Tỷ phú Ngọ tại trang trại
Qua những câu chuyện của nguyên Bí thư Huyện ủy Phan Hữu Giản về sự đổi đời ngoạn mục của một số người con thủ đô tại huyện Lâm Hà - vùng kinh tế mới Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng, tôi đặc biệt ấn tượng với tỷ phú Trần Văn Ngọ. Từ TP Đà Lạt, tôi cưỡi xe máy đến trung tâm huyện Lâm Hà, ghé vào UBND huyện để hỏi đường đến trang trại của ông Ngọ ở tận vùng đồi núi xa tít tắp thuộc thôn Liên Hồ, xã Liên Hà.
“Còn xa lắm, khoảng 20 cây số nữa, tuy nhiên vừa đi vừa hỏi là khắc tới thôi, cứ cái tên Ngọ sẹo mà hỏi chứ đừng ngại ngần gì vì biệt danh này đã phủ sóng khắp vùng, người địa phương quen gọi như thế rồi”- bác lái xe của huyện hiến kế. Quả đúng như vậy, tôi đã hỏi 5 người, từ chủ cửa hàng phân bón, cô bán tạp hóa, bác lái xe ôm…, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường đến trang trại của ông.
Đang chạy ngon trớn thì chiếc cổng sắt cao lớn lù lù hiện ra chắn ngang đường vào trang trại. Chúng tôi điện thoại cho chủ nhà và đợi khoảng 10 phút mới thấy người đàn ông khoảng 50 tuổi cưỡi mô tô ra mở cổng, có lẽ do quãng đường từ nhà ra ngõ khá xa. Tuy ông đội mũ cối, ăn mặc khá xuềnh xoàng nhưng tôi đoán đó chính là tỷ phú Ngọ bởi trên mặt có vết sẹo vắt qua gò má trái và kéo dài đến tận mép.
Nhát chém oan nghiệt
“Suốt quãng đời lang bạt chưa từng được ai tin tưởng và đối xử tốt như vậy nên mình vô cùng cảm kích, quyết tu chí làm ăn để không phụ lòng ân nhân”.
Ngọ tâm sự
Mưa ngày càng nặng hạt và xem chừng còn lâu mới tạnh. Chủ trang trại mang rượu nếp ra mời khách. Sau vài tuần rượu, cuộc trò chuyện cởi mở hơn. Ông kể quê ở Phúc Thọ, Hà Tây. Năm ông mới lên 2 và em gái chưa được 9 tháng tuổi thì bố vào Nam chiến đấu rồi hy sinh ở khu vực Vườn Chuối thuộc Sông Bé, nay là Bình Dương trong chiến dịch Mậu Thân 1968.
18 tuổi, Ngọ được tham gia khóa đào tạo do Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng tổ chức và chuẩn bị đi học bảy năm ở Liên Xô. Rủi thay, 45 ngày trước khi xuất ngoại, Ngọ bị áp xe gan, phải vào Bệnh viện 108 điều trị tới mười tháng, cắt bỏ 1/3 lá gan, từ 70kg sụt xuống chỉ còn 42kg và ốm đau dặt dẹo suốt nhiều năm sau đó. Qua cơn bạo bệnh thì bạn bè, người yêu đều đã đi học ở Đức hoặc Liên Xô. Buồn chán, Ngọ quyết định vào Nam thử vận.
Số tiền lận lưng nhanh chóng bốc hơi theo những cuộc ăn chơi ở TPHCM. Ngọ nhảy tàu đi Sông Bé kiếm việc làm và tìm mộ phần của bố. Sau hơn một tháng cuốc hố trồng cao su thuê để kiếm sống qua ngày, Ngọ bị các lâm tặc rủ rê vào rừng cưa gỗ lậu. Chứng kiến các băng nhóm thanh toán đẫm máu để tranh giành lãnh địa làm ăn, cướp gỗ quý, Ngọ cho rằng ở những nơi hỗn mang thế này, chỉ có nắm đấm, dao búa… mới làm nên uy lực.
Với những ngón võ học được ở người anh vốn là lính biệt động thành và cái tính yêng hùng, liều mạng, Ngọ thu phục một số đàn em bao quanh rồi lập bang hội, sống lang bạt kỳ hồ, đâm thuê chém mướn. Một lần, trong lúc say ngoắc cần câu, Ngọ bị một gã lưu manh vung rựa chém thẳng vào mặt với những ân oán giang hồ. May mắn thoát chết nhưng nhát chém ấy đã để lại vết sẹo dài như khắc dấu giang hồ trên khuôn mặt khá điển trai của anh.
Năm 1988, bước sang tuổi 26, muốn đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm, Ngọ rời Sông Bé lên vùng đất mới Lâm Hà làm thuê kiếm sống qua ngày. Thế nhưng một tên đầu gấu ngạo mạn bỗng dưng gây hấn, tấn công anh. Ngọ đáp trả bằng một nhát dao chí mạng khiến gã phải vào bệnh viện cấp cứu. Việc ấy đồng nghĩa với việc Ngọ vào trại giam với bản án 15 tháng tù.
Món nợ ân tình
Mẹ đã tái giá từ khi anh đang học cấp 3, em gái cũng lấy chồng vài năm trước. Chẳng rõ vì cách xa diệu vợi hàng ngàn cây số, vì Ngọ lưu lạc giang hồ đã nhiều năm hay còn vì lý do nào khác mà chẳng ai quan tâm thăm nuôi, an ủi. Gã tù mồ côi càng chán đời, quậy tợn, sẵn sàng vung nắm đấm với các phạm nhân khiến cán bộ quản giáo nhiều khi mất ăn mất ngủ.
Vùng đất trù phú
Vừa về nhậm chức Trưởng Công an huyện Lâm Hà, Thượng tá Đặng Đình Hóa đã nghe đủ thứ điều tiếng về gã tù cứng đầu này. Ông cho gọi Ngọ lên nói chuyện. Ban đầu Ngọ lầm lì, trả lời nhát gừng các câu hỏi của cán bộ, sau đó lại ngông nghênh tuyên bố: “Cháu chẳng sợ gì đâu, cháu còn gì để mất nữa kia chứ?!”.
Thế nhưng, khi vị cán bộ ân cần hỏi han về gia cảnh, lòng Ngọ chợt chùng xuống. Anh thổ lộ bố đã hy sinh, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Anh đã lặn lội khắp các nghĩa trang ở Sông Bé và vùng lân cận để tìm mộ phần của bố, có năm, đêm 29 Tết Ngọ vẫn còn lọ mọ tìm kiếm ở nghĩa trang Bến Cát nhưng chẳng được gì, có khả năng bố bị dính mìn khi đi trinh sát.
Sau khi xác minh lý lịch cẩn thận, Thượng tá Hóa lên tỉnh xin giảm án và bảo lãnh cho Ngọ ra tù trước thời hạn bốn tháng. “Suốt quãng đời lang bạt chưa từng được ai tin tưởng và đối xử tốt như vậy nên mình vô cùng cảm kích, quyết tu chí làm ăn để không phụ lòng ân nhân” - Ngọ tâm sự. Ngày cưới vợ, anh không dám mời nhưng thật bất ngờ, ông Hóa tìm đến tận nơi để chúc mừng. “Cậu này là con liệt sĩ, vào vùng kinh tế mới sinh sống mà các anh không cho đất cát, không chỉ bảo cách làm ăn, nhỡ mai này lại kết băng đảng, phá phách thì đau đầu lắm!” - ông Hóa nói với Chủ tịch xã; đồng thời khuyên vợ chồng Ngọ mở quầy bán sách và văn hóa phẩm trước rạp chiếu phim.
Quả ngọt sau trái đắng
Hết bán văn hóa phẩm, vợ chồng Ngọ lại xoay ra nuôi bò, nuôi dê; mở quán ăn, nhận đặt tiệc cưới... Ngón nghề mổ dê và chế biến món ăn của Ngọ nổi tiếng khắp vùng nên thu hút rất đông thực khách, nhờ vậy mỗi năm anh lãi tiền tỷ. Tuy nhiên, nghề này quá vất vả, dễ va chạm, sợ rằng có lúc máu giang hồ trỗi dậy nên anh giải nghệ, dồn tiền mua 12ha đất ở vùng sâu Lâm Hà để mở trang trại. Khu vực này tuy hẻo lánh nhưng đất tốt, lại nằm ven hồ thủy lợi rộng hàng chục héc ta.
Khi quả chanh dây vừa xuất hiện ở Lâm Hà, chỉ có vài người trồng, anh đã mạnh dạn đầu tư tới 5ha và đã thu lợi gần tỷ đồng. Nắm bắt thông tin Lâm Hà là một trong những địa phương hiếm hoi của Việt Nam có điều kiện khí hậu, đất đai và đặc biệt là độ cao thích hợp (trên 1.000m) để trồng arabica - chủng cà phê cao cấp có hương vị thơm ngon và đắt giá bậc nhất thế giới, anh trồng cả chục héc ta. Lợi nhuận từ những vụ cà phê, chanh dây… được mùa được giá giúp anh mua thêm nhiều thửa đất lân cận, mở rộng diện tích trang trại lên tới 32ha.
Cà phê trĩu quả
Qua tìm hiểu được biết cây mắc ca là nữ hoàng của các loại quả khô, năm 2009, anh bay ra Hà Nội, đến tận vườn ươm của một viện nghiên cứu để tham quan và đặt vấn đề mua cây giống. Họ trả lời đang trong quá trình thử nghiệm, chưa bán cho dân. “Được một kỹ sư mách nước, mình bay ngược về Tây Nguyên, đến một vườn ươm ở huyện K’Rông Năng (Đắk Lắk) đặt mua một lúc 70 kg hạt giống với giá 70 triệu đồng về ươm, sau đó thuê các kỹ sư mang chồi (nhập từ Úc) đến ghép”.
“Mắc ca là cây trồng mới nên giới doanh nghiệp và nông dân rất e dè. Sao anh đầu tư mạnh tay thế, không sợ sao?” - tôi hỏi. “Muốn làm giàu phải mạnh dạn đi tiên phong để chớp lấy thời cơ. Hơn nữa, các chuyên gia nông nghiệp đã khảo sát, tư vấn vùng đất này thích hợp để trồng mắc ca. Chủ một số doanh nghiệp ở Mỹ và Úc cũng đã tìm đến đề nghị hợp tác đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Họ còn nhờ mình đưa đi khảo sát khắp các tỉnh Tây Nguyên để ước tính sản lượng của mắc ca chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu, hương liệu, nước hoa. Hiện sản lượng trên toàn thế giới mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, do đó giá hạt mắc ca rất chát mà vẫn đắt khách, đầu ra vô cùng rộng mở. Mắc ca được dự báo sẽ sớm thành cây tỷ đô ở Việt Nam. Chính phủ chủ trương nhân rộng phát triển diện tích loại cây này, tập trung ở Tây Bắc và Tây Nguyên”- anh đáp chắc nịch.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà Vũ Xuân Trường nhận định đây là trang trại thuộc tốp đầu của huyện Lâm Hà cả về diện tích và doanh thu, phát triển theo hướng bền vững với mô hình mắc ca trồng xen với cà phê, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Ngoài ra, ở trang trại cây dược liệu đinh lăng và bơ ghép giống Mỹ cũng cho hiệu quả cao.