Các nhà chức trách Ukraine cho biết, chiếc máy bay khổng lồ có tên “Mriya” (“Giấc mơ” trong tiếng Ukraine,) đang đậu tại một sân bay gần thủ đô Kiev thì bị các lực lượng Nga tấn công, CNN đưa tin sáng nay (28/2). Giới chức Ukraine nói rằng họ sẽ chế tạo lại chiếc máy bay.
Sẽ chế tạo lại với chi phí 3 tỷ USD
“Nga có thể đã phá hủy “Mriya” của chúng tôi. Nhưng họ sẽ không bao giờ có thể phá hủy giấc mơ của chúng tôi về một quốc gia châu Âu mạnh mẽ, tự do và dân chủ. Chúng tôi sẽ chiến thắng”, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter.
Không có xác nhận độc lập nào về việc máy bay bị phá hủy. Trên Twitter, nhà sản xuất máy bay Antonov cho biết họ không thể xác minh “tình trạng kỹ thuật” của “Mriya” cho đến khi nó được các chuyên gia kiểm tra.
Công ty quốc phòng Ukraine Ukroboronprom, đơn vị quản lý Antonov, hôm 27/2 tuyên bố chiếc “Mriya” đã bị phá hủy nhưng sẽ được xây dựng lại với chi phí của Nga, ước tính 3 tỷ USD.
“Việc khôi phục ước tính sẽ mất hơn 3 tỷ USD và hơn 5 năm”. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo rằng các chi phí này được chi trả bởi Liên bang Nga, vốn đã gây ra thiệt hại có chủ ý cho hàng không của Ukraine và lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không”, Ukroboronprom tuyên bố.
Trong một tuyên bố sau đó, Ukroboronprom cho biết “Mriya” ở gần Kiev ngày 24/2 để bảo trì. Theo giám đốc của Antonov Airlines, một trong những động cơ đã được tháo dỡ để sửa chữa và máy bay không thể cất cánh vào ngày hôm đó, mặc dù các lệnh thích hợp đã được đưa ra, hãng này cho biết.
Các lực lượng Nga tuyên bố đã chiếm được sân bay Hostomel, nơi đặt chiếc AN-225, vào hôm 25/2. Một nhóm phóng viên CNN có mặt trên mặt đất chứng kiến lính dù Nga tiến vào các vị trí.
Máy bay lớn nhất thế giới Antonov AN-225 (trọng lượng tải tối đa 250 tấn). Nguồn CNN. |
Từng giúp không vận ở nhiều nước
Nếu được xác nhận chính thức, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ đánh dấu một cái kết gây sốc cho chiếc máy bay đã có hơn 30 năm phục vụ từ thời Liên Xô. AN-225 đôi khi được sử dụng để giúp viện trợ không vận trong các cuộc khủng hoảng ở các quốc gia khác.
Sau trận động đất ở Haiti năm 2010, “Mriya” đã chuyển hàng cứu trợ đến Dominica láng giềng. Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, máy bay được sử dụng để vận chuyển vật tư y tế đến các khu vực bị ảnh hưởng.
Sự nổi tiếng của “Mriya” trong thế giới hàng không có nghĩa máy bay thường thu hút đám đông bất cứ nơi nào nó đến, đặc biệt là khi xuất hiện tại các triển lãm hàng không.
Một số người hâm mộ “Mriya” đã lên mạng xã hội hôm 27/2 để bày tỏ sự thất vọng của họ trước tuyên bố về việc máy bay bị phá hủy. “Mriya sẽ luôn được nhớ đến”, blogger hàng không Sam Chui viết trên Twitter.
Đến nay, “Mriya” vẫn là chiếc máy bay nặng nhất thế giới từng được chế tạo. Được trang bị sáu động cơ phản lực cánh quạt, nó có trọng lượng tải tối đa 250 tấn, có thể chở hàng bên trong hoặc trên lưng.
“Mriya” có sải cánh lớn nhất so với bất kỳ máy bay nào đang hoạt động. Chỉ có một chiếc An-225 từng được chế tạo bởi công ty Antonov có trụ sở tại Kiev. Nó cất cánh lần đầu tiên vào năm 1988 và được đưa vào sử dụng kể từ đó.
Chiếc máy bay thứ hai đã được xây dựng nhưng nó chưa bao giờ hoàn thành. Câu chuyện về An-225 bắt đầu từ những năm 1960 và 1970 khi Liên Xô chạy đua vào không gian với Mỹ.
Vào cuối những năm 1970, nhu cầu vận chuyển những vật nặng và lớn từ nơi lắp ráp của chúng đến Sân bay vũ trụ Baikonur, sân bay vũ trụ rộng lớn trên sa mạc của Kazakhstan, đã xuất hiện, là bệ phóng cho chuyến du hành vũ trụ đầu tiên năm 1961 của Yuri Gagarin.
Hàng hóa cần chuyên chở là tàu vũ trụ Buran của Liên Xô – đối trọng của tàu con thoi của NASA. Vì vào thời điểm đó không có máy bay nào có khả năng chở nó nên công ty Antonov được lệnh phát triển một chiếc siêu to.
"Mriya" được chế tạo để chở tàu con thoi Buran của Liên Xô tới bệ phóng ở Kazakhstan. Nguồn: CNN. |