Ngược chiều tăng trưởng

Ngược chiều tăng trưởng
TP - Nói gì thì nói, khi lạm phát năm 2007 tăng ở mức 12,63%, cao hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm thì cũng có nghĩa là giá trị thực của nền kinh tế bị giảm sút và ảnh hưởng đến quyền lợi của từng người dân.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng cao làm thiệt hại đến toàn bộ người tiêu dùng do sức mua của đồng tiền bị giảm sút.

Trong cơ cấu tăng giá tiêu dùng, tốc độ tăng giá tiêu dùng nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng gấp rưỡi tốc độ tăng giá chung làm cho nhóm người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng lớn hơn.

Lý do là trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp, chi tiêu cho lương thực thực phẩm (cái ăn cái mặc hàng ngày) chiếm phần lớn thu nhập của họ.

Tình trạng tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn lãi suất tiết kiệm tiền gửi ngân hàng (tính bình quân lãi suất ngân hàng cả năm dao động ở mức 8-10%/năm). Làm lãi suất tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền trở thành thực âm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người gửi tiền, nhất là những người về hưu.

Cũng do tốc độ tăng giá tiêu dùng cao, sức mua của đồng tiền giảm, những người có thu nhập cao chuyển tiền sang hình thức dự trữ bằng vàng, USD, bất động sản làm cho giá nhà, đất tăng cao.

Tình trạng này đẩy những người có thu nhập thấp, sống chủ yếu bằng lương càng ít có cơ hội mua nhà, đất tạo lập chỗ ở riêng. Điều này cũng có nghĩa là cách biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng nới rộng.

Tại anh hay tại ả?

Chưa khi nào nền kinh tế Việt Nam lại có mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế thế giới như lúc này. Khi mặt bằng giá cả thế giới tăng lên đương nhiên sẽ dội vào nước ta.  Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, dường như vấn đề lại xuất phát từ những cái “nhất” của Việt Nam trong năm 2007.

Năm 2007 là năm thứ 10 liên tục trong 10 năm qua (1998 – 2007), tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP liên tục tăng trên 30%/năm và là năm thứ ba liên tiếp vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt mức trên 40% GDP.

Trong năm 2007, trong khi nguồn vốn ngoại tệ đổ vào Việt Nam nhiều, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện thật “bài bản”, đúng kế hoạch chi tiêu công bằng cách “bơm” tiền vào lưu thông qua kênh đầu tư từ nguồn ngân sách, từ trái phiếu Chính phủ.

Điều đó có nghĩa là Chính phủ đã “quên” sử dụng công cụ chính sách tài khóa (thắt chặt chi tiêu của Chính phủ). Mặt phải của “tấm huân chương” là nền kinh tế đạt mức tăng tổng sản phẩm (GDP) cao. Nhưng mặt trái của “tấm huân chương” chính là chỉ số giá tiêu dùng không thấp hơn tốc độ tăng GDP .

Chính phủ cũng đã bỏ tiền đồng ra mua 9 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với các năm trước, tạo ra một lượng tiền đồng lớn trong lưu thông.

Tuy nhiên, khi thị trường lâm vào trạng thái dư đồng Việt Nam, trong khi tương quan tiền – hàng chưa có gì thay đổi (và không thể thay đổi kịp), tuy không “quên” các công cụ của chính sách tiền tệ (như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi, cho vay…) song trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có động thái kịp thời để “hút” tiền trong lưu thông về.

Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của NHNN với vai trò  ổn định giá trị đồng tiền, chống lạm phát đã không được phát huy. Thủ tướng  cũng đã có đánh giá “lạm phát một phần vì lúng túng trong chỉ đạo tiền tệ”.

Bên cạnh đó, khi lượng tiền trong lưu thông đã tương đối lớn, NHNN lại có Chỉ thị số 03  giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán xuống đạt mức 3%/tổng dư nợ, thông qua hàng loạt động thái tăng cho vay tiêu dùng, cho vay mua bất động sản, cấp thẻ tín dụng... đã “bơm” thêm một lượng tiền đáng kể vào lưu thông.

Trong trường hợp này, NHNN đã chỉ một mực thực hiện cho được chỉ thị đã ban hành mà không xem xét thích đáng đến tác động tổng thể đối với dư nợ tín dụng, lượng tiền trong lưu thông có tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng.

Việc Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tăng giá xăng và thả nổi giá xăng một phần nhằm giảm bớt tình trạng bù lỗ kinh doanh xăng dầu từ ngân sách nhà nước.

Việc này tác động rất lớn đối với giá cả, lạm phát. Như vậy, các cơ quan tham mưu, điều hành chính sách của Chính phủ đã thiếu sự phối hợp chính sách để thực hiện mục tiêu chống lạm phát một cách hiệu quả.  2007 còn có một lượng tiền khá lớn được đổ vào thị trường bất động sản do các quỹ đầu tư.

Cùng với việc một số nhà đầu tư cá nhân chuyển hóa lợi nhuận đầu tư chứng khoán trong năm 2006 sang bất động sản và khi đồng tiền giảm sức mua, người dân có xu hướng đổ tiền vào bất động sản để giữ tiền đã cung thêm một lượng tiền vào lưu thông.

Quyết định là bản lĩnh điều hành

Năm 2008, Chính phủ đề ra chỉ tiêu thực hiện tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 567.300 tỷ đồng, bằng 42% GDP. Nhưng số liệu của 9 năm liên tục trước 2007 cho thấy một tình trạng đáng lo: một đồng vốn đem ra đầu tư tạo ra 3,1 đồng GDP vào năm 1998 thì liên tục có xu hướng giảm dần đều qua các năm.

Năm 2006: một đồng vốn chỉ tạo ra được 2,4 đồng GDP. Năm 2007 và cả năm 2008 này, mặc dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng với tỷ lệ đầu tư khá “nóng” và tiến độ giải ngân chậm như trong năm 2007, nếu không được cải thiện, chắc chắn hiệu quả của đồng vốn đầu tư cho nền kinh tế sẽ không có gì cải thiện, nếu không nói  là sẽ  đi xuống.

Trong năm 2008, với lượng vốn FDI đã đăng ký mới và bổ sung trong năm 2007, lượng vốn ODA đã cam kết cho năm 2008, lượng kiều hối của năm 2007 (8 tỷ USD), lượng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục đổ vào để mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại, các tổng công ty lớn IPO trong năm 2008…sẽ tiếp tục làm cho nền kinh tế có lượng tiền trong lưu thông khổng lồ.

Nếu khả năng hấp thụ vốn của năm 2008 không có gì cải thiện, một mặt sẽ lãng phí đồng vốn, kéo dài thời gian triển khai dự án, giá thành công trình tiếp tục trở nên đắt đỏ hơn, hiệu quả dự án kém, các nhà đầu tư sẽ nản lòng, có thể chuyển hướng đầu tư sang các địa điểm (quốc gia) mà vốn đầu tư của họ được “tiêu hóa” tốt hơn, vòng quay vốn nhanh hơn, tạo ra hiệu quả hơn.

Việt Nam sẽ mất cơ hội tiếp tục thu hút vốn ODA, vốn FDI – một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2008, sau khi IPO, một số ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thu được lượng thặng dư vốn khổng lồ, đồng thời sau khi phát hành tăng vốn điều lệ ồ ạt trong năm 2007, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng cần có sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ để thực hiện các cam kết về cổ tức, lợi nhuận với cổ đông.

Các động thái này sẽ làm cho tăng trưởng tín dụng tiếp tục “nóng” và sẽ là một “quả bom” giội thêm vào chỉ số giá tiêu dùng. Giá xăng dầu thế giới trong năm 2008 chưa có xu hướng giảm, cùng với một số nguyên vật liệu khác tăng giá cũng sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2008 khó có thể giảm thấp. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ đến hết năm 2008 giá dầu sẽ không được bù lỗ nữa mà do thị trường quyết định.

Đối với những “dữ liệu cứng” như vậy của năm 2008, việc chống lạm phát nói riêng và việc làm thế nào để đảm bảo chất lượng của tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều bản lĩnh điều hành của Chính phủ, tức yếu tố chủ quan chứ không phải là chủ yếu là tác động, ảnh hưởng của giá thế giới. Đấy cũng là bản lĩnh hội nhập khi mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

MỚI - NÓNG