Vợ chồng cắm bản và ước mơ gieo con chữ cho học trò nghèo

Cô giáo Nguyễn Thị Thoa cùng học trò nghiên cứu khoa học
Cô giáo Nguyễn Thị Thoa cùng học trò nghiên cứu khoa học
TP - Chưa đầy một tháng nữa là đến Ngày Nhà giáo Việt Nam- 20/11, khi được hỏi về những mong ước, các thầy cô giáo đều hướng về những học trò nghèo của mình. Họ mong rằng tất cả những trẻ em vùng cao đều được đi học, đều trưởng thành và thoát khỏi cái đói, cái nghèo. 

Hai vợ chồng cùng cắm bản

Công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) số 1 Văn Lăng (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên), một ngôi trường thuộc vùng 135 đặc biệt khó khăn, suốt 7 năm qua, cô giáo Đỗ Thị Hợp luôn nỗ lực vượt qua những vất vả, thiếu thốn để làm tròn trách nhiệm của một người dạy học.

“Các em học sinh lớp 1 vừa mới chia tay trường mầm non đã phải đi ở trọ trong trường qua đêm, thầy cô lại trở thành những bảo mẫu, trực tiếp hướng dẫn các em tắm gội, vệ sinh cá nhân,… Có những em nhớ bố mẹ đòi về, tôi và các đồng nghiệp phải động viên, thậm chí hát ru cả đêm cho các con ngủ”, cô Hợp nhớ lại.

Chồng của cô Hợp, anh Dương Văn Long cũng là giáo viên cắm bản, hiện công tác tại điểm trường Bản Tèn thuộc trường Tiểu học số 2 Văn Lăng. Đây là một điểm trường cao nhất của tỉnh Thái Nguyên. “Chồng công tác ở điểm trường xa, những hôm mưa to gió lớn, đường trơn trượt không thể về nhà, vừa lo vừa thương chồng. Biết làm sao được, cái nghề dạy chữ ở vùng cao này ai cũng vất vả, nhưng bù lại là tình yêu của học trò đối với mình”, cô Hợp chia sẻ.

Vợ chồng cô Hợp có hai con, nhưng phần lớn thời gian trong ngày cô dành cho công tác giảng dạy và chăm lo học sinh bán trú, thời gian dành cho con cái rất ít. “Anh Long vừa là chồng, đồng thời là một đồng nghiệp, động viên tôi rất nhiều. Anh luôn ở bên hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn, nhờ thế mà tôi yên tâm bám trụ lấy nghề”, cô Hợp nói.

Vất vả là vậy nhưng vợ chồng cô Hợp luôn động viên nhau cố gắng vượt qua, miệt mài dạy chữ học trò nghèo bằng cái tâm của một nhà giáo.

Những chuyến “bắt trò”

Thầy La Văn Quân, giáo viên trường PTDTBT Trung học cơ sở Thuần Mang (huyện Ngân Sơn). Ngôi trường này thuộc vùng khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số. Thầy Quân không nhớ đã bao lần băng rừng lội suối để vận động học sinh đến trường. “Những lần đi vận động học sinh đến lớp, tim tôi không khỏi nhói đau khi thấy cảnh các em đang trong độ tuổi học lớp 6 mà đã phải còng lưng cõng em, tay kia dắt theo một em để cho bố mẹ đi làm. Các em vùng này phải chịu nhiều thiệt thòi lắm!”, thầy Quân chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học, thầy Quân lại lặn lội đến từng bản, làng để vận động học sinh đến lớp. Thế nhưng công sức của thầy có phải lần nào cũng được đền đáp. Có lần trời mưa, đường trơn đi phải chống gậy vượt núi, lội suối hơn 6km đến nhà học sinh, đến nơi các em lại cùng bố mẹ đi nương, đi rẫy...

 “Có một lần tôi lặn lội đi bộ 7km đến vận động em Phùng Văn Hiếu, học sinh lớp 8A đi học, em đồng ý nhận lời. Thế nhưng khi đến trường một thời gian Hiếu bỏ học đi lao động kiếm tiền. Thầy cô phải mất nguyên đêm đi tìm động viên em trở lại lớp”, thầy Quân nhớ lại và cho biết, Hiếu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ ly hôn, thiếu thốn tình cảm gia đình nên tâm lý không ổn định. Thầy Quân như một người cha đỡ đầu, bù đắp tình cảm cho Hiếu.

Là giáo viên duy nhất của trường thông thạo cả tiếng Mông, tiếng Tày, tiếng Dao, ngoài dạy hai môn chính là Vật lý và Toán, thầy Quân còn được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ quản sinh, chịu trách nhiệm chăm lo cho các em học sinh nội trú. Ở vị trí nào thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong nhiều năm công tác thầy đều nhận được khen thưởng của chính quyền địa phương và nhà trường.

Coi học trò như con ruột

Về nhận công tác tại Trường PTDTBT trung học cơ sở Minh Phát (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) 12 năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thoa cùng học sinh của mình đã có những nghiên cứu, đưa ra nhiều công trình khoa học có giá trị thực tế cao.

“Trường tuy còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng tinh thần vượt khó, ý tưởng và niềm đam mê của các em học sinh không thiếu. Để tạo ra một sân chơi mang tính tri thức cho các em, tôi đã đưa ra ý tưởng cùng các em nghiên cứu khoa học. Những sản phẩm có được đều dựa trên nhu cầu thực tiễn và nguyên liệu sẵn có của địa phương”, cô Thoa chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, cô Thoa đã nghiên cứu và hướng dẫn học sinh của mình đưa ra hơn mười công trình khoa học và đạt được những thành công lớn. Đáng chú ý nhất là công trình “Thuốc trị bọ mạt cho gà” sản xuất trên hai nguyên liệu chính là lá trầu không và lá thông. Sản phẩm với hai biến thể dành cho gà trưởng thành và gà đang ấp trứng đã giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học cấp tỉnh và được lựa chọn làm sản phẩm đi thi cấp Quốc gia.

“Tuy vất vả nhưng cô trò hạnh phúc lắm. Những lần công trình nghiên cứu đoạt giải, được lựa chọn đi thi ở những cấp cao hơn cô trò đều ôm lấy nhau khóc trong sung sướng. Lúc ấy tôi có cảm giác các em như những đứa con ruột của mình”, cô Thoa chia sẻ.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Chương trình sẽ tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số, đang theo học.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".