Lợi dụng lòng tốt
Trưa ngày 10/10, ở góc đường 3/2 - Cao Thắng (quận 10), một người đàn ông trong bộ dạng nhếch nhác ngồi trên chiếc xe lăn, bên hông có treo sẵn cái ca khá to để xin tiền người đi đường đứng chờ đèn đỏ. Theo quan sát, người này nhìn khá khỏe mạnh, tay chân lành lặn nhưng cầm tấm bảng trước ngực cho biết mình bị bệnh nan y, mong người dân giúp đỡ có tiền trị bệnh. Khi chúng tôi đưa máy ảnh chụp hình, người này liền gục đầu tránh ống kính.
Người giả dạng ăn xin trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) trưa ngày 10/10. Ảnh: U.P |
Dưới chân dạ cầu Nguyễn Tri Phương (quận 10), ngày nào cũng có 2 - 3 người ngồi hai bên khu vực chờ đèn giao thông để xin tiền. Trong đó, một người đàn ông thường xuyên mang theo trẻ em nhỏ vừa bán vé số, vừa xin tiền; một người đàn ông lớn tuổi chống nạng, cầm chiếc mũ sờn cũ đến từng người nhờ giúp đỡ. Khi có người cho tiền, người này nhanh tay cất vào áo rồi lại đưa chiếc mũ trống rỗng chờ những người khác đến để tiếp tục xin. Được một vài tuần, nhóm người này di chuyển đến nơi khác và có những người ăn xin khác thế chỗ.
Bên cạnh nhà tang lễ trên đường Trần Phú (quận 5), mấy ngày qua có 3 mẹ con lót tờ báo ngồi trên vỉa hè chờ xin tiền người đi đường. Hai đứa trẻ khoảng 5 - 7 tuổi len lỏi vào giữa dòng xe tấp nập, hướng ánh mắt chờ đợi đến những người phụ nữ. “Tôi thấy các em bằng tuổi con mình nên tội nghiệp, lần nào đi ngang cũng cho 10.000 - 20.000 đồng. Tuy nhiên, người mẹ những đứa trẻ khỏe mạnh có thể đi làm để nuôi con nhưng họ ngồi đó và lạm dụng lòng tốt của người đi đường để điều hành trẻ con ăn xin. Dù rất thương các em nhưng sau này tôi quyết không cho nữa, vì mình càng cho thì họ càng ỷ lại” - chị Nhung (ngụ quận 8), chia sẻ.
Không chỉ điều hành trẻ em, nhiều người còn giả làm người khuyết tật, sư sãi đi khất thực để xin tiền người đi đường. “Sáng tôi thấy người đàn ông đó rất khỏe mạnh, còn chạy cả xe máy gửi vào bãi, nhưng một lúc sau đã thấy trở thành người khuyết tật, bò lê trên đường bán vé số. Nhiều người thấy thương đã mua vé số ủng hộ, còn cho thêm tiền. Tính ra mỗi ngày, người này xin được cả triệu đồng chứ không ít” - bà Bình (ngụ quận Bình Tân), nói.
Vì sao khó xử lý?
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 812 của UBND TPHCM về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác diễn ra mới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM thông tin: từ giữa tháng 3/2023 đến nay, thành phố đã đưa 894 người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, tăng gần 30 % so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, thành phố dừng trợ giúp xã hội cho 367 người lang thang, xin ăn (số lượng dừng trợ giúp tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái).
Người lang thang, xin ăn được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần. Ảnh: U.P |
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trong những năm qua, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã quan tâm, giải quyết cơ bản tình trạng người xin ăn trên địa bàn. Tuy nhiên, gần đây tình trạng xin ăn xuất hiện trở lại và có xu hướng tăng dần, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Phần lớn đối tượng đến từ các tỉnh, thành phố khác. Tình trạng người xin ăn giả dạng (bệnh, bán vé số, bán kẹo cao su…), lợi dụng trẻ em để xin ăn, giả dạng người khuyết tật, thầy tu đi khất thực… gây khó khăn cho địa phương trong việc phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Điều đáng nói là, các đối tượng còn có nhiều cách đối phó với lực lượng chức năng như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su...để xin tiền. Các đối tượng thường hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn nên các tổ công tác gặp nhiều khó khăn trong quản lý, tập trung đối tượng. Một số đối tượng khi hội nhập cộng đồng tiếp tục hành vi lang thang, xin ăn ở các địa bàn khác. Trong khi đó, một số người dân vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người xin ăn, lang thang...
“Để giải quyết tình trạng trẻ em, người lang thang, xin ăn góp phần đảm bảo an ninh trật tự đô thị và mỹ quan của thành phố, các cơ quan liên quan cần chú trọng cơ chế phối hợp; huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, người dân thành phố trong việc phát hiện, báo tin để giải quyết từng trường hợp. Đồng thời, thành phố cần tăng cường nhóm giải pháp hiệu quả; công tác quản lý, hỗ trợ học văn hóa, dạy nghề cho đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội” - ông Thinh kiến nghị.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM đề nghị sở, ngành và các địa phương chú trọng công tác phát hiện, báo tin; phân loại các đối tượng. Theo ông Bình, sắp tới thành phố cần tăng cường phối hợp giữa các sở, ban ngành với cơ quan tòa án, viện kiểm sát xét xử công khai các đối tượng chăn dắt; tăng cường tuyên truyền để giáo dục, răn đe...
TPHCM hiện có 2 đơn vị tiếp nhận ban đầu người lang thang xin ăn là Trung tâm Hỗ trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM). Sau khi tiếp nhận, các đơn vị sẽ xem xét nguyện vọng của người lang thang, xin ăn để giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng hoặc chuyển đến các trung tâm hỗ trợ xã hội khác phù hợp. Riêng đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thần kinh, tâm thần thì cơ quan chức năng chỉ giải quyết hồi gia khi có đơn đề nghị của người giám hộ, gia đình hoặc cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng.