Người bệnh sử dụng thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Luật sư cho rằng, người dân sử dụng thuốc giả Heath 2000 Canada có quyền khởi kiện ra cơ quan pháp luật đòi quyền lợi. Các doanh nghiệp nhập khẩu, bán thuốc như VN Pharma chịu trách nhiệm chính bồi thường thiệt hại, Cục Quản lý Dược chịu liên đới.

Thuốc giả gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe cho người bệnh

Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND tối cao, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, khi còn làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược, được ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện, dẫn đến 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, có giá trị hơn 148 tỷ đồng.

Các loại thuốc giả nhãn mác Heath 2000 do ông Cường tham gia xét duyệt, cấp đăng ký, gồm: Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-100; MGP Axinex-1000; MGP Mosinase-625; H2K Ciprofloxancin và H2K Levofloxacin. Đây đều là thuốc kháng sinh, chống nhiễm khuẩn nặng hoặc thuốc kháng sinh dung dịch truyền tĩnh mạch chỉ định điều trị nhiễm trùng ở người lớn với các bệnh viêm xoang cấp, viêm phế quản mãn, viêm phổi...

Cơ quan truy tố cáo buộc, từ sai phạm của ông Cường và nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện cho Nguyễn Lê Xuân Khang (định cư tại Canada) trực tiếp thỏa thuận bán 1.567.704 hộp thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, tổng giá trị hơn 94,6 tỷ đồng thông qua 36 hợp đồng với 5 doanh nghiệp, gồm: Công ty Codupha; Công ty Vimedimex; Công ty Dược phẩm Trung ương I; Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Nam và Công ty VN Pharma.

Ngoài ra, bị can Võ Mạnh Cường (cháu họ Khang) trực tiếp bán cho Công ty VN Pharma 838.100 hộp, trị giá hơn 54 tỷ đồng. Phía VN Pharma sau đó tiêu thụ được 623.819 hộp, thu lời bất chính hơn 31,5 tỷ, một phần của số thuốc này được bán cho các Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri (Bến Tre), Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, để điều trị cho người bệnh.

Theo Viện kiểm sát, ông Trương Quốc Cường không làm hết trách nhiệm trong việc cấp số đăng ký thuốc tạo ra kẽ hở cho các bị can khác trong vụ án nhập khẩu, thông quan số lượng lớn thuốc giả Heath 2000 Canada vào Việt Nam để tiêu thụ, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.

Người bệnh sử dụng thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty VN Pharma, cùng đồng phạm.

Người sử dụng thuốc có thể kiện ai?

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận xét, vụ án có sự móc nối, cấu kết chặt chẽ giữa các bị can và sai phạm chính thuộc về Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, khi biết thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vẫn xét duyệt, cấp số đăng ký cho phép nhập khẩu vào thị trường trong nước tiêu thụ.

Luật sư Hùng cho biết, trường hợp người dân sử dụng thuốc giả này có thể khởi kiện đòi quyền lợi, Công ty Pharma và các doanh nghiệp nhập thuốc sẽ chịu trách nhiệm chính bồi thường thiệt hại.

“Ngoài ra, tòa án có thể xem xét hành vi của các bên liên quan như Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh dược, bệnh viện đã bán thuốc giả cho người dân có sai phạm đến đâu, phải liên đới trách nhiệm cùng bồi thường thiệt hại”, luật sư Hùng phân tích.

Đối với người dân, luật sư cho rằng khi khởi kiện ra cơ quan pháp luật cần chứng minh được việc sử dụng thuốc đã gây hậu quả như “bệnh tình nặng thêm, ảnh hưởng sức khỏe như thế nào hoặc gây chết người”. Trường hợp chưa có hậu quả, người dân có thể kiện, yêu cầu bồi hoàn lại số tiền đã chi mua thuốc.

Còn luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla) cho hay, theo các quy định tại Luật phòng chống hàng giả, hàng nhái, những người sử dụng thuốc giả Heath 2000 Canada do VN Pharma phân phối sẽ được coi là "nạn nhân" nhưng để chứng minh thiệt hại về sức khỏe của họ sau khi sử dụng thuốc rất khó.

"Vụ việc không giống như hành vi cố ý gây thương tích để lại vết thương trên cơ thể...Người bệnh từng sử dụng những loại thuốc này chỉ có thể khởi kiện để cơ quan pháp luật xem xét hoặc khiếu nại đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối thuốc bồi thường lại sản phẩm hoặc tiền", luật sư nêu.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.