13h ngày 21/7, UBND xã Nam Phương Tiến nằm ven sông Bùi phát loa kêu gọi người dân chủ động di tản đồ đạc, gia súc gia cầm ra khỏi vùng trũng thấp.
Xã Nam Phương Tiến có nhiều trang trại nuôi gia súc, gia cầm nên việc di tản mất nhiều thời gian.
“Nhà tôi ở vùng trũng nên phải di chuyển gạo lên chỗ cao. Từ chiều đến giờ tôi đã chuyển được hơn một tấn gạo”, anh Nguyễn Duy Đông nói.
Năm 2017, một trận lụt đã khiến các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ… ngập sâu nhiều ngày. Rút kinh nghiệm, năm nay người phụ nữ này di chuyển tất cả đồ đạc, từ quần áo đến đàn gà, tới chỗ cao ráo.
“Chúng tôi chủ động di chuyển đồ đạc ra khỏi nhà từ trước, chứ để như năm ngoái thì không chạy kịp”, một người dân cho biết.
Thóc cùng đồ đạc được ưu tiên kê ở trên giường. Những ngày sau nếu ngập, chủ nhà cho hay sẽ đến nhà người thân ngủ nhờ.
Hàng trăm hộ dân được chính quyền địa phương hướng dẫn sơ tán trong buổi chiều 21/7. Dự báo với việc mưa lớn, hồ Hòa Bình mở 4 cửa xả, nước các sông vùng hạ du, trong đó có sông Bùi dâng cao. Các xã ven sông có nguy cơ ngập lụt.
Nhà anh Nguyễn Văn Nệ (thôn Nhân Lý, Nam Phương Tiến) có 30 lợn giống và 140 lợn con được di chuyển gấp lên vị trí cao hơn. Năm trước, khu vực này nước lũ đã ngập hơn một mét.
Gần 12h đêm, các con đường trong xã Nam Phương Tiến vẫn náo động bởi các gia đình di tản.
Trường Sỹ quan đặc công 305 huy động 150 chiến sĩ đến giúp người dân.
“Đến 24h, quá trình di tản đã cơ bản hoàn thành. Đê sông Bùi 2 đoạn chạy qua xã tôi dài hơn 2 km thì đã bị ngập 2/3”, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch xã Nam Phương Tiến cho biết. Trước đó từ ngày 13/7 đến nay, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung Bộ kết hợp với áp thấp nhiệt đới, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa lớn. Nhiều khu vực ở Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội đã bị ngập. Lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra ở Yên Bái. Toàn khu vực có 20 người chết, 16 người mất tích.