Người Tiền Phong năm ấy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cuốn hồi ký của ông Nguyễn Thanh Dương, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong có mấy dòng nhắc đến một cán bộ của Báo. Người ấy tên là Mộ Thanh nhập tịch Tiền Phong khi tờ báo từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Cụ Dương nắc nỏm là vị này viết báo giỏi, lắm tài. Thông thạo tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Đặc biệt là chữ Hán cổ.

Mộ Thanh là ai nhỉ? Tra trên mạng không thấy tăm hơi gì? Hỏi cụ tiên chỉ Tôn Đức Lượng cũng chỉ mang máng. Tiền Phong thuở ấy bao người đã khuất.

Cụ Nguyễn Thanh Dương, người hàng xóm áp tường ở Khu Tập thể Hàng Trống, tác giả hồi ký thì mất đã lâu.

Chợt nhớ chị Lê Thị Túy, năm nay tuổi 88. Chị về Tiền Phong cũng cùng cái thời gian thăm thẳm ấy! May bà chị còn mẫn tiệp. Bà chị à ngay. Và đính chính luôn. Tên đầy đủ là Vương Mộ Thanh. Người tầm thước. Ít nói. Thuốc lá liên tằng. Mấy đầu ngón tay vàng khè. Cô phóng viên trẻ Lê Thị Túy tuyền phải đến sớm quét tước dọn dẹp phòng làm việc. Và chả thể quên đun sẵn ấm nước để anh Vương Mộ Thanh pha trà.

Người Tiền Phong năm ấy ảnh 1

Cụ Vương Mộ Thanh (1920-2001). Ảnh tư liệu gia đình HS Đỗ Phấn

Báo hồi ấy có mục Sinh hoạt tư tưởng. Vương Mộ Thanh ngoài dịch cho trang quốc tế, thường xuyên giữ mục này. Lại thông thạo chữ Hán nên nhiều anh phóng viên dùng từ Hán - Việt mà ấm ớ liền bị Mộ Thanh truy nọn nên rất hãi! Lắm người bực nên vừa sợ vừa ghét.

Ông Mộ Thanh làm ở báo bao lâu? Mất năm nào? Đến đoạn này chị Túy lại mang máng. Đâu như những năm 60 ông chuyển sang Nhà xuất bản Thanh Niên rồi chuyển tiếp đi đâu không rõ? Chị Túy cứ nhắc là thuở ấy, ông Mộ Thanh thường cho cậu con trai mới mấy tuổi đến cơ quan chơi. Chị thường phải trông cậu cho bố và các chú nhổng đi đâu không rõ. Mà thằng bé ấy sau này nghe đâu là một họa sĩ nổi danh!

Nhưng bà chị không sao nhớ ra tên ông con - họa sĩ!

Thế là lại mất dấu Mộ Thanh?

Còn ông con? Một họa sĩ nổi tiếng? Trật tuổi ấy? Xem nào, Thành Chương, Minh Hải, Lê Trí Dũng… đều không phải rồi? Tôi tóm hú họa lấy họa sĩ (HS) Đỗ Phấn.

Trời đất! Hóa ra đây là con trai ông Vương Mộ Thanh!

Đỗ Phấn thì còn nói chi nữa. Tranh thì bảo tàng trong ngoài nước đều phải thửa. Mà từ lâu, ngoài tranh, địa hạt văn chương Đỗ Phấn cũng có góc chiếu. Hơn ba chục cuốn sách, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, tác giả là Đỗ Phấn. Gần đây người ta gọi HS này là nhà tản văn học!

Phải dung lượng tầm ba xị, Đỗ Phấn mới đọc:

Lòng ta rỗng mà lòng ngươi chật quá/ Thì gom sao được hết mảnh hồn sâu/ Đêm rung rinh ngươi đứng được bao lâu/ Hãy cúi xuống trước những người không chết.

Cái gì thế này? Lão HS này lại làm cả thơ?

Không! Thơ của ông thân Đỗ Phấn, cụ Vương Mộ Thanh!

Thì ra Vương Mộ Thanh là bí danh kiêm bút danh. Tên thật, tên khai sinh là Đỗ Ngọc Thường. Ông hoạt động cách mạng từ hồi thiếu niên. Bị bắt bị đày đi Sơn La. Cùng ngục thất với Tô Hiệu, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ…

HS Đỗ Phấn cho biết 4 câu thơ ấy, cụ nhà viết trong một bài thơ có tên là Nói với ngục sáng tác ở nhà ngục Sơn La. Đỗ Phấn bảo bài thơ ấy bị thất lạc, sau bao năm vẫn chưa tìm ra được?

Tôi chợt mang máng… Lâu rồi, cụ Hoàng Công Khanh có tặng cho cuốn Hoa nhạn lai hồng viết rất sinh động hấp dẫn về đời sống đề lao của tù chính trị Sơn La mà cụ là người trong cuộc. Cuốn sách quý ấy đã bị cuỗm mất từ lâu.

