Ngược Sài Khao, Kỳ 1: Gập ghềnh Tây Tiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai việc thiện cùng vào cữ tất niên, ông Tổng Biên tập (TBT) Lê Xuân Sơn bảo đi có việc… Ấy là chuyến thăm và tặng quà nhà văn Sơn Tùng thời điểm nhà văn đương ốm nặng. Năm nay thì được nhập vào đoàn công tác từ thiện lên Sài Khao miền tây Thanh Hóa.

Trên xe có chị Bùi Phương Thảo, con gái út nhà thơ Quang Dũng.

Chuyện nối chuyện, những không đầu không cuối về thi sĩ Quang Dũng.

Một Quang Dũng chả có tí nào hanh thông suôn sẻ. Ký ức một cô bé gần gũi bên bố từ lúc 7 tuổi cho đến tuổi 26 khi bố Quang Dũng mất.

Cái thời bao cấp túng đói chắp nối kiểu gì cũng chả thể khít hai đầu tháng cuối tháng. Mong được bữa no theo nghĩa đen. Tôi đã nghe chính nhà thơ Trần Lê Văn mắt ầng ậng nước khi nhắc đến ông bạn già của mình như thế!

Một nhà thơ Quang Dũng ngơ ngác bên đống lá khô và mấy khúc củi khẳng khiu ông gom được ở góc công viên Thống Nhất. Để làm gì? Là để góp phần khắc phục hậu họa của lần nhà thơ xếp hàng mua dầu bị kẻ gian móc mất tem phiếu trong đó có phiếu mua dầu hỏa (chất đốt) tiêu chuẩn cả nhà.

Một thi sĩ Quang Dũng thành thực, ân cần chìa ra cái ghế gỗ bảo vợ cứ chẻ ra mà đun còn mình ngồi trên giường viết là được rồi!

Một tác giả Tây Tiến ánh mắt loang màu hốt hoảng khi ông bạn thân thi sĩ Trần Lê Văn hào hứng cho hay cái tin Đôi mắt người Sơn Tây được nhạc sĩ Đình Chương phổ nhạc ở nước ngoài. Thời điểm ấy đã là sau 1975 nhiều năm. Làn da mặt thi nhân chừng như đương tái lại cơn sợ hữu hình lẫn vô hình. Không có chỉ thị giấy má nào cụ thể, nhưng có bao nhiêu tai họa rập rình ẩn chứa trong những xầm xì, đe nẹt, bóng gió mát mẻ của cái thời chưa xa người chưa cũ ấy. Hãy dè chừng! Hãy trông chừng! Đã và đang hiện hữu một Tây Tiến ủy mỵ tiểu tư sản yếu đuối làm phiền lụy nản lòng quân sĩ!

Đợt này Quỹ Thiện Tâm cùng Tiền Phong dành hơn 1.000 suất quà cho vùng cao Mường Lát trong đó dành tặng 300 suất quà, mỗi suất 600 ngàn đồng cho xã Mường Lý. Riêng bản Sài Khao có 97 hộ nghèo và điểm trường PTCS Tây Tiến cũng được Thiện Tâm tặng quà.

Vâng, có một Tây Tiến mà đại đội trưởng Quang Dũng viết và đọc ngay ở cái làng Phù Lưu Chanh năm 1948. Chỉ hứng đọc cho đồng đội nghe thôi, nhưng ngay lập tức rất nhiều người đã chép lại đã thuộc ngay.

Tây Tiến được phổ biến, được xuất bản với những cấp số nhân theo chân những người lính Vệ quốc Đoàn đi khắp các mặt trận. Rồi Tây Tiến chững lại sựng lại rồi thưa thớt… Rồi chỉ được thầm thì. Cái thời ấy, cái thời ấy nó phải thế.

Ngược Sài Khao, Kỳ 1: Gập ghềnh Tây Tiến ảnh 1

Nhà thơ Quang Dũng

Mà sau này hình như chiêu tuyết cho Tây Tiến để Tây Tiến được oang oang hào sảng và được luyến láy hết các cung bậc cùng ngữ nghĩa trong các diễn đàn tuyệt nhiên không có một chỉ thị chủ trương nào. Cứ như một nhẽ tự nhiên rằng cái sự hằng sống cùng cuộc mưu sinh bớt căng cứng thì người ta phải chùng lại phải thả lỏng ra vậy thôi. Thế là phát lộ ngay bao nhiêu những sự giật mình hồi cố và cả ân hận… Người ta mới giật thột về những cống hiến cả những mất mát, thua thiệt của đoàn binh sốt rét trọc đầu Tây Tiến. Người ta mới bừng, mới ngộ ra cái quyết định sáng suốt cùng tầm vóc chiến lược mà Cụ Hồ cùng Võ Đại tướng tháng 2 năm 1947 đã âm thầm quyết liệt cho ra đời một đạo binh làm lá chắn thép chuyên việc quân sự cùng tuyên truyền chính trị giăng suốt từ Châu Mộc, Hòa Bình, Sơn La Tây Bắc đến Mường Lát Sài Khao miền Tây Thanh Hóa xuyên sang Sầm Nưa của Thượng Lào. Và đi liền đó là tầm vóc, giá trị thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Khởi điểm đổi mới ấy có thể là thời điểm Ban liên lạc binh đoàn Tây Tiến được thành lập!

Binh đoàn oai hùng Tây Tiến nay còn lại chỉ hơn 30 người. Tất thảy đều già lão. Cái tuổi vàng ấy đâu như chỉ còn duy nhất một cụ bà nguyên là cô y tá của đội quân ngày ấy. Bên tôi đây là vị Trưởng Ban liên lạc của Binh đoàn Tây Tiến, là Bùi Phương Thảo, cô con gái út của nhà thơ Quang Dũng!

Hơi bất ngờ… Một cô giáo sinh năm 1962. Dẫu đã từng là hiệu phó một trường PTCS của quận Hoàn Kiếm nhưng đã qua ngày nào binh đao trận mạc? Phương Thảo như là đại diện cho một thế hệ rất xa với Tây Tiến. Nhưng chỉ qua vài lần gặp gỡ khâu tổ chức của cựu binh Tây Tiến đã thông thoáng mau chóng lựa được Trưởng Ban liên lạc.

Như đương hiển hiện cùng toát yếu lên cái tình đồng đội cùng cái uy và hồn cốt làm nên Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng. Tôi chợt nhớ đến những gia phong nền nếp thường có bức hoành nghiêm ngắn ở nhà tổ hoặc vị trí trang trọng mấy chữ QUANG TIỀN DỤ HẬU (đời trước mở mang, đời sau tiếp nối).

Ngược Sài Khao, Kỳ 1: Gập ghềnh Tây Tiến ảnh 2

Chị Phương Thảo với các cháu ở Sài Khao

Khó biên hết ra đây những việc lớn, nhỏ mà Phương Thảo đã phải tất tả suốt nhiều năm qua cùng những đồng đội còn lại của bố mình.

Công sức của Ban liên lạc cùng mối đồng cảm của người dân với truyền thống Binh đoàn Tây Tiến thời gian qua đã được thể hiện qua nhiều dấu ấn. Nhiều trường học mang tên Tây Tiến được nhà nước và các nhà hảo tâm quan tâm chăm sóc, tài trợ. Cụm tượng đài cùng khuôn viên Khu Di tích Lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại cao nguyên Mộc Châu, tượng đài Tây Tiến ở Mường Lát, ở Sài Khao Mường Lý lần lượt được xây dựng… là những địa danh du lịch khá hút khách.

Xe chúng tôi đang xuyên ngược lên miền tây xứ Thanh của xã Mường Lý huyện Mường Lát nơi có địa danh Sài Khao mà đoàn quân Tây Tiến ngày nào đã đóng quân. Ở đây, đoàn đã trao cho 97 hộ dân Sài Khao đều là người Mông những túi quà Tết của Doanh nghiệp Dược Đức Khánh (Thanh Hóa).

Trên xe trong chuyến đi còn có ông Lê Khắc Hiệp, Phó của ông Vượng Chủ tịch VinGroup. Nhiều năm rồi, Quỹ Thiện Tâm của VinGroup đã đồng hành với báo Tiền Phong nhiều đợt mang quà Tết đến với bà con dân tộc nghèo ở các vùng cao, lần này là xã Trung Lý cũng ở huyện Mường Lát.

Chuyện với ông Hiệp được biết thêm Thiện Tâm nhiều năm nay đã chi nhiều ngàn tỷ đồng cho từ thiện và an sinh. VinGroup đã điều chỉnh lại tỷ lệ đóng góp vào quỹ Thiện Tâm từ 90% xuống 10%, còn lại là phần của gia đình ông Vượng và một số lãnh đạo cao cấp của VinGroup. Làm vậy vì không muốn ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông Vingroup khi tăng chi cho từ thiện và muốn chủ động tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động này.

MỚI - NÓNG