Ngô Xuân Quýnh: Văn Quyến còn tiến xa !

Ngô Xuân Quýnh: Văn Quyến còn tiến xa !
Tôi có may mắn được theo dõi giải bóng đá TN&NĐ toàn quốc nhiều năm qua nên biết Quyến từ khi mới là cầu thủ nhí tiêu biểu của Nghệ An.
Ngô Xuân Quýnh: Văn Quyến còn tiến xa ! ảnh 1

Phạm Văn Quyến                Ảnh: Phạm Yên

Rồi từng bước được bồi dưỡng, trưởng thành, Quyến nổi lên ở Vòng loại U16 châu Á, đá chính thức cho SLNA, lên đội tuyển quốc gia, danh hiệu Quả bóng vàng VN năm 2003... ở Quyến có nét năng khiếu bẩm sinh lại gặp môi trường thuận lợi, điều kiện để phát triển phù hợp nên sớm “ra ràng”. Nhìn chung bước đi của Quyến là thuận, nhưng cũng gặp những trắc trở không đáng có. Tại sao vậy? Tôi có mấy suy nghĩ như sau:

Cách nhìn và cách dùng của HLV đối với Quyến

Ngoài những số liệu cân, đo, đong, đếm được về chuyên môn, HLV còn có con mắt đánh giá riêng theo cảm quan, trực giác nữa. Mà phần thứ hai này thì không giống nhau, nhất là với người nước ngoài khi chưa hiểu biết nhiều về  con người, văn hoá của dân tộc khác.

Cho nên, ông Dido hay ông Tavares đánh giá Quyến khác ông Riedl là chuyện thường. Chỉ tiếc là chúng ta chưa giúp để các ông ấy hiểu được con người và văn hoá VN nhiều hơn, nên khi Quyến có vấp váp thì các ông ấy loại. Bị mất thăng bằng, chao đảo, giảm lòng tin, Quyến đá kém!

Khi trở lại VN, ông Riedl đã nói “tôi tin Quyến chưa quên đá bóng” vì từ lần đầu huấn luyện Quyến, ông đã thấy ở “thằng béo” này “có cái ông cần” và ông nghĩ đến cách bảo vệ để sử dụng cho bằng được. Gần đây, ông luôn sử dụng Quyến đá chính mà để Công Vinh (cũng Quả bóng vàngVN) dự bị, vì có thể ông cho rằng: Vinh và Bình là 2 ngọn giáo nhọn, đều xông xáo mạnh mẽ, nhưng cùng kiểu, đơn điệu, trong 2 tiền đạo cần có  một lưỡi kiếm sắc và uyển chuyển kiểu Quyến thì phương án tấn công linh hoạt, đa dạng hơn!

Khi đã tin dùng thì ông tìm cách chỉ dẫn, mài sắc sở trường và tin cậy giao nhiệm vụ (như Quyến luôn được nhận các quả phạt cố định chẳng hạn). Và ông cũng có những yêu cầu nghiêm khắc buộc Quyến phải theo. Dĩ nhiên khi đã hiểu thầy thì Quyến sẽ làm theo vô điều kiện. Thế là Quyến lại có dịp để toả sáng.

Quyến có cái “độ quái” khó tìm, và trong trận đấu đôi khi chỉ khôn hơn nhau một chút xíu thôi là thành công. Có lẽ vì thế mà có người đã gọi Quyến là “cầu thủ của những trận đấu lớn”.

Trận gần đây nhất, Quyến đâu có cao, vậy mà thấy Quốc Anh đưa chân tạt, Quyến nhả Khaizan cao kều và 2 hậu vệ khác của Sing (phía sau còn 1 hậu vệ nữa) tìm đến chỗ trống mà trái bóng nhất định sẽ bay đến để đánh đầu.

Đó là sự tinh tế. Hoặc như quả phạt, kể từ quả đá vào lưới đội U16 Trung Quốc ở giải U16 châu á đến nay, cứ nhớ lại các quả đá này của Quyến càng thấy rõ. Đó là độ tinh xảo.

Phía khán giả, người hâm mộ

Thì do thông tin nhiều chiều, nên khen chê, bình luận lắm khi quá “tả”, quá “hữu” tuỳ hứng. Chuyện này không riêng với Quyến. Khen quá đà làm cho tuổi trẻ bốc lên, say sưa, lơ lửng trên mây. Khi có sai sót lại lục ra đủ chuyện đời tư không đâu với những cách phê phán nặng nề cũng thành phản tác dụng.

Ngay cả các báo, đài cũng vậy, có nơi, có lúc chưa chuẩn! Chúng ta có quyền khen chê, nhưng xét đến cùng là phải “xây dựng” nhằm đích là được người, được việc. Sau SEA Games 2003, chuyện Quyến rộ lên như một scandal.

Đá bóng là môn tập thể, nhưng càng có nhiều cá nhân giỏi càng tốt. Vai trò cá nhân rất quan trọng, đôi khi sự hay dở của một người làm nên thành công hay thất bại của trận đấu.

Chúng ta đã từng biết Dino Zoff (Italia) 40 tuổi, thủ môn, một mình hạ gục đội Braxin ở Espana 82, hoặc Maradona là linh hồn đội Argentina ở World Cup Mehico 1986. Nhưng không phải đã là cầu thủ giỏi thì trận nào cũng phải đá hay, đến Pélé hay Beckenbauer cũng vậy. Đối với Quyến  chúng ta không thể cầu toàn.

Lại phải nói đến những con người thường xuyên sống, gần gụi, thân quen với Quyến nữa. Các vị hãy coi Quyến là tài sản chung, phải bảo vệ cả về thể chất lẫn tâm hồn, hãy giúp Quyến vươn xa hơn. Ngoài luyện tập, thi đấu ở đội tuyển với ông Riedl, về SLNA với anh Thắng và đồng đội, thời gian tiếp xúc với “bà con” nhiều lắm.  

Xin bà con hãy coi Quyến là người nhà mình với lòng thương yêu, dìu dắt! Để Quyến đá ngày càng hay hơn.

Còn riêng Quyến

Tôi nghĩ: khi còn nhỏ khác, từ khi có tiếng, Quyến đã trở thành  “người của công chúng” rồi, phải khác. Nhất cử nhất động của Quyến ở trên sân hay trong bữa cơm, quán nước... đều được công chúng quan tâm. Mỗi cử chỉ, lời nói của Quyến bây giờ phải ngang tầm với một danh thủ quốc gia và danh hiệu Quả bóng vàng được cả nước tuyên dương.

Những vinh quang ấy là vô giá, hãy trân trọng giữ gìn! Đừng chờ người khác phải bao dung rộng lượng khi mình sảy chân, nhỡ miệng, mà tự mình phải tu thân rèn luyện cho xứng đáng. Đó cũng là để đền đáp công ơn người dưỡng dục sinh thành, người dắt dìu từ tấm bé, những người thầy, người bạn đã dày công vun đắp và những người yêu mến, hâm mộ  mình. Bởi không có những người ấy, làm sao có mình.

Quyến còn rất trẻ, có thể đá tốt trên 10 năm nữa.Ai cũng mong thế. Nhưng quyết định là ở Quyến. Rèn luyện thật chăm và toàn diện (cả đức và tài), giữ gìn sức khoẻ, tránh xa mọi cám dỗ tầm thường hằng ngày(tiền tài, rượu chè, chơi bời...), sống khiêm tốn, hòa mình cùng tập thể và gắng học hành, nâng cao kiến thức, Quyến nhất định sẽ còn tiến xa.

MỚI - NÓNG