Chuyện xòe của thư ký 'vua' Đèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm đã xa ấy, trong một cuộc ngồi lâu lâu, nhà văn Tô Hoài có chia sẻ với mấy anh em chúng tôi cái cảm giác là lạ như hư như ảo. Ấy là thời điểm năm mới hòa bình, Nguyễn Tuân, Tô Hoài cùng nhiều văn nghệ sĩ bất ngờ được thưởng thức một chương trình văn nghệ độc đáo.
Chuyện xòe của thư ký 'vua' Đèo ảnh 1

Đội Xòe Đèo Văn Long. Ảnh Bảo tàng Lai Châu

Nói độc đáo vì bên cạnh các điệu hát ca trù, xẩm, tuồng chèo, quan họ còn có cả một chương trình xòe chính tông nguyên chất dân tộc Thái diễn ra ngay tại Nhà Hát Lớn. Mà chương trình lại do toàn bộ đội xòe của Vua Thái Đèo Văn Long tận Lai Châu đưa xuống phục vụ nhân dân lao động Thủ đô. Cứ như lời giới thiệu của Ban tổ chức thì đây là bằng chứng thành công của công tác cải tạo vận động đưa một loại hình văn nghệ của bọn bóc lột phục vụ đời sống mới!

Lần đi Điện Biên dài ngày với cánh báo chí văn nghệ Tây Bắc, chợt nhớ chợt nhắc và gạn thêm chuyện của nhà văn Tô Hoài. Cũng có hỏi thêm cái đội xòe của Đèo Văn Long liệu có còn ai? Nhưng chả ai biết! May cuối chuyến đi, Lò Văn Chinh - một đồng nghiệp báo Lai Châu bỗng à như chợt nhớ ra điều gì…

Chuyện xòe của thư ký 'vua' Đèo ảnh 2

Dinh thự Đèo Văn Long

Sau cái chợt à ấy. Cái xe máy cà tàng của Lò Văn Chinh như bốc thêm.

Đầu tiên là Dinh thự Đèo Văn Long.

Những mái ngói đã sụt võng. Những bức tường các mảng rêu xoắn vào, lở lói, đổ nát. Khu tàu ngựa dài dặc. Có hẳn một nền lổn nhổn gạch vụn nghe nói trước kia là sân đậu máy bay của vua Đèo... Cảnh cũ người xưa. Những câu chuyện kiểu không đầu chẳng cuối của Chinh gợi về một quá vãng thời thịnh trị của vua Thái họ Đèo. Các quan Tây thi thoảng lại ghé qua xứ Thái tự trị này. Những cuộc ghé ấy là phiện pho đủ cả. Phục dịch thâu đêm ngoài đội xoè của vua Đèo còn có những cô gái măng tơ mà tay chân của vua Đèo nhắm từ các bản lân cận.

Cái bản Thái phía trước Dinh đã trở thành một phường! Phường Lê Lợi. Lại có tên cũ là bản Chự, bản của Đèo Văn Long.

Qua cầu Hang Tôm bắc qua một cái vực Sông Đà hun hút thì trời đã ập tối. Quờ quạng bước thấp bước cao bám theo cái lưng của Chinh, tôi đổ xuống một con dốc hun hút dễ đến bảy mươi độ. Nhưng rồi cũng chẳng thể bám theo mãi vì quá dốc, tôi xệp người xuống để bò cho dễ. Chinh tiếng được tiếng mất đang trao đổi gì đó với người cầm đuốc. Thủ phủ Lai Châu nay đã rời tít về Tam Đường, bây giờ bản Chự này thuộc về tỉnh Điện Biên. Tiếng là phường nhưng bản Chự chưa bao giờ có điện.

Rồi tôi tới được nhà sàn của người thư ký của Đèo Văn Long!

...Gọi là đèn, thực ra đó là một mảnh giẻ dúng vào cái chai bia Vạn Lực. Trong thứ ánh sáng chập chờn đỏ đọc, tôi nhìn ông bình thản chuyên ra những cái cốc nước nâu nâu mà ông nói trên này vẫn uống thay chè, bổ máu lắm... Chất giọng trầm trầm của ông lão đã tám mươi hai đưa tôi về cái thời ông tuổi mới đôi mươi... Ông tên Màu Văn Huyền. Theo xong cái primaire (bằng tiểu học còn gọi là bằng Thành Chung), Huyền được chọn làm thư ký cho Chánh tổng Mường Lay Đèo Văn Nhêu. Đèo Văn Nhêu không phải anh em với Đèo Văn Long nhưng thế lực chánh tổng Mường Lay cũng không nhỏ.

Do những chuyến lẽo đẽo kinh lý thăm thú, ông đã có mặt hầu hết những địa danh Tây Bắc, Sa Pa, Phong Thổ, Cốc Lếu, Than Uyên, Quỳnh Nhai... Có chuyến cắp tráp theo Đèo Văn Nhêu có mặt trong những đêm rượu, đêm xoè của Bố chánh Bạc Cầm Quý ở Sơn La.

Trước năm 1945, Đèo Văn Long mới là tri phủ. Nhưng là thứ tri phủ cộm cán. Pháp đã từng triệu Đèo Văn Long từ Lai Châu về Bắc Sơn Võ Nhai xa tít để Đèo hiến kế cho quan thày đàn áp quân phiến loạn đồng rừng. Trước đó, Đèo Văn Long đã được Pháp đưa về học trường Bảo hộ cùng với hàng loạt thủ lĩnh các vùng dân tộc Việt Bắc - Tây Bắc như họ Vi, họ Đinh, họ Bạc... Sau năm 1945, Đèo Văn Long chạy theo Pháp sang Tàu.

Chuyện xòe của thư ký 'vua' Đèo ảnh 3

Xòe trong đời sống hiện đại

Năm 1946, mới là thời điểm đại phát của viên tri phủ họ Đèo này. Pháp bố trí Đèo Văn Long chức tỉnh trưởng Lai Châu. Chức ấy là to lắm bởi hợp lại của ba tỉnh Lai Châu - Phong Thổ - Mường Lay thành một Khu tự trị. Cũng thời gian ấy ông Huyền được chánh tổng Đèo Văn Nhêu chấp thuận nguyện vọng đi học trường thông ngôn. Kết thúc khoá học, ông đỗ thứ ba. Khoá ấy, học viên của Sơn La đỗ thứ nhất, thứ nhì. Lai Châu thứ ba là ông. Tỉnh trưởng Đèo Văn Long có mặt trong buổi tuyên dương phát thưởng đã quyết định đưa ông về làm thư ký... Đèo Văn Long có quân đội riêng gọi bằng binh đoàn. Trong số các con Đèo, có Đèo Văn Pháo, Đèo Văn Un đóng tới chức quan ba, quan tư.

Trong âm thanh lật phật của ngọn đèn dầu do gió từ phía cửa nhà sàn chốc chốc thốc vào và cái giọng rủ rỉ của chủ nhà, tôi như nghe chính chất giọng này đây đã từng dịch lại cho một viên quan Pháp dưới Hà Nội lên trong một đêm xoè ngay tại Dinh.

Viên quan năm nghển cái cần cổ mập như cổ giống ngựa nòi trong tàu kia đang tía gắt lên bởi sức rượu, chăm chú nghe Đèo Văn Long giảng giải về cái lạ của Xòe.

Cái thứ múa dân gian lâu đời của người Thái xứ tôi dường như nó pha trộn một cách tự nhiên một cách vô thức không hề có sự bắt chước những điệu nhảy cổ điển lẫn hiện đại.

…Thứ tôi vừa nói đó là “Xoè’’. Ông cụ thân sinh ra tôi hồi đóng chức Bang tá đã có hẳn một đội xoè. Bây giờ mời ngài thưởng thức tài năng đội xoè của tôi...

Miệng cứ dịch đều đều nhưng trong ông dấy lên một chút ngạc nhiên bởi từ cái miệng vua Đèo mà ông đã từng nghe bao mệnh lệnh của sự giết chóc tàn phá những mưu mô này khác giờ cũng chính cái miệng ấy lại đang tròn vo những âm thanh nuột nà của một thứ văn hoá?!

Người trong cuộc xòe

Những đêm như thế không nhiều trong quãng thời gian hơn một năm ông làm thư ký cho Vua Đèo... Rồi ông cạy cục với Vua Đèo cho ông vào làm thư ký Nhà dây thép Lai Châu vừa đang khuyết người.

Thời gian làm thư ký Nhà dây thép cũng chả dài. Hồi ấy ông cũng chả phải củ mỉ gì, cũng chơi bời này khác... Thế là xảy ra vụ thụt két ở nhà dây thép mà ông là thủ phạm. Ông có chạy lên chỗ vua Đèo... Nhưng vua ngoảnh mặt làm ngơ. Ông đành phải ra toà rồi vào tù!

Ở tù được một năm thì Đèo nhắn vào nếu mày vào lính thì tao cho ra... Ông chấp thuận.

Không làm thư ký thì làm lính cho Đèo. Cũng may không phải trận mạc bắn giết gì mà được giữ cái chân thư ký đại đội. May nữa là làm lính mới được sáu tháng thì Lai Châu giải phóng.

Ông không chạy về Hà Nội rồi sau đó sang Lào với Đèo mà chấp nhận làm tù binh của Việt Minh. Sau 6 tháng học tập cải tạo, ông được sung vào ngạch giáo viên chuyên công tác bình dân học vụ xoá nạn mù chữ cho đồng bào của mình... Lần về xuôi mới nhất với ông cũng từ năm bảy mươi khi trên tổ chức cho giáo viên tỉnh Lai Châu đi tham quan mô hình tiên tiến về giáo dục như trường Bắc Lý của Hà Nam và Hưng Yên...

Bà vợ ông Huyền, chắc thời con gái phải là một thứ dữ về nhan sắc! Dẫu bà khuôn mặt đã hơi nhăn, tóc đã phơ phơ trắng. Thứ bạc đều, suôn như cước nếu rờ rỡ ban ngày thể nào cũng ánh lên một chút bạch kim. Khuôn mặt và nước da của tuổi bảy lăm ấy như một tiêu bản của một quá vãng liệt oanh?

Bà nói tiếng Kinh kém. May có ông nhà cùng chú Chinh dịch... Cả ông lẫn bà đang nói về cái đêm xoè những năm xa lăng lắc cho độc mỗi viên quan năm thưởng thức.

... Đội xòe của Đèo có 12 người. Năm 13 tuổi, bà đã được chọn vào đội Xoè. Mẹ cô xòe giỏi. Cô chỉ nhìn rồi thuộc... Cứ ở nhà cứ ở bản thôi. Khi nào “vua’’ gọi thì lên chứ không phải tập trung như văn công bây giờ... Một tối xoè khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Mở màn như thế là bài “chào’’ khách hay là ra mắt. Tiếp đến là xoè khăn rồi đến bài “xòe vị’’ tức là xoè quạt. Rồi xoè nón... Nhưng tất cả các bài xoè sẽ không nổi lên được nếu thiếu đi “pí kểu’’ tiếng Thái là nhạc đệm. Nhạc đệm cho một đêm xòe không phải một dàn nhạc mà chỉ nhõn hai nhạc công ôm “tính tẩu’’ một thứ đàn của người Thái nhỏ hơn băng- giô hay mandoline. Đội xoè có hai người rất thạo và chuyên về ngón “tính tẩu’’ là ông Lường Văn Han và ông Lường Văn Hào nhà ở bản Lay Na. Năm nay cũng trên 80 tuổi cả rồi. Người còn người mất.

... Tiếng “tính tẩu’’ lúc nhặt lúc khoan rất “quyện’’ và “bện’’ với những động thái lướt chân huơ tay khăn vẫy nón chao. Hai mươi bốn cặp bàn chân trần quanh năm chả giầy dép gì lên nương ra bãi nhưng khi “vua’’ gọi lên thì cứ nõn trắng ra trên sàn gỗ lim.

Nhịp múa phải cuốn, phải bay cùng với tiết tấu của “tính tẩu’’. Có một dạo nổi cơn hứng lên, Vua Đèo khoét một cái lỗ chỗ góc sàn gỗ lim lót sắt rồi đổ dầu vào đấy. Đốt. Đốt lâu nên nhiệt truyền lan khắp sàn gỗ, chưa tới mức bỏng rẫy nhưng khá nhạy cảm với những bàn chân trần nõn nà như ta đi chân trần trên đường đất bụi gặp trưa nắng gắt vậy. Vua Đèo bảo phải múa trên cái “nền nóng’’ ấy thì mới là người xoè giỏi!

Khách quí “vua Đèo’’ có đêm còn quăng thứ dầu gì đó trơn nhẫy lên mặt sàn để khoe cái tài đội xoè với khách. Tất nhiên xoè trên cái nền trơn giãy như người trượt patanh ấy đội xoè phải tập trước. Mà tập kiên trì dai dẳng lẫn khéo léo. Nhiều cô trượt chân ngã sưng mày giập mặt... Ôi chao, tháng nhiều thì có đến hai mươi đêm xoè.

Cô con gái lúc này đã tỉnh hẳn cơn ngủ đang chăm chắm hết nhìn bố mẹ rồi khách lạ thoắt hoạt hẳn lên khi mẹ bảo mang cho bà cái thắt lưng màu xanh. Sau khi ý tứ lận kỹ chiếc thắt lưng xanh ấy, bất ngờ bà đứng lên dáng điệu lanh lẹ. Bà trích đoạn một khúc ngắn trong một bài xoè cho tôi coi thử...

Tôi có cảm giác trong ánh đèn dầu hỏa lật phật chập chờn kia, bà như thoát xác để thành cô gái Thái đẹp nhất nhì bản Chự này gần sáu mươi năm trước... Ông chồng lúc này như quên hẳn tôi ngồi bên, cứ dõi theo động thái xoè của bà, chốc chốc lại gật gù, lắc lư cái đầu...

Không có tính tẩu không có “báo hủa’’ (nhạc công) chẳng xòe được... Bà cười rồi ngồi xuống. Ông cũng cười khi dịch lại.

... Hai mươi bốn cặp chân lúc khoan thai lúc dìu dặt lúc loang loáng. Chả phải nhìn lên chiếc khăn “piêu’’ và những hàng cúc bạc, anh thư ký Màu Văn Huyền của vua Đèo chỉ thoáng qua loang loáng những cặp chân ấy đã nhận ra cặp chân nào là của Lù Thị Vơn.

Ấy là chân thương chân nhớ. Hai người quê cùng bản Chự này. Huyền để ý Vơn từ khi cô lớn nhổng lên. Nhưng Vơn vô tâm trước ánh mắt nồng nàn của Huyền. Huyền thon thót khi biết Vơn đã sung vào đội xòe của vua Đèo. Thon thót sợ. Thon thót lo. Nhưng biết làm sao! Tuy chưa nói nhiều gì với nhau nhưng rồi Vơn cũng đọc ánh mắt thầm lặng đau đáu của Huyền.

Cái lần Vua Đèo đưa đội xòe đi Điện Biên để đáp máy bay về Hà Nội để diễn cho Toàn quyền Đông Dương coi xòe ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Huyền như ngồi trên than nóng. Một tháng sau, Vơn lại bay trên sàn diễn gỗ lim của Dinh, Huyền mới nguôi chút nỗi lo. Rồi may làm sao, Lai Châu giải phóng, Huyền mới thở phào. Vua Đèo đi. Đội xòe đã ở lại. Vơn đã ở lại với bản Chự này...

... Cái lần đa tiễn Vơn cùng đội xòe, không đi máy bay Dacota chỉ đi bằng xe tải của bộ đội thôi để đi lưu diễn các tỉnh Tây Bắc sau đó là về diễn xòe tại Hà Nội sau ngày Thủ đô giải phóng ấy, những ngày chờ đợi của Huyền ở Lai Châu thật sự là những ngày hồi hộp chộn rộn... Sau này về Lai Châu, Vơn kể lại đội xòe của Vơn đi nhiều lắm. Khi lưu diễn ở Điện Biên, Sơn La rồi Lào Cai, Yên Bái và nhiều tỉnh khác cho bộ đội và nhân dân xem xòe.

Nơi nào đội xòe của Lù Thị Vơn cũng được hoan hô. Vui nhất là đêm xoè ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Vơn ứa nước mắt khi bước lên những bậc thềm Nhà hát Lớn... Những bậc thềm mà sáu năm trước Vơn đã đặt chân lên trong cái đêm xòe cho Toàn quyền Đông Dương và quan khách Pháp coi. Tiếng vỗ tay sau sáu năm rào rào như vui hơn âm thanh lẹt đẹt chiếu lệ trong cái đêm xòe cho Toàn quyền... Vơn biết tiếng vỗ tay ấy có cả các “cụ’’ lãnh đạo ngồi ở dưới động viên khen ngợi...

Bên tôi anh con trai cả cứ ngồi lặng phắc như thế... Hình như lần đầu anh nghe chuyện của bố mẹ mình? Sau chuyến đi diễn xòe ở Nhà hát Lớn dưới chế độ mới, hai người đã làm đám cưới. Sáu người con, bốn trai hai gái lần lượt ra đời mang những cái tên có âm hưởng như ai đó đang reo vậy... Nguyện. Vọng. Bình. Ngái. Thái. Thới.

Có lẽ đến đây phải ngưng câu chuyện với ông bà thôi. Đã hơn mười giờ. Trên này như vậy là đã khuya lắm... Có cảm giác bà không muốn cuộc nói chuyện dừng ở đây. Có chút ngậm ngùi lúc tạm biệt hai cụ, tôi nghe cụ ông dịch từ lời cụ bà rằng cái tối xoè năm hòa bình ở Hà Nội ấy, bà vẫn nhớ in lời của một cụ lãnh đạo sau khi khen ngợi đội xòe, cụ đã nói đây là vốn quí của dân tộc Thái và vốn quí của dân tộc Việt Nam. Đội xoè sẽ dạy sẽ truyền xòe không những cho Lai Châu mà cả Tây Bắc...

Nhưng bao năm đã qua rồi chưa thấy làm gì cả các việc ấy. Và cũng chưa thấy ai mời bà làm cái việc truyền xòe. Bây giờ đội xòe Vua Đèo ấy chỉ còn lại 4 người là bà Lù Thị Chiu lấy chồng tận Mường Bum. Lò Thị Chăn lấy chồng ở bản Mo, xã Lay Na, Mường Lay. Bà Lù Thị Sớm ở Mường Lay. Ai cũng hơn bảy mươi gần tám mươi cả. Riêng bà Lù Thị Vơn đây bảy lăm rồi, yếu rồi nhưng còn yêu xòe lắm, mến nhớ xòe lắm và sẵn sàng làm cái việc truyền xòe.

… Giờ tôi đang thừ người nhớ lại cái đêm ở Bản Chự cùng ông bạn Lò Văn Chinh tặng cho gần 20 năm trước!

Vâng thừ cả người vì cái máy ảnh Zenit không đèn của ông bạn Lò đã mất bao công sức loay hoay đã chẳng lưu được kiểu nào!

Và đang bâng khuâng cái Bản Chự có tên là phường Lê Lợi của Điện Biên cũ cùng Dinh thự Đèo Văn Long vời xa đã chìm dưới 17 thước nước của lòng hồ thủy điện Lai Châu. Nếu đã chuyển đi, ông bà Huyền, Vơn ấy liệu có còn sống?

Người thứ hai còn lại trong đội xòe từ thời vua Đèo Văn Long là “Xao xè” Lù Thị Vơn, ở bản Chự, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cụ là người đạt giải Á hậu từ thời vua Đèo, năm nay cụ gần 100 tuổi, lưng đã còng nhưng giọng nói vẫn sang sảng, đôi mắt tinh nhanh, lúc chúng tôi đến nhìn thấy cụ đang ngồi cặm cụi thêu thùa những chiếc gối của người Thái đường nét hoa văn tinh xảo mà không phải đeo kính.

“Ngày xưa, tôi múa xòe phục vụ vua Đèo. Sau ngày giải phóng, tôi được đi múa xòe ở Mường Lò - Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội và nhiều nơi khác, được gặp cả Bác Hồ”.

Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm có nhưng cụ vẫn giữ được phong thái thùy mị và tâm hồn phóng khoáng của “Xao xè” ngày xưa. Nói đến múa xòe như tiếp thêm tinh thần cho cụ và cụ vẫn giữ bầu nhiệt huyết truyền văn hóa, văn nghệ và thường xuyên truyền dạy cho con cháu những điệu múa cổ của dân tộc Thái.

(Tạp chí VHNT Lai Châu. Bản điện tử Cập nhật 23-3-2020)

MỚI - NÓNG