Ngư dân đang tự mò giữa biển

Ngư dân đang tự mò giữa biển
TP - Công tác dự báo ngư trường cho ngư lâu nay rất yếu kém, và gần như bỏ trống, nên ngư dân phải lần mò đánh bắt, hiệu quả thấp, tốn kém. Trong khi số liệu báo cáo của các địa phương về khai thác gần như theo kiểu bốc thuốc, thiếu chính xác.

> Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển
> Đóng dấu xác nhận, đâu cũng gặp khó

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội nghị tổng kết vụ cá Nam, triển khai vụ cá Bắc năm 2011-2012, do Tổng cục Thủy sản tổ chức hôm qua. Ông Lê Tấn Bản, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, cho biết công tác dự báo ngư trường gần như bỏ trống. “Hiện, việc dự báo đều dựa trên thông tin hằng quý do Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) gửi, sau đó phát tận các chủ tàu, thuyền trưởng để họ tham khảo. Tuy nhiên, theo phản ánh của ngư dân, những thông tin đó chỉ mang tính tham khảo, độ chính xác không cao” – ông Bản nói.

Theo ông Bản, việc ra khơi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của ngư dân. Vừa qua, cũng do khó khăn về ngư trường, xăng dầu lên giá, nên các ngư dân đã tập hợp thành tổ đội sản xuất trên biển. Mỗi tổ 5-7 chiếc, khi một tàu phát hiện ngư trường, thì họ cùng thông báo cho nhau đến cùng khai thác. Ông Bản nói: “Năm nào chúng tôi cũng lên kế hoạch xin kinh phí của tỉnh khoảng 600-700 triệu đồng cho công tác tổng hợp số liệu nghề cá, lấy mẫu tính toán, rồi đưa dự báo, nhưng không được duyệt. Các số liệu khai thác nguồn lợi, chủ yếu lấy từ các huyện, chứ Chi cục chưa chủ động được”.

Tại Ninh Thuận, địa phương có lượng tàu cá lớn (với trên 8.400 tàu, trong đó có trên 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ), việc xác định ngư trường ngư dân cũng phải tự mò mẫm. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh này cho hay, từ những năm 90, có những cuộc khảo sát nguồn lợi lớn, nhưng gần đây chỉ có những đợt đánh giá nhỏ lẻ, nên không thể đánh giá chính xác trữ lượng, và đưa dự báo ngư trường sát được. “Thực tế, thông tin của Viện nghiên cứu Hải sản đưa ra, bà con không mấy quan tâm. Muốn dự báo được ngư trường, phải đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn. Phải tổng hợp dữ liệu qua nhiều năm, từ đó, đánh giá, phân tích, chứ không thể phỏng đoán được. Như thế thông tin mới chính xác, bà con ngư dân mới được nhờ” – ông Huy nói.

Thống kê kiểu bốc thuốc

Theo ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó tổng cục trưởng Thủy sản, dự báo ngư trường, tức là chỉ cho ngư dân biết đánh bắt ở đâu, con gì, sản lượng bao nhiêu… Thế nhưng, dự báo ngư trường của nước ta lâu nay rất yếu kém. Việc dự báo của Viện nghiên cứu Hải sản phát ra hằng quý, dựa trên những số liệu cũ, có khi đã hàng chục năm nay, có những con trước kia có, nhưng nay gần như đã hết. “Có 2 khâu quan trọng trong công tác dự báo là điều tra nguồn lợi và thống kê nghề cá, nhưng lâu nay đều bị quên lãng. Nhiều năm rồi, gần như không có tiền để điều tra nguồn lợi, nên không biết ở vùng nào có con cá gì, di chuyển ra sao…Thế nên, ngư dân vẫn phải đi đánh mò, sản lượng thấp, tốn kém xăng dầu” – ông Vĩnh nói.

Theo ông Vĩnh, việc thống kê nghề cá, phải thống kê từng tàu đánh cá, những loại nghề gì, sản lượng bao nhiêu, rồi hằng tháng tổng kết lại. Qua nhiều năm, sẽ có biểu đồ về mùa vụ. “Số liệu báo cáo của các tỉnh là số liệu kiểu bốc thuốc, nhân số lượng tàu thuyền với sản lượng ước đạt thì ra con số báo cáo, và theo công thức, năm sau cao hơn năm trước, chỉ vì thành tích” – ông Vĩnh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG