Người hâm mộ bị đặt ngoài lề

Người hâm mộ bị đặt ngoài lề
Việc quản lý khán đài thuộc về BTC sân nhưng để xảy ra hàng loạt vụ việc có liên quan đến CĐV lại có phần trách nhiệm của các CLB.

Người hâm mộ bị đặt ngoài lề

>> Nực cười với fans hâm mộ thể thao
>> Cổ động viên xô xát, ném ghế vỡ đầu nhau

Việc quản lý khán đài thuộc về BTC sân nhưng để xảy ra hàng loạt vụ việc có liên quan đến CĐV lại có phần trách nhiệm của các CLB.

CĐV Đồng Tháp với cờ và trang phục của CLB. Ảnh: Nguyễn Nhân
CĐV Đồng Tháp với cờ và trang phục của CLB. Ảnh: Nguyễn Nhân.

Mối quan hệ kín ít, hở nhiều

Gần như tất cả các CLB tại V-League đều có Hội CĐV. Lâu đời và tương đối chuyên nghiệp nhất là SLNA và Cảng Sài Gòn (nay chuyển sang ủng hộ 2 đội N.Sài Gòn và TP.HCM). Mang tiếng là Hội CĐV của CLB nhưng 90% lại không được chính các CLB công nhận chính thức, điều đó đồng nghĩa, Hội CĐV cũng chẳng thể có được tư cách pháp nhân.

Về khách quan, từ khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, nhiều đội bóng tương đối mới, chưa chắc chắn tương lai có duy trì hay không nên lãnh đạo CLB không quan tâm lắm đến chuyện xây dựng đội ngũ cổ động.

Ví dụ như người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng, Bình Định thì chưa hẳn là thuộc Hội CĐV của đội SHB Đà Nẵng hay SQC Bình Định vì nếu hết thời hạn chuyển giao, doanh nghiệp rút đi thì phải chăng Hội CĐV cũng không tồn tại. Trường hợp này xảy ra với đội Xi Măng Hải Phòng. Hồ sơ đăng ký với cơ quan chức năng đã hoàn tất, chỉ thiếu mỗi giấy chứng nhận của CLB nhưng vì mùa này Công ty XMHP lại sáp nhập thành công ty con của Tập đoàn Xi Măng Việt Nam nên cũng chẳng biết ai có thẩm quyền ký xác nhận Hội CĐV thuộc về đội bóng. Nếu CLB không thừa nhận thì thành phố lại không có cơ sở để cho phép thành lập vì thiếu tính mục đích.

Về chủ quan, không công khai nhưng lãnh đạo các CLB không hề muốn liên quan đến các Hội CĐV vì họ không quản lý được. Bất kỳ vụ việc sai phạm nào trên khán đài, CLB cũng có liên đới ít nhiều. Nếu công nhận Hội CĐV thì trách nhiệm còn nặng hơn. Quản lý đội bóng đã khó, nói gì đến chuyện kiểm soát mấy ngàn người. Đấy là chưa nói, đã công nhận thì phải cấp kinh phí hoạt động chứ không lẽ người ta đến cổ vũ khơi khơi? Khổ nỗi, để tổ chức một chuyến đi xa để cổ động cho khoảng 1.000 người thì chi phí cũng lên đến gần cả tỷ đồng/trận.

Cư xử theo kiểu bị “đặt bên lề”

Khán giả tất nhiên cũng có 2 dạng: tốt và xấu. Nhưng theo dõi trên hàng chục diễn đàn bóng đá, chúng tôi nhận thấy mỗi khi đội nhà thua trận, trong tâm trạng rất thất vọng nhưng các CĐV chân chính luôn bảo vệ đội bóng của mình dù là trên “thế giới ảo” và bản thân họ cũng chẳng được đội bóng công nhận. Điều đó có nghĩa, nếu các Hội CĐV được tổ chức nghiêm túc thì cũng giảm thiểu những khía cạnh xấu trên khán đài. Càng nhiều người đến sân vì tình yêu với đội bóng, với quê hương thì càng bớt đi các phần tử quá khích, chuyên gây rối hoặc “xả” những điều bực dọc trong cuộc sống.

Cũng theo quan sát của chúng tôi, các CĐV chân chính cũng không đòi hỏi phải thành lập các Hội CĐV. Sự xuất hiện hàng chục diễn đàn bóng đá tự phát cho thấy điều đó. Thế nhưng, những CĐV lại mong muốn họ được nhìn nhận một cách trân trọng những đóng góp của mình.

Tuy nhiên, các CLB Việt Nam hầu như không có hành động nào chăm sóc hoặc hỗ trợ. Nhiều CLB có trích kinh phí ủng hộ mua sắm áo, dụng cụ cổ động nhưng không công khai. Các sân vận động bán vé giá rất thấp hoặc mở cửa miễn phí nhưng chỉ dừng ở đó, không có hoạt động kinh doanh vật phẩm lưu niệm, không có trang web chính thức, không tổ chức giao lưu với cầu thủ. Mối quan hệ tưởng là khắng khít ấy lại lỏng lẻo đến mức không có gì cả.

Thế nên cũng khó trách tại sao CĐV chân chính ngày càng ít đến sân dù vẫn quan tâm đến đội bóng trong khi người vào sân lại có rất ít tình yêu với CLB của mình. Bị đối xử như thế nào thì họ cũng có thái độ tương tự. Đã thế, chỉ khi nào chiến thắng hoặc đoạt chức vô địch thì các CLB mới chịu mở hầu bao, ngồi nói chuyện với các CĐV hòng khuếch trương thương hiệu hơn là chăm sóc tận tình.

Theo Thúy Oanh
Sài Gòn Giải Phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG