Người anh cả của văn hóa Việt Nam đương đại

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người anh cả của nền văn hóa đương đại Việt Nam”. Đó là nhận định của PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tổng Bí thư về cõi người hiền, nhưng di sản để lại tiếp thêm động lực cho văn nghệ sĩ trong hành trình giữ gìn, sáng tạo và bồi đắp nền văn hóa Việt Nam.

Trái tim luôn yêu đời, yêu người

Trong giờ phút tiễn biệt, PGS.TS Đỗ Hồng Quân nhớ về nhà lãnh đạo am hiểu tinh tế, sâu sắc về văn hóa của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm hiểu biết sâu rộng, tường tận nhiều loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật và đặc điểm của từng lĩnh vực từ văn chương, thơ ca, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn...

Người anh cả của văn hóa Việt Nam đương đại ảnh 1

Tổng Bí thư nhắc nhở nhiệm vụ sáng tạo các tác phẩm xứng tầm, có giá trị cao về tư tưởng và về nghệ thuật

Vì lẽ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có những chỉ đạo sát sao, cụ thể đối với văn hóa, văn học nghệ thuật. Ông nhiều lần chỉ đạo những hội nghị quan trọng của ngành văn hóa. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, Tổng Bí thư đặt ra vấn đề về lý luận gắn chặt với thực tiễn đối với văn hóa, văn học nghệ thuật và nhấn mạnh văn hóa, văn học nghệ thuật phải tiếp nối truyền thống của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Người anh cả của văn hóa Việt Nam đương đại ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (phải) và NSND Chu Thúy Quỳnh tại trụ sở Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam

“Ghi nhận những thành quả của nền văn học nghệ thuật từ trước đến nay, Tổng Bí thư nhắc nhở nhiệm vụ hàng đầu là sáng tạo các tác phẩm xứng tầm, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, lay động lòng người và sống lâu trong lòng nhân dân. Yêu cầu đó nằm trong nhiệm vụ xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và trách nhiệm sáng tạo tác phẩm nằm trên vai đội ngũ văn nghệ sĩ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh. Văn nghệ sĩ phải hòa nhịp đập tim mình với trái tim dân tộc, phải lăn lộn với cuộc sống và có tầm nhìn xa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của văn hóa là nhân dân, nhắc nhở những người làm công tác quản lý văn hóa phải tiến bộ hơn nữa. Những quan điểm chỉ đạo, lời căn dặn của Tổng Bí thư chỉ rõ: Phát triển văn hóa phải hướng tới con người, xây dựng chuẩn mực con người.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu quan điểm, tầm vóc của Tổng Bí thư được kết tinh từ phẩm cách của nhà lãnh đạo chính trị và tính nhân văn chan chứa. “Trái tim người cộng sản luôn phải rèn thành gang, thành thép để vững vàng, kiên trung nhưng vẫn dành chỗ xứng đáng cho tình yêu đời, yêu người, yêu thơ, yêu văn học nghệ thuật”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nêu.

Người đi xa, tình cảm còn mãi

NSND Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển Phú Yên nhớ mãi lời dặn của Tổng Bí thư về gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống. Trong ký ức của ông, Tổng Bí thư nho nhã, nhẹ nhàng trong lời nói nhưng quyết liệt trong công việc. “Tổng Bí thư là người trong sáng, hết lòng vì nước vì dân, luôn gần gũi với mọi người”, NSND Cao Hữu Nhạc cho hay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ kỷ niệm nhớ nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là một trong những cuộc nói chuyện của PGS.TS Bùi Hoài Sơn với Tổng Bí thư trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. “Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa để những giá trị văn hóa của Việt Nam được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Tổng Bí thư cũng trăn trở để có tác phẩm văn học xứng tầm. Đó là những trăn trở rất đáng suy nghĩ đối với người làm công tác văn hóa, nghệ thuật”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Tối 19/1/2011, Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển Phú Yên có dịp ra Hà Nội biểu diễn trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần XI thành công. “Đêm biểu diễn kết thúc, bác Trọng lên sân khấu gặp nghệ sĩ của các nhà hát và chụp hình chung. Khi chuẩn bị đi xuống, bỗng bác dừng lại, nhìn về phía diễn viên của Nhà hát Sao Biển và hỏi Bộ trưởng Bộ VHTTDL khi ấy là ông Hoàng Tuấn Anh: Đây là đơn vị nghệ thuật nào? Bác hướng sang các diễn viên và khen trang phục dân tộc rất đẹp, hát hay, múa giỏi, rồi Tổng Bí thư chụp hình riêng với các diễn viên Nhà hát Sao Biển”, NSND Cao Hữu Nhạc tự hào kể.

Người anh cả của văn hóa Việt Nam đương đại ảnh 3

PGS.TS Đỗ Hồng Quân nhận định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người anh cả của nền văn hóa Việt Nam đương đại, người truyền cảm hứng cho văn nghệ sĩ

Năm 2016, Nhà hát vinh dự lần nữa được phục vụ đoàn công tác của Tổng Bí thư vào thăm tỉnh Phú Yên. “Chúng tôi tặng Tổng Bí thư bức ảnh phóng to bác chụp cùng nghệ sĩ nhà hát, bác rất xúc động. Khi nghe giới thiệu về đàn đá Tuy An, bác đánh thử rồi bất ngờ gọi tôi lên sân khấu. Tổng Bí thư khen đơn vị nghệ thuật Sao Biển biết gìn giữ và phát huy thế mạnh của nghệ thuật truyền thống, nhắc tôi chăm lo đời sống các nghệ sĩ”, NSND Cao Hữu Nhạc chia sẻ.

Nhiều lần Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ quan tâm đến thế hệ trẻ nói chung và văn nghệ sĩ trẻ nói riêng. Tổng Bí thư căn dặn cán bộ quản lý văn hóa: “Làm văn hóa khó vì không phải ai cũng hiểu đúng. Nhiều cái màu mè, hình thức mà cứ tưởng đấy mới là cái mình cần phấn đấu là nguy hiểm lắm. Đừng làm theo kiểu phong trào. Phong trào cũng cần nhưng thực chất mới quan trọng. Thực chất là con người, là bình an và hạnh phúc”.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú xúc động: “Tiếc thương một nhà lãnh đạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong niềm xúc động nghẹn ngào, tôi đã thấy rất nhiều người dân, nhiều người làm công tác văn hóa, nhiều văn nghệ sĩ bật khóc”.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân tự nhủ luôn khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, xem đó như là kim chỉ nam trong hoạt động sáng tạo. Văn nghệ sĩ không lấy văn nghệ là thú vui, không sa đà cá nhân vụn vặt mà quên đi trách nhiệm cao cả hướng tới giá trị chân thiện mỹ. “Chúng tôi thấy ở bác Trọng sự tinh tế trong ứng xử, đó chính là biểu hiện của văn hóa cao nhất”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân nói.

Chính sự giản dị, sự hòa đồng, chân tình đối với văn nghệ sĩ trong các cuộc gặp gỡ đã xóa nhòa khoảng cách giữa lãnh đạo và nghệ sĩ. “Chúng tôi thấy mình đang ở giữa đại gia đình của những nhà văn hóa, trí thức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là người anh cả của nền văn hóa Việt Nam đương đại. Từ nay, chúng tôi vắng đi một người anh cả gần gũi, thân tình”, PGS.TS. Đỗ Hồng Quân nói.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát luôn nâng niu tấm ảnh được chụp chung với Tổng Bí thư. Dẫu bận trăm công nghìn việc, người lãnh đạo cao nhất của Đảng vẫn dành thời gian quan tâm tới các văn nghệ sĩ với tình cảm chân tình nhất.

MỚI - NÓNG
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.