Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tận dụng lợi thế mặt nước trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 3 (Hà Giang), người dân xã Khâu Vai đã phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch.

Nho Quế là dòng sông đẹp nhất vùng hoa đá Hà Giang. Hai bờ sông là những hẻm vực cao sừng sững tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ cho vùng đất này.

Thế nên dễ hiểu khi vùng đất này là điểm đến có sức hút mạnh mẽ với những người yêu du lịch khám phá và mạo hiểm. Bất kỳ du khách nào đến cao nguyên đá đều muốn khám phá hẻm Tu Sản - hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á để có thể cảm nhận được sự hùng vĩ của núi non, sông nước Hà Giang.

Không nổi tiếng như hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế chảy qua địa phận xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc hiền hòa hơn nhưng cũng mang vẻ đẹp đặc trưng. Dòng sông nhìn từ trên cao như sợi chỉ xanh lung linh giữa đất trời. Đây là điều kiện để bà con dân tộc tại xã Khâu Vai phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 1

Sông Nho Quế 3, nằm trên địa bàn xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc

Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 2
Anh Lương Văn Hùng, người sáng lập Hợp tác xã Châu Kiệt chia sẻ, lòng hồ Nho Quế rất đẹp, nước trong và nhiều cá. Chục năm trước cũng đã có nhiều người đến đây đánh cá, bán cho bà con. "Thời điểm đó, mình tự hỏi tài nguyên như vậy sao không người H'Mông không khai thác?". Từ suy nghĩ đó, anh Hùng nghiên cứu các mô hình nuôi cá lồng trên tivi, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp nuôi cá. Anh bỏ ra 500 triệu đồng đầu tư làm bè nuôi cá.
Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 3
Con đường khởi nghiệp của anh Hùng không trải đầy hoa hồng. Tháng 6, 7 năm đó, mưa lớn cá không lớn nổi; tháng 12 bão lớn làm đứt cả cáp neo lồng. Tuy nhiên, anh Hùng xác định "phóng lao phải theo lao" nên lại tiếp tục vay mượn để nuôi đợt 3.
Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 4
Qua nhiều khó khăn, sự quyết tâm của anh Hùng đã giúp HTX Châu Kiệt phát triển với 10 lồng cá anh vũ, lăng, trắm, chép... Mỗi năm HTX xuất hơn 10 tấn cá, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 5
Tận dụng lòng sông Nho Quế, anh Hùng tiếp tục đầu tư tàu phục vụ du khách. Nhờ đó kinh tế cải thiện, bà con người H'Mông xã Khâu Vai có công ăn việc làm. Nghèo giảm, tệ nạn cũng giảm theo.
Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 6
Được biết, lòng hồ Nho Quế tạo việc làm cho hơn 20 bà con dân tộc địa phương. Năm 2023, HTX tiếp tục mở rộng dịch vụ lưu trú, cho du khách trải nghiệm cắm trại bên dòng sông Nho Quế.
Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 7

Anh Vàng Mí Sính (sinh năm 1995, dân tộc H'Mông, trú tại xã Khâu Vai) chia sẻ, trước đây cứ ai thuê làm gì thì làm, thu nhập không ổn định. Vì ít việc sinh ra hay uống rượu, uống nhiều thành quen nhiều khi vì rượu mà quên cả việc. Từ khi được nhận việc lái đò chở khách du lịch ở sông Nho Quế 3, công việc ổn định, thu nhập đều đặn từ đó anh cũng bớt uống rượu. "Khách đến thì mình chở, không có khách lại hỗ trợ vớt rác và nuôi cá cùng các anh ở HTX", anh Sính chia sẻ.

Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 8

Hiện sông Nho Quế qua điện bàn xã Khâu Vai đã được du khách biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, đường vào bến khó khăn cũng là trở ngại với du khách.

Người H'Mông mưu sinh trên dòng sông Nho Quế ảnh 9

Bí thư xã Khâu Vai Hoàng Ngọc Thành cho biết, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng. Từ năm 2019, xã đã triển khai thực hiện 6 lồng cá, nhờ những chính sách từ Chương trình 135 giảm nghèo bền vững, đến nay số lồng cá đã lên con số 16. Mô hình nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch có thể nói đã thành công. Trong thời gian tới, ông Thành tin tưởng du lịch trên sông Nho Quế sẽ phát triển nhờ những cây cầu kết nối giao thông. Công viên địa chất Non Nước (Cao Bằng) đến lòng hồ Nho Quế chỉ mất 10 phút đi xe.

MỚI - NÓNG