Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải:

Người dân đã kêu cứu từ 10 năm trước

Người dân đã kêu cứu từ 10 năm trước
TP - Hơn 10 năm qua, hàng nghìn hộ dân sống gần Cty Vedan và dọc sông Thị Vải đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng cũng như gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng ở đây...
Người dân đã kêu cứu từ 10 năm trước ảnh 1
Anh Thanh trắng tay sau khi 3 vạn tôm mới thả đã chết không còn một con do nguồn nước ô nhiễm tràn vào. Ảnh : PV

Ngày 19/9, hàng trăm hộ dân ở xã Phước Thạnh, huyện Long Thành- nơi hứng chịu sự ô nhiễm từ dòng sông Thị Vải do Cty Vedan “đầu độc” đã đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng về tình hình ô nhiễm nơi này từ nhiều năm qua.

Đây không phải là những lá đơn đầu tiên tố cáo về Cty Cổ phần Vedan được gửi đến các cơ quan chức năng, mà hơn 10 năm qua, hàng nghìn hộ dân sống gần Cty Vedan và dọc sông Thị Vải đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng cũng như gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng ở đây...

“Xóa sổ” làng chài

Hơn 20 năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông Thị Vải ở ấp 1A xã Phước Thái, huyện Long Thành, nhưng bây giờ đánh con cá, bắt con tôm trên sông này đối với bà Nguyễn Thị Thành, 57 tuổi, và hàng nghìn hộ dân ở đây chỉ còn trong ký ức.

“Sông ô nhiễm quá trầm trọng. Cá tôm cũng không sống nổi”- bà Thành than thở. Bức xúc, một lần nữa bà Thành đại diện cho hàng trăm hộ dân ở ấp này viết đơn tố cáo Cty Cổ phần Vedan  vì gây ô nhiêm môi trường tại đây.

Bà cho rằng: Hơn 15 năm trước, dân ở đây sống bằng nghề chài lưới. Con cá con tôm đã giúp cho họ có cuộc sống ấm no. Thế nhưng, từ năm 1992- khi nhà máy Vedan đóng chân và đi vào hoạt động, thì mọi chuyện đã thay đổi. Ông Nguyễn Văn Ngà, 45 tuổi cũng ngụ tại ấp 1A xã Phước Thái cũng gửi đơn cho Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai... kêu cứu. 

Trong đơn tố cáo của mình gửi ngày 19/9, ông Ngà cho rằng: 20 năm trước ông từ huyện Long Thành về sinh sống tại đây bằng nghề chài lưới. Trước khi Cty Vedan chưa xây dựng nhà máy ở đây, người dân sống rất an toàn, sống tốt bằng nghề đánh bắt. Nhưng nay thì mọi chuyện đã đi vào dĩ vãng. Làng chài đã bị xóa sổ rồi.

Cùng cảnh ngộ là ông Đặng Văn Si, 72 tuổi, ở tổ 4 ấp 1A, xã Phước Thái. Người ta nói ông là nhân chứng sống ở “làng chài lưới” Phước Thái vì từ lúc mới 13 tuổi cho đến nay, ông Si đã chứng kiến sự thay đổi cuộc sống rất nhiều ở đây. “Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn từ khi nhà máy Vedan và các nhà máy khác mọc lên tại đây.

Trước chúng tôi dựa vào sông Thị Vải để sống nhưng nay thì chúng tôi đang “thoi thóp” bên sông Thị Vải. Lý do đơn giản là nguồn tôm cá trên sông không còn, dân chài lưới như chúng tôi cũng phải chuyển hướng làm ăn, mưu sinh đủ nghề để kiếm sống. Ấp 1C có gần 1.300 hộ sinh sống, 90% trong số đó sống bằng nghề chài lưới từ đời này sang đời nọ, thế mà 15 năm nay họ buộc phải từ bỏ cái nghề vốn cha truyền con nối của mình.

Người dân đã kêu cứu từ 10 năm trước ảnh 2
Nơi được xem là họng xả nước thải ngầm của Công ty Vedan luồn ra sông Thị Vải

Dân khắc khoải với sông “chết”!

Người dân ở các ấp của xã Phước Thái, Phước Bình, Phước An thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) và cả những hộ dân ở xã Mỹ Xuân A, B huyện Tân Thành (Bà Rịa- Vũng Tàu), khi gặp chúng tôi đều lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi sống chung với ô nhiễm lâu rồi nên thành quen”.

Ông Lê Văn Lũng, 46 tuổi ở ấp 1 xã Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, kéo chiếc quần để lộ chân bị ghẻ lở loét, rồi và cho biết: “Đó là hậu quả của nước sông Thị Vải ô nhiễm đấy!”.  Ông còn cho biết: “Khu ven sông ở ấp chúng tôi, ai dính chân xuống nước mà không bị ghẻ lở mới là chuyện lạ!”.

Theo ông Lũng, cả nhà ông hầu như ai cũng bị viêm phế quản và nhức đầu. “Nhiều lần tui dẫn vợ con ra Trạm Y tế xã thăm khám, họ cho biết do hít phải khí độc nên mới nhức đầu”. Ông Trần Anh Dũng- Trưởng ấp 1C xã Phước Thái- bức xúc: “Ấp của tui ở cách Vedan gần 2 km nhưng ngày nào cũng khó thở vì mùi từ nhà máy Vedan xả ra.

Không chỉ xả nước độc mà hàng chục ống khói từ nhà máy này phun thẳng lên trời kèm theo mùi khó chịu”. Không chỉ sống chung với ô nhiễm, mấy mươi năm qua dân ở Phước Thái phải dùng nguồn nước giếng khoan.

Theo người dân ở các ấp của xã Phước Thái, dù nước máy đã đưa đường ống qua đây từ nhiều năm nhưng không hiểu sao, dân vẫn chưa được sử dụng. Vì vậy, nhiều năm qua họ phải uống nước giếng khoan cạnh con sông “chết” Thị Vải.

Dân sống chung với bệnh tật, ô nhiễm đã đành, nhiều hộ dân bám trụ với nghề nuôi tôm ở các ấp 1A, 1B và 1C của xã Phước Thái cũng điêu đứng vì tôm chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm. Anh Trần Văn Thanh, 36 tuổi ở ấp 1B buồn bã khi nhìn xuống hồ tôm hơn 3 vạn con thẻ chân trắng đã nuôi được 2 tháng nay không còn một con sống sót.

Theo anh Thanh, nguyên nhân là khi đưa nước từ sông Thị Vải vào để xúc rửa hồ tôm thì gặp nước ô nhiễm nên tôm chết hàng loạt. Theo anh Thanh, ngoài thiệt hại về giống hơn 10 triệu đồng, cả gia đình anh còn khốn đốn hơn vì số tiền mua thức ăn, máy móc đầu tư... đã ngốn của anh 40 triệu đồng.

“Tôm chết vợ chồng tui cũng “chết” theo vì số tiền đó chúng tôi vay mượn ở ngân hàng và mọi người”. Hộ ông Úc, ông Mong Văn Tài ở ấp 1B cũng trong tình trạng tương tự. 2 hồ tôm với diện tích khoảng 1ha của họ cũng tiêu tan chỉ sau những ngày bị nước sông Thị Vải xâm nhập thiệt hàng chục triệu đồng.

Người dân đã kêu cứu từ 10 năm trước ảnh 3
Không chỉ ô nhiễm ở dòng sông, nhiều cột khói ngột ngạt được xả lên trời từ Công ty Vedan. Ảnh " PV

Những lời hứa không thành!

Nhiều người dân bức xúc cho biết, họ ca thán tình trạng ô nhiễm từ cách đây đã 10 năm rồi nhưng mọi chuyện vẫn không có chuyển biến. Nhiều đoàn chức năng đến tìm hiểu, ghi nhận ở các ấp sống cập theo sông Thị Vải nhưng đâu lại vào đấy.

Ông Trần Anh Dũng cho biết: “Tôi làm ở trưởng ấp gần 5 năm nay, tiếp xúc với nhiều đoàn đại biểu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân huyện, tỉnh phản ánh những bức xúc tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải cũng như việc gây ô nhiễm của Vedan nhưng những phản ánh của chúng tôi vẫn không được giải quyết”.

Ông Hoàng Nam- một cán bộ đã về hưu ở ấp 1A bức xúc: Vào khoảng năm 1997-1998, một số vùng gần sông Thị Vải nhiều cây trồng như điều chết vì ô nhiễm từ khói bụi từ nhà máy, cộng với mạch nước nhưng nhiều lần xã kiến nghị, thậm chí UBND xã tổng hợp ý kiến chuyển lên cấp trên nhưng chẳng thấy hồi âm.

Ông Nguyễn Văn Ấm- Chủ tịch UBND xã Phước Thái cũng khẳng định: không phải đến khi vụ Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải bị vỡ lở mà trước đó, hàng chục đoàn đại biểu đến tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm ở đây, người dân phản ánh nhưng cũng không có kết quả, trừ một lần vào năm 1995, Cty Vedan đã bồi thường cho người dân nơi đây.

Sau đó, mọi chuyện đâu lại vào đấy, chúng tôi tập hợp ý kiến cử tri gửi lên hàng chục lần nhưng cũng không có chuyển biến. Nhiều đoàn về quan trắc không khí nguồn nước, lấy mẫu nước rồi cũng không ai thông báo cho dân có hay không tình trạng ô nhiễm.

Đoàn nào về cũng hứa sẽ xem xem và giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải làm cá chết người dân không biết sống như thế nào, nhưng hứa vẫn là hứa.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.