấy sự vất vả và đóng góp lớn lao của mình” – Quang Thái cho biết, nếu có điều kiện anh sẽ tái bản sách hoặc làm tiếp tập 2 trong tương lai.
Bởi con đường tuần tra biên giới còn dằng dặc gian truân phía trước, hiện nay mới hoàn thành 5 năm đầu tiên (giai đoạn một) trong chuỗi 30 năm làm đường.
Thiếu tá Nguyễn Văn Minh (báo Quân đội nhân dân) nói về đồng nghiệp: Đi cùng Thái, những đêm khuya sau một ngày mệt nhoài luồn rừng, khi chúng tôi chìm trong giấc ngủ, vẫn thấy anh xách máy, cõng chân, cầm đèn pin lọ mọ ra công trường hay đi quanh lán tìm người, tìm chuyện, tìm cảnh để sáng tác…
Tạm thời, Thái đã có thể thở phào. Sách in 2.000 cuốn, dày hơn 200 trang, đã tiêu thụ được một nửa. Đây có thể được coi là một kỷ lục. Ít ai in sách ảnh dày như thế và nhiều như thế. Thái nói, anh đã hoàn hồn.
Vũ Quang Thái sinh năm 1977. Tốt nghiệp Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I Hà Nam khóa I (từ 1997-2000). Tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền, khóa 2002-2005, khoa Báo chí. Nhập ngũ: 1995, ở trung đoàn 568 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình). Sau huấn luyện chiến sĩ, về công tác tại Đại đội Thiết giáp (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình). Năm 1996, chuyển về công tác tại Ban Tuyên huấn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình. Năm 2002, chuyển về công tác tại Ban Khoa học Công nghệ, Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 10/2006 chuyển về Báo Quân đội nhân dân cho đến nay. |