Nếu như nhà thơ Hồ Xuân Hương được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới bởi được UNESCO ca ngợi về tinh thần bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam - một giá trị mà UNESCO đang khích lệ thúc đẩy trên toàn thế giới thì nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu lại được tôn vinh là lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Bởi chỉ riêng tác phẩm Lục Vân Tiên đã là một cú hích, một hiệu ứng khủng khích lệ những tấm gương bỏ mình vì nghĩa lớn trong công cuộc chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ.
Chính sử còn rành rẽ những chi tiết cùng sự kiện có thể nói là oái oăm. Cụ Đồ Chiểu cùng thời với Bình Tây đại nguyên soái Trương Định và nhân vật Phan Thanh Giản và chơi… thân với cả hai người! Một Phan Thanh Giản, đại thần triều đình nhà Nguyễn chủ trương hòa với Pháp, cắt đất dâng thành cho quân xâm lược Pháp. Một Trương Định cùng cuộc khởi nghĩa không khoan nhượng đánh Pháp quyết liệt đến cùng được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu hết lòng ca ngợi!
Trước nay nhắc đến danh nhân Đồ Chiểu, nhà văn hóa lớn của Nam Bộ và của đất nước, bạn đọc đã quá quen với phương pháp sáng tác mà nhiều nhà lý luận đã đúc kết là sử dụng điêu luyện lời ăn tiếng nói dung dị của dân, ít dùng những điển tích, điển cố này khác. Và nữa, một nhà thơ Đồ Chiểu đã “mắc cái lầm” khó đỡ là nhiệt thành ca ngợi nhân vật Phan Thanh Giản khi ông này mất bằng hai bài thơ, một Hán, một Nôm!
Cụ Nguyễn Đình Chiểu |
Thôi thì về nhân vật Phan Thanh Giản là yêu nước hay bán nước thì hậu thế có vẻ như đương tiếp diễn những luận bàn này khác.
Thử trở lại tôn chỉ mục đích, động cơ sáng tác như một slogan lung linh sáng chói của Nguyễn Đình Chiểu Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Năm xa ấy, vô TPHCM, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh bạn học cùng khóa K.17 giới thiệu tôi với nhà nghiên cứu Phạm Thị Hảo từng nổi danh với bản Kinh Thi tinh tuyển, công trình dịch thuật đồ sộ Văn Tâm Điêu Long… (Bà Phạm Thị Hảo được vinh danh là một trong 5 nhà Trung Quốc học và nhà nghiên cứu cổ văn tiêu biểu nhất của miền Nam – cùng với GS Bửu Cầm, GS Nguyễn Khuê, nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh).
Buổi gặp thêm nhiều ấn tượng về người học trò từng thụ giáo nhà Đạo học Cao Xuân Huy từ những năm 60 của thế kỷ trước. Quyết liệt, dứt khoát nhưng với chất giọng khẽ khàng, nhà nghiên cứu Phạm Thị Hảo nói luôn rằng, nhiều người lầm khi nghĩ cụ Đồ Chiểu ca ngợi Phan Thanh Giản!
Bà Hảo cười hỏi chúng tôi, chắc các anh vẫn nhớ câu của cụ trong Lục Vân Tiên “Học theo ngòi bút chí công/ Trong thơ có ngụ tấm lòng Xuân Thu”; Rằng cụ đã rất khéo léo và uyên thâm khi sử dụng một phương pháp sáng tác độc đáo của nhiều bậc túc nho. Đó là bút pháp Xuân Thu tức là văn chương viết theo lối hàm súc, ngắn gọn, dùng chữ nghĩa thâm thúy thể hiện sự khen chê (người xưa gọi là bao biếm) đối với một nhân vật hoặc một sự kiện nào đó.
Trở lại hai bài thơ mà Cụ điếu Phan Thanh Giản.
Bài thứ nhất bằng chữ Hán:
Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Phi công thùy tản nhất phương dân
Long Hồ uổng phụ thư sinh lão
Phụng Các không vi học sĩ thần
Bỉnh tiết tần lao sinh Phú Bật
Tận trung hà hận tử Trương Tuần
Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự
Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần
Hai câu thơ đầu là lời chân thành mến phục:
Làm quan trải ba triều vua, ông vẫn riêng mình giữ được tấm thân trong sạch. Không có ông thì ai là người che chở cho cả một phương dân chúng.
Bút pháp Xuân Thu bắt đầu phát huy tác dụng ở hai câu 3-4:
Long Hồ uổng phụ thư sinh lão Phụng Các không vi học sĩ thần
Ở Long Hồ (nơi quê hương), ông đã uổng phụ cái chí làm người học trò già.
Nơi Phụng Các (chốn làm quan) ông đã làm một cách hão người bề tôi học sĩ.
Hai cụm từ “uổng phụ” (phụ bỏ uổng phí) và “không vi” (làm một cách vô ích, làm hão, chẳng tích sự gì) là sự phiền trách, xót tiếc nặng nề biết bao.
Phan Thanh Giản từng tự xưng là “thư sinh lão”, là người học trò già lương thiện, khiêm nhường, nhưng với việc làm của ông dâng đất dâng thành cho giặc chứng tỏ ông đã “uổng phụ” cái chí thanh cao đó. Việc làm của ông đã phủ định tài năng “học sĩ thần” của ông.
Đến câu 5,6 thì càng uẩn áo hơn:
Bỉnh tiết tần lao, sinh Phú Bật
Tận trung hà hận, tử Trương Tuần
Bút pháp Xuân Thu cho thấy ở đây 2 tầng ý nghĩa:
Mới đọc, có thể hiểu là sự đánh giá rất cao:
(Phú Bật đời Tống Nhân Tông, vâng mệnh đi sứ Khiết Đan, đã lao tâm khổ tứ, hết lòng thuyết phục địch, cuối cùng đem về thắng lợi cho đất nước. Trương Tuần người đời Đường, dũng cảm chống giặc giữ thành, bị giặc bắt, đánh đập tàn tệ, vẫn kiên trinh và tử tiết trong tay giặc).
Vậy có nên ví Phan Thanh Giản với hai danh nhân ấy không nhỉ? Một sự so sánh phản diện, hàm ý mỉa mai! Tưởng là ca ngợi mà lại là trách cứ, thâm hậu biết bao!
Đến câu 7:
Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự
Có trời (thấu hiểu cho ông) về chuyện mất còn của 6 tỉnh
Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần
(Khó mà có thể thung dung làm vị thần tựu nghĩa được)
Chính âm hưởng của cả bài thơ (thơ điếu mà) cứ như một sự thông cảm! Vậy nên người đọc dễ bỏ qua và không tính đếm đến thông điệp sâu xa của tác giả là phê phán và xót tiếc cho lỗi lầm của người quá cố.
Bài điếu thứ hai là thơ Nôm:
Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao châu
Ba triều công cán đôi hàng sớ
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu
Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ nay mặc gió thu
Bài này cũng được “bút pháp Xuân Thu” thể hiện hai tầng ý nghĩa:
Hai câu đầu là một nỗi đau buồn. Buồn cho đất nước bị giặc tàn phá tan tành. Nơi Ngao châu, quê hương cụ Phan giờ đây mây buồn che phủ. Thương tiếc người đã chết chăng? Đó là tầng nghĩa nông.
Tầng nghĩa sâu cho thấy cụm từ “hệ bởi đâu?”. Không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi “hận”. Đất nước tan tành, căn nguyên nào? Bởi vì ai? Thực tế ai cũng hiểu: đối tượng hậu trách là quân giặc, là Phan Thanh Giản và cả triều đình Huế. Câu 2 lại chỉ nói đến Ngao châu là quê Phan và suốt cả bài thơ cũng chỉ nói đến Phan.
Vậy có thể hiểu như sau:
Mây trắng đau buồn phủ khắp cõi Ngao châu. Cả vùng Ngao châu đau buồn vì người con của quê hương vốn được mến mộ mà nay lại đắc tội với dân với nước, gây nên nông nỗi.
Câu 3 và câu 4 cũng có tầng nghĩa nông là ca tụng:
Ba triều công cán đôi hàng sớ
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu
Nhưng đọc kỹ hai cụm từ “đôi hàng sớ” và “một gánh thâu” thì lại thấy ý ngược lại.
Một vị đại thần đầy tài năng mà suốt 3 triều vua rút cục chỉ có “đôi hàng sớ” thôi ư? Phải chăng đây là đôi hàng sớ cuối cùng Phan nhận tội với triều đình? Và như vậy thì “Ba triều công cán” của ông quan này chẳng còn gì đáng kể.
Đến câu sau thì cụm từ “một gánh thâu” có sức nặng ngàn cân để phủ định cụm từ “sáu tỉnh cương thường”. Vì chữ “thâu” có nghĩa là thua, là mất, là thất bại, ngược lại với doanh là được, là thắng.
Vậy là đạo đức cương thường của cụ Phan từng nổi tiếng 6 tỉnh nay chỉ còn là “một gánh thua”, một sự thất bại nặng nề mà thôi. Chao ôi, đau xót thay, mà cũng đáng trách thay!
Tiếp tới hai câu 5-6:
Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Hai câu này cực tả tình cảnh đáng thương của ông Phan trước lúc qua đời. Tài liệu cho biết: Sau khi nộp thành, dâng đất cho Tây, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội, gửi về triều bằng tàu tốc hành (tàu Pháp) rồi khắc khoải chờ đợi, chắc còn hy vọng sẽ lại được tha tội như lần trước, sẽ lại được phục chức, trọng dụng. Song, mỏi mòn chờ mãi, chờ nửa tháng trời, tin điệp vẫn chẳng thấy đâu. Lo lắng rồi thất vọng, rồi tuyệt vọng, biết chắc bị bỏ rơi rồi. Cuối cùng tự tìm đến cái chết vào lúc nửa đêm, giờ Tý ngày 5-7 năm Đinh Mão tức 4/8/1867.
Câu cuối cùng hơi bị chua chát.
Trời đất từ nay mặc gió thu
Hai chữ “gió thu” ở đây rất quan trọng. Có người hiểu là “gió lành, gió mát”.
Nói đến đây, bà Hảo mở thêm cái ngoặc dài. Là bà đã công phu tra trong “Hán ngữ đại từ điển” (nhà xuất bản Thượng Hải - 2004) thì thấy rành rọt: Thu phong là gió từ phương tây thổi lại, là gió tây (nghĩa thứ 11, và mục từ điều “Thu phong”). Cũng như nhiều nhà Nho khác, dù làm văn thơ Nôm, cụ Đồ cũng thường dùng xen vài từ Hán, vì tiếng Việt đã đồng hóa nhiều từ tiếng Hán, rất nhiều từ đã được Việt hóa rất tự nhiên.
Vậy có thể hiểu câu thơ là lời than đau xót:
Đất nước từ nay mặc sức gió Tây tung hoành vùi dập.
Sáu tỉnh phương Nam từ nay mặc sức giặc Tây giày xéo.
Vậy những xì xào, suy diễn này khác rằng Cụ Đồ Chiểu từng tỏ thái độ ngợi ca tán thưởng Phan Thanh Giản? Cứ ngẫm nghĩ những lời trên khắc tỏ!