Tôi tìm đến nhà Việt Tuấn, HS của Báo Tiền Phong là chồng của Đào, con gái cụ Hoàng Công Khanh – để rinh cuốn Hoa nhạn lai hồng do nhà xuất bản Văn Học in năm 1992 về. Trang lót cuốn sách còn dòng viết tay của tác giả Thân tặng Kim Lân, bạn văn và thông gia thân thiết.

Đây rồi. Danh sách tù chính trị Sơn La mà tù nhân - nhà văn Hoàng Công Khanh tỷ mẩn công phu thống kê được 158 người. Số thứ tự 152, Tù chính trị Nguyễn Văn Thường (cụ Khanh biên nhầm), bí danh là Mộ Thanh (may có mục bí danh này). Tra thêm sách thì ra ông Vương Mộ Thanh có chân trong Ban Biên tập tờ Suối Reo, tờ báo của Đảng bộ nhà tù chính trị Sơn La xuất bản bí mật. Ban Biên tập Suối reo có Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Tô Hiệu. Hoàng Công Khanh tức Đoàn Xuân Kiểu.

Trang 230 in toàn bộ bài thơ Nói với ngục của Mộ Thanh. Bên cạnh là các bài thơ Hận rừng xanh (Lê Đức Thọ), Lại đến Sơn La (Xuân Thủy); Chim chiều, Tình người diễn viên (Đoàn Xuân Kiểu - Hoàng Công Khanh) vv…

Quá mừng! Tôi lặng lẽ chụp lại và gửi e-mailcho Đỗ Phấn. Đến đây phải mở thêm một cái ngoặc. Như vậy trong số phóng viên Báo Tiền Phong có hai vị đã từng là tù chính trị Sơn La và Hỏa Lò. Tù nhân Hỏa Lò là anh Lê Văn Ba, nguyên Trưởng ban của nguyên Tổng biên tập Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) và tôi. Anh Lê Văn Ba hồi hoạt động trong giới học sinh sinh viên Thủ đô bị lộ rồi bị bắt. Hơn một năm ở nhà ngục Hỏa Lò, chàng trai Lê Văn Ba nếm đủ ngón đòn… Việc này tôi có đề cập trong một bài viết nhân Tiền Phong kỷ niệm 65 năm.

Chép hết ra đây mấy khổ thơ còn lại của ông Mộ Thanh (trừ khổ cuối bài thơ mà Đỗ Phấn thuộc lòng).

Nói với ngục

Hỡi ngục kín, ngươi thu trong bóng tối/ Của lòng ngươi muôn ánh lửa soi đường/ Ngươi xây ngươi kiêu hãnh những chiều sương/ Trên uất hận của ngàn xưa góp lại/

Ngươi nghiêm khắc im lìm trong hận tủi/ Và thê lương hơn cả một mùa thu/ Ngươi hay chăng trong những tối trăng mờ/ Hồn sao rụng gọi người về cõi chết.

Ta vừa thấy len mình qua cửa hẹp/ Mảnh hồn ta thoát khỏi vực đời ngươi/ Để bay đi kiếm giữa những đêm dài / Hương vị mới của những ngày xán lạn.

Ngươi có thấy giữa điêu tàn rùng rợn/ Của ngày mai di tích của ngày nay/ Đời ngươi tàn như một kiếp tro đầy/ Bên nát vụn của một thời vụt tắt!

Chuyện thêm với Đỗ Phấn mới biết chút lý lịch trích ngang của cụ Vương Mộ Thanh. Cụ sinh 1920. Đầu những năm 60, cụ đã chuyển từ Báo Tiền Phong sang làm Tổng Biên tập (khi ấy chưa có chức danh Giám đốc?) Nhà xuất bản Thanh Niên ở 60 Bà Triệu. Được vài năm sau được điều về Ban Đối Ngoại T.Ư Đảng. Tuổi tác sức khỏe có kém sút nhưng năng khiếu ngoại ngữ luôn là tính trội, cụ tranh thủ mày mò bổ túc thêm tiếng Tây Ban Nha cho thật nhuyễn như vốn Hán học và tiếng Anh, Pháp mà cụ từng thành thạo. Cụ mất năm 2001.

Tiếc cái là Đỗ Phấn không giữ được tấm ảnh nào của cụ thân hồi còn làm việc. Chỉ có ảnh thờ. Bên ảnh ông thân còn một vị nữa, ảnh bán thân com lê cà vạt.

Đó là ông nội Đỗ Phấn. Lại một bất ngờ! Bất ngờ vì cụm từ con dòng cháu giống tự dưng quá sinh sắc?

