Hoạt động rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: BCĐ 701. |
Theo kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2021-2025 do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, mục tiêu của kế hoạch là cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn. Từ đó, kế hoạch hướng tới từng bước tạo điều kiện cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống; phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn.
Cụ thể, kế hoạch này đề cập các giải pháp hỗ trợ sinh kế, tín dụng để giúp nạn nhân bom mìn sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; cung cấp, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ. Cùng đó, sẽ tăng cường năng lực trợ giúp nạn nhân bom mìn của cơ sở trợ giúp xã hội, các trung tâm công tác xã hội trên địa bàn các tỉnh thành, phố có nhiều người khuyết tật, nạn nhân bom mìn. Nâng cao năng lực và hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị các bệnh viện và trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng khu vực miền Trung và miền Bắc, để hỗ trợ điều trị cho nạn nhân bom mìn.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu 5 năm tới có 1.000 nạn nhân bom mìn và người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng, trung tâm công tác xã hội được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng và được hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn (hotline) cho nạn nhân bom mìn. Nâng cấp, duy trì và vận hành phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn...
Bộ LĐ-TB&XH cũng định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu về nạn nhân bom mìn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn.
Để đạt các mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã xác định một số giải pháp như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn; Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn trên điện thoại di động; Lồng ghép hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; Hỗ trợ triển khai mô hình sinh kế, đào tạo, tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn và gia đình họ; Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn...
Để hoàn thành được các kế hoạch, mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định hiện hành. Trong đó có đề xuất sửa đổi quy định để tăng mức hỗ trợ, mở rộng diện được hỗ trợ với nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học; các địa phương lồng ghép hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc hóa học và nạn nhân bom mìn vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm...
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (BCĐ 701), thời gian qua đã thí điểm các mô hình trợ giúp sinh kế cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại Thanh Hóa, Đà Nẵng, các Trung tâm giải độc tại một số địa phương (Thái Bình, Hà Nội). Tới nay, đã có khoảng 100 cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, hỗ trợ trên 5.860 lượt nạn nhân bom mìn.
Hiện cả nước có khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 73.000 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng các chế độ hỗ trợ hàng tháng. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người khuyết tật nói chung, các nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế.