'Cắm bản' trên đỉnh Khâu Vai

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh lớp học tạm tại điểm trường Ha Cá B Ảnh: Đức Văn
Toàn cảnh lớp học tạm tại điểm trường Ha Cá B Ảnh: Đức Văn
TP - Họ chấp nhận thiệt thòi, tình nguyện “cắm bản” ở những điểm trường xa xôi nhất, nhiều “không” nhất. Họ kiên trì bám bản, mở “chiến dịch tìm trò” với mong muốn gieo con chữ, đổi thay tương lai cho các em nhỏ vùng cao. Đó là những thầy cô giáo trẻ ở vùng núi cao Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).

Ngồi học không nhìn thấy mặt nhau

Cách trung tâm huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) chừng 20 cây số, qua những con đường quanh co vách đá thẳng đứng là đến trung tâm xã Khâu Vai - một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi này.

Từ trung tâm xã, chúng tôi tiếp tục vào sâu khoảng 10km, vượt qua những khúc cua tay áo, dốc đá thẳng đứng. Chiếc xe máy luôn phải cài số 1 mới có thể vượt qua để đến điểm trường Ha Cá B. Điểm trường trên núi cao, gió rít từng cơn gợi lên một cảm giác hoang vắng. Nhưng, trong không gian ấy chốc chốc lại vang lên tiếng đọc bài, tiếng nô đùa của các em học sinh lớp mầm non và tiểu học.

“Cắm bản” tại điểm trường Ha Cá B đã 7 năm nay, thầy Hoàng Đức Huy (SN 1989, quê huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) không nhớ đã vượt bao lần ngọn núi, cánh rừng để đem con chữ đến với các em học sinh nơi đây. Thầy cho biết, con đường bê tông dẫn vào thôn chỉ mới được đầu tư xây dựng dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trước đó, chưa có đường, giáo viên phải thay nhau xuống núi để mua những đồ dùng thiết yếu như: gạo, cá khô, muối, lạc… vì cả tuần mới ra trung tâm xã một lần.

“Học sinh điểm trường này nhiều em áo không đủ để mặc, không có dép đi. Những bữa cơm phần lớn chỉ là mèn mén chan nước sôi. Mùa đông đến, học sinh ngồi co ro, run cầm cập, tay chân thì lạnh ngắt, môi tím bầm lại, thầy cô phải đốt thêm đống lửa gần lớp để giữ ấm”.

Cô giáo Hà Thị Xuyến, giáo viên điểm trường Ha Cá B

(Mèo Vạc, Hà Giang)

“Ngày thường là vậy, nhưng vào mùa mưa rất vất vả. Có lần tôi đến lớp trong bộ dạng lấm lem bùn đất vì trượt ngã. Khổ nhất là các cô, không dám đi xe máy, phải lội bùn 2-3 cây số mới đến được trường”, thầy Huy cho biết.

Gửi lại con thơ cho bố mẹ chăm sóc, cô giáo Hà Thị Xuyến (24 tuổi, quê thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) tình nguyện chọn điểm trường xa nhất của xã Khâu Vai để công tác. “Trước đây, để đến trường phải đi bộ, xe máy không leo nổi. Những ngày đầu chưa quen, hai bàn chân sưng tím lại, chảy máu, đôi lúc tôi đã có ý định từ bỏ. Nhưng nhìn các em học sinh cũng giống như con mình, nên cố gắng bám trường, bám bản, chỉ mong các con học được cái chữ để thoát nghèo”, cô Xuyến chia sẻ.

Theo cô Xuyến, điểm trường Ha Cá B có “3 không”: Không điện, không nước, không internet. Những ngày nắng không sao, còn ngày trời nhiều sương mù cô trò ngồi trong lớp học nhìn chẳng rõ mặt nhau. Nguồn ánh sáng duy nhất là đèn pin hay đèn điện thoại của thầy cô chuẩn bị.

'Cắm bản' trên đỉnh Khâu Vai ảnh 1

Cô giáo Hà Thị Xuyến hướng dẫn học trò tập đọc Ảnh: Đức Văn

“Học sinh điểm trường này nhiều em áo không đủ để mặc, không có dép đi. Những bữa cơm phần lớn chỉ là mèn mén chan nước sôi. Mùa đông đến, học sinh ngồi co ro, run cầm cập, tay chân thì lạnh ngắt, môi tím bầm lại, thầy cô phải đốt thêm đống lửa gần lớp để giữ ấm”, cô Xuyến nói.

Thầy Huy, cô Xuyến cùng nhau vận động người dân tham gia học tiếng phổ thông; hướng dẫn các em học sinh có thói quen sinh hoạt văn minh…

Ha Cá B là điểm trường khó khăn nhất thuộc xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Do điểm trường chưa được kéo điện và xây dựng kiên cố nên học sinh phải học trong lớp ghép. Lớp học nóng bức vào mùa hè, giá lạnh vào mùa đông. Khi trời nhiều sương mù, giáo viên và học sinh ngồi trong lớp không nhìn rõ mặt nhau, nguồn sáng chủ yếu dựa vào đèn tích điện do giáo viên chuẩn bị.

Kiên trì bám lớp, tìm học sinh

Điểm trường Ha Cá B có 42 học sinh, bao gồm 22 học sinh lớp mầm non, 20 học sinh tiểu học; 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên để duy trì đầy đủ sĩ số này, không phải điều dễ dàng.

Cứ sau một dịp nghỉ kéo dài như kỳ nghỉ hè hay nghỉ Tết Nguyên đán, thầy cô cùng chính quyền địa phương lại phải mở “chiến dịch tìm trò”, băng rừng, vượt suối đến từng nhà vận động học sinh quay lại lớp. Vất vả là vậy nhưng không ít lần họ phải nhận những cái lắc đầu của cả phụ huynh và học sinh.

Thầy Huy cho biết, đa phần học sinh ở đây có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nghỉ học phụ giúp bố mẹ. “Khi chúng tôi đi vận động, giải thích ích lợi của việc học cho phụ huynh, không phải ai cũng nghe ngay. Có trường hợp phải thuyết phục vài ngày phụ huynh mới đồng ý cho con đến lớp. Tôi cùng đồng nghiệp phải kiên trì giải thích cho bà con về tầm quan trọng của việc học, có học mới có thể thoát nghèo”, thầy Huy chia sẻ.

Vất vả hơn giáo viên dưới xuôi nhiều lần, nhưng những thầy, cô đang công tác tại các điểm trường khó khăn như Ha Cá B gần như không biết đến không khí ngày lễ 20/11, hiếm khi được nhận một bông hoa hay lời chúc ý nghĩa từ học trò hay phụ huynh. Với họ, niềm vui chính là được nhìn thấy học sinh đến lớp đông đủ, được nghe thấy tiếng nô đùa, đọc chữ của lũ trẻ.

MỚI - NÓNG