Ông nội Đỗ Phấn là cụ Đỗ Ngọc Toại. Cụ sinh năm 1896, là một trong những nhà Nho học hiếm hoi còn sót lại cửa Khổng sân Trình thực thụ của Việt Nam thế kỷ XX. Cụ là lớp nho sinh tham gia khoa thi chữ Hán cuối cùng (Ất Mão, năm 1915) và đã đỗ Tam trường. Cụ còn theo học trường Tây, Trường sư phạm. Rồi trở thành ông hương sư ở làng Phương La, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Sau năm 1945, cụ tham gia công tác văn xã của huyện Từ Sơn và chức vụ cuối cùng trước khi về hưu là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Chính nhà nho Đỗ Ngọc Toại ấy đã có công rèn cặp Hán tự cho bao thế hệ học trò trong đó có người con trai Đỗ Ngọc Thường - Mộ Thanh.

Rồi cái vốn Hán học hơn 50 năm ấy đã có dịp thăng hoa. Năm 1965, Trường ĐH Tổng hợp và Uỷ ban Khoa học Xã hội mở lớp học Hán - Nôm và dịch thuật. Hàng chục cán bộ nghiên cứu nổi danh sau này như Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đào Thái Tôn… đã miệt mài say mê thụ giáo tại khu sơ tán trong tầm bom Mỹ ở Hà Bắc. Thầy học là các cụ Cao Xuân Huy, Nguyễn Đức Vân, Đỗ Ngọc Toại, Đào Phương Bình…

Cụ Toại đã tìm được điều sở đắc ở cái tuổi mãn chiều xế bóng khi say sưa miệt mài giảng dạy cho các sinh viên chính khóa, các cán bộ nghiên cứu, dịch thuật… Ngoài thời gian giảng dạy, được các bạn đồng môn đồng tuế và ngay lớp cán bộ nghiên cứu trẻ khuyến khích, cụ Toại đã đắm đuối vào việc dịch thuật.

Mặt bằng dịch thuật khi ấy ở miền Bắc đã bất ngờ nhô nhỉnh lên với tác phẩm dịch Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Những tác phẩm dịch về thơ văn Nguyễn Khuyến, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Chú, thơ đi sứ… lần lượt được xuất bản với cái tên Đỗ Ngọc Toại và Thụy Tiên (bút danh khác của Đỗ Ngọc Toại). Thời gian cụ Toại được rảnh rang dịch đâu có nhiều. Ngay tại nhà cụ luôn có những lớp học khóa học be bé của những nhà nghiên cứu dịch thuật trẻ đến thụ giáo. GS Nguyễn Huệ Chi tạm tổng kết về duyên dịch thuật của thầy mình như này:

Đỗ Ngọc Toại không để lại nhiều tác phẩm. Nhưng cụ là một dịch giả rất được tin cậy. Cụ đã tạo được một sắc thái văn phong riêng trong dịch thuật, đặc biệt là chất văn giản phác vừa dễ hiểu vừa cổ kính lại vừa hiện đại.

HS Đỗ Phấn đưa tôi một tờ báo Văn Nghệ đã xuộm vàng thời gian. Tờ báo ngày 5/4/1974 - kỷ niệm 20 năm ngày mất của Ngô Tất Tố có bài Nhớ người bạn đã khuất núi của Đỗ Ngọc Toại.

Lại thêm một sững sờ bởi lướt qua bài viết, một quá vãng cổ kính và thương mến bất chợt hiện về. Cảnh hai anh bạn thân Đỗ Ngọc Toại - Ngô Tất Tố làng Lộc Hà và Danh Lâm cách nhau 1 cây số cùng chung thầy chung buổi từ thuở Tam tự kinh… Rồi cùng lều chõng đi thi ra sao. Rồi từng chứng kiến những trước tác những thành quả của bạn mình những Tắt đèn, Lều chõng… Những buổi đám bạn cùng nhau chuyện trò đàm đạo…

Lại dấy lên nỗi tiêng tiếc mơ hồ. Ông nội Đỗ Phấn không ghi hồi ký. Giải tỏa cái tiếc ấy đành trách nhẹ Đỗ Phấn rằng, ông viết gì thì viết nhưng cụ Toại mãi năm 1980 mới mất mà không kịp ghi lại chút hồi ức của cụ là sao?

Cái cười như hối lỗi của lão bạn họa sĩ tài ba thấp thoáng trong đám râu mù mịt?

Chia tay lại có chút giật mình khi biết thêm cụ Vương Mộ Thanh nguyên cán bộ Báo Tiền Phong còn có người em út là TS Đỗ Quốc Sam từng là Bộ trưởng rồi Chủ nhiệm một Uỷ ban quan trọng của Chính phủ. Mà vợ là ái nữ, con gái cụ Nguyễn Xiển.

Khất bạn đọc khi khác kể…

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.