Lời tâm sự của một dân chơi hoàn lương

Lời tâm sự của một dân chơi hoàn lương
Chỉ khi bị tai nạn, suýt sống đời sống thực vật, độc giả L.V.C mới cảm nhận hết được tình yêu con vô điều kiện của cha mẹ mình.

Tình cờ tôi đọc được bài viết "Muôn kiểu xin cho bệnh nhân về nhà... để chết" trên Zing.vn Tôi cũng cảm thấy rất bức xúc vì không nghĩ rằng ngày nay còn có nhưng con người bạc tình bạc nghĩa, bất hiếu với cha mẹ như vậy. Thử hỏi những con người như vậy có còn đáng để được tồn tại trên đời này nữa hay không?

Quê hương tôi là tỉnh Bình Định nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại TP. HCM, năm nay tôi 25 tuổi. Kinh tế gia đình tôi không khá giả nhưng đủ sống. Năm 2010, khi còn là sinh viên, tôi may mắn được cha mẹ chu cấp đầy đủ để đi học nhưng tôi không biết quý trọng, sinh ra ăn chơi lêu lổng.

Trong một lần đi chơi xa, do bản tính hiếu thắng và không làm chủ được tốc độ, tôi đã tông vào cột đèn đường và bất tỉnh. Khi nhập viện tôi được bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương sọ não 8/10, tụ máu ở thái dương, dập phổi, khả năng sống rất thấp, nếu cứu được, tôi cũng chỉ là đời sống thực vật hay trở thành một người điên khùng.

Trước thông tin đó, mọi người trong gia đình đều nghĩ tôi đã hết hy vọng và phải trả giá cho sai lầm của mình, chính cha mẹ tôi là người không bao giờ từ bỏ. Nhà tuy đủ ăn nhưng không phải là dư giả, số tiền cha mẹ dành dụm hàng chục năm trời giờ vì tôi bỗng chốc tiêu tan. Họ phải đi vay mượn từ cô chú, cầu xin sự giúp đỡ của các bác sĩ để cứu mạng con trai dù tôi có sống chỉ là cái xác không hồn. Họ cũng phải chịu những lời mắng nhiếc của mọi người vì quá nuông chiều con cái, dẫn tới hoàn cảnh hôm nay.

Dù cho mọi người có trách móc hay chửi rủa, cha mẹ tôi vẫn cố hết sức để cứu mạng sống của con. Sau khi hồi phục, tôi nghe người khác kể lại, hàng đêm mẹ vẫn lên sân thượng bệnh viện để đốt nhang và niệm kinh cầu xin Quan âm cứu sống tôi. Còn ba tôi từ khi tôi nhập viện, ông thường ngồi thẫn thờ và không biết nói gì. Sau khi tỉnh dậy, tôi thấy tóc ông đã bạc đi và già hơn trước rất nhiều.

Tôi không trực tiếp chứng kiến những hình ảnh đó, nhưng nó vẫn hiện ra trong đầu tôi rõ như ban ngày. Đây là nỗi day dứt của tôi đến ngày hôm nay.

Sau khi ra viện, tôi mất gần 2 năm để hồi phục. Trong thời gian đó, cha mẹ luôn túc trực bên tôi, dành những gì tốt nhất để tôi có thể trở lại như xưa, dù chỉ là một chút. Tiền trong nhà cứ thế đội nón ra đi, đến khi tôi đứng lên tự đi được cũng là lúc gia đình tôi quay về cảnh tay trắng và nợ nần.

Cha mẹ phải bươn chải để kiếm sống và trả nợ, nhưng họ không bao giờ trách tôi một lời nào, vẫn tha thứ và yêu thương tôi như chưa có gì xảy ra. Họ đã cho tôi được sinh ra lần nữa trên đời cho dù tôi có phạm lỗi lớn đến đâu.

Đến khi đọc bài báo này, tôi mới thấm thía được câu nói dân gian "Cha mẹ nuôi con, biển trời lai láng. Con nuôi cha mẹ, kể tháng kể ngày". Thử hỏi khi sinh các bạn ra trên đời, cha mẹ các bạn có ghi nhớ lại từng ngày một đã nuôi nấng các bạn hay không, có khi nào đòi lại những số tiền, những công sức đã bỏ ra cho bạn hay không? Để đến khi họ già nua, bệnh tật, họ được các bạn trả ơn bằng những hành động như thế? Sau nay con cái của bạn sẽ suy nghĩ và đối xử với bạn thế nào khi chúng biết được cha mẹ mình từng như thế ?

Với tôi, công lao của cha mẹ còn cao hơn cả núi Thái Sơn, mênh mông hơn cả nước trong nguồn. Có lẽ cả đời này tôi cũng không trả hết được công ơn đó. Trên đời này, chỉ có cha mẹ là người yêu thương con cái vô điều kiện và gia đình luôn là nơi dang rộng vòng tay để đón mình trở về sau tất cả mọi chuyện.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG