Hiểm nguy vẫn không bỏ cuộc
Ha K’Riêng (người K’Ho) sinh năm 1957 tại xã Đạ Tông, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Năm 1982, ông được nhận vào làm việc tại Tổ vận chuyển thư báo thuộc bưu điện huyện, đảm trách ba tuyến đường thư từ trung tâm huyện đi Đạ Chais, Păng Tiêng và Đầm Ròn. Trong đó, tuyến Lạc Dương - Đầm Ròn là gian khổ và nguy hiểm nhất. Nếu đi theo đường lớn, phải vượt chặng đường dài 200 km nên Ha K’Riêng chọn con đường tắt xuyên rừng nhằm rút ngắn tuyến đường thư xuống còn 70 km.
Để chinh phục chặng đường này, Ha K’Riêng phải đi bộ 24 tiếng đồng hồ và trung bình mỗi tuần ông phải đi 2 chuyến như vậy. Trên đường đến Đầm Ròn, ông phải leo lên hai dốc núi dựng đứng, cao tới độ người đi sau chỉ nhìn thấy chân của người đi trước, nhiều đoạn phải bám vào cành và rễ cây mà leo; đồng thời vượt qua nhiều con suối nước chảy xiết. Tuy nhiên điều đó chưa thấm vào đâu so với nỗi lo bị quật ngã bởi những cơn sốt rét rừng, bị thú dữ tấn công, Fulrô phục kích.
Ha K’Riêng (thứ 2 từ trái qua) lúc bị bệnh |
Có lần, ông cùng người bạn là Hà Sú đi đưa thư. Đang dò dẫm luồn rừng dưới làn mưa và sương mù dày đặc, bỗng một con gấu lao tới vồ lấy Ha Sú. Thấy bạn dùng hai tay giữ chặt miệng con gấu đang lồng lộn, Ha K’Riêng đưa tay ra sau lưng định lấy cây xà gạt cất trong gùi nhưng đã bị rơi mất từ bao giờ. Ông vừa la hét, vừa lấy cục đá và cành cây xua đuổi khiến con gấu bỏ đi. Sau đó tìm lá cây rừng nhai rồi đắp lên các vết thương của bạn do con gấu cào xước để cầm máu rồi dìu bạn đến trạm xá.
Năm 1978, Y Djao Nie, thủ tướng tự phong của “Chính phủ Fulro Đề-ga” bị đám thuộc hạ giết chết, Y Ghok Nie Krieng lên thay, đặt trung tâm đầu não của lực lượng phản động Fulro tại khu vực Đầm Ròn. Từ rừng sâu, chúng tỏa ra phục kích, tấn công bộ đội, khủng bố cán bộ khiến những chuyến công tác của Tổ thư báo càng trở nên nguy hiểm.
Tháng 8/1980, hai người trong Tổ thư báo ở Lạc Dương là Liêng Jang Hà Hương và Ndu Hà Rang đã hy sinh khi đang chuyển thư từ, công văn vào Đầm Ròn. Hôm đó, trên đường đi công tác, gặp xe của Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương đi chống dịch, họ đã xin đi nhờ. Xe chở 12 người chạy đến khu vực Cổng Trời thì bị lực lượng Fulro phục kích, bắn giết khiến 11 người hy sinh tại chỗ, chỉ có ông Lê Văn Đường (kỹ thuật viên Trạm sốt rét) sống sót. Trước tình hình đó, để tránh sự chú ý của Fulro, mỗi khi đi công tác, Ha K’Riêng phải đóng khố để cải trang thành người đi rẫy. Công văn, thư từ được giấu dưới đáy gùi, còn phía trên để thực phẩm và các vật dụng thông thường.
Đi bộ 5 vòng chu vi trái đất
Còn nhớ năm 1995, khi gặp nhau ở Đầm Ròn, Ha K’Riêng chỉ cho tôi xem chiếc xe máy còn mới cứng rồi hào hứng nói: Bưu điện tỉnh hỗ trợ mình mua chiếc xe này để đi giao thư tín, bưu phẩm. Từ nay sẽ đỡ vất vả hơn trước nhiều, thời gian chuyển thư tín, bưu phẩm được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, do giao thông trắc trở, phải vượt qua nhiều núi cao, vực sâu nên vào mùa mưa, phải quấn xích vào lốp mới có thể vượt qua những quãng đường sình lầy, trơn trượt.
Những đợt mưa dầm dề, đường đất nhão nhoét, sụt lún, Ha K’Riêng đành phải để xe ở nhà, tiếp tục lội bộ. Chúng tôi nhẩm tính, quãng đường mà anh đi bộ trèo đèo lội suối suốt 13 năm liền (1982 - 1995) cộng lại phải dài bằng 5 lần đi vòng quanh trái đất. Thấy tôi chăm chú nhìn vào đôi chân to bè, thô ráp, Ha K’Riêng giãi bày: “Đơn vị có trang bị giầy ba ta cho bưu tá nhưng khổ nỗi, chỉ sau vài chuyến đi là đế bị thủng. Chúng tôi nghĩ ra cách tự chế loại dép có đế bằng vỏ xe hơi và quai là sợi mây rừng, dùng cũng tàm tạm. Nhưng cuối cùng thấy đi chân trần vẫn ổn nhất, vì có thể bấm vào đá rêu trơn trượt, dẫu đôi khi bàn chân bật máu vì chà xát lên đá giăm, cỏ gai…”
Do đặc thù nghề nghiệp, Ha K’Riêng nghỉ hưu khi tròn 50 tuổi. Rủi thay, chỉ vài năm sau, ông mắc bệnh u não. Ông phải trải qua ca mổ dài 8 tiếng đồng hồ, hôn mê suốt 8 ngày và hơn một tháng sau mới được xuất viện. Dẫu sinh mệnh giành lại được từ tay tử thần nhưng sức khỏe ngày càng suy sụp. Mắt ông mờ dần rồi gần như mù hẳn, đôi chân không còn đứng vững, đôi tay lập cập, lẩy bẩy, toàn thân phù nề…
Cách đây vài ngày, nhận tin báo ông mất, và đã được đưa về cõi Yàng (trời), những ai quen biết người hùng chân đất này đều ngậm ngùi thương xót.