Nghịch lý Tây Nguyên: Nơi khô khát, nơi nước chờ chỗ tưới

Thủy lợi Ia M’láh thi công thiếu đồng bộ, nước vẫn chờ đồng.
Thủy lợi Ia M’láh thi công thiếu đồng bộ, nước vẫn chờ đồng.
TP - Một nghịch lý đến đắng lòng đang xảy ra giữa Tây Nguyên đang khô khát đến cháy bỏng: Khắp nơi hồ cạn, giếng trơ, cây cháy, song thật bất ngờ có những công trình thủy lợi ngàn tỷ nơi đây đã chặn dòng từ nhiều năm lại không có ruộng đồng để tưới.

Từ năm 2005,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 2 công trình thủy lợi lớn ở Gia Lai nhằm lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt là thủy lợi Ia M’láh tưới cho 5.150 ha và thủy lợi Ia Mơ (huyện Chư Prông) tưới cho hơn 12.500 ha ở 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. 

Thủy lợi Ia M’láh chặn dòng đã 8 năm nhưng đến nay kênh mương, đồng ruộng vẫn đang khai hoang. Thủy lợi Ia Mơ cuối năm 2015 chặn dòng nhưng hàng nghìn ha rừng lòng hồ chưa khai thác, chuyển đổi; đồng ruộng chưa biết khi nào được xây dựng.

Ia M’láh nước bỏ, đồng khô

Ngày 25/5/2005, Bộ NN&PTNT khởi công xây dựng thủy lợi Ia M’láh (xã Ia M’láh-Krông Pa, Gia Lai). Hồ chứa nước Ia M’láh có dung tích 5,4 triệu m3 nước, tưới cho 5.150 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt của 36.000 người tại các xã: Ia M’láh, Đất Bằng, Chư Gu, Chư Ngọc, Phú Cần và thị trấn Phú Túc. Huyện Krông Pa nằm hai bên bờ sông Ba song ngày càng cạn kiệt, nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của cư dân hai bên sông càng trở nên cấp thiết.

Thủy lợi Ia M’láh  Bộ NN&PTNT giao Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8) làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối, 17km kênh chính, hơn 20 km kênh cấp I; Sở NN&PTNT Gia Lai làm chủ đầu tư kênh và các công trình trên kênh diện tích tưới từ 150 ha đến 20 ha. UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư các dự án kênh mương nội đồng diện tích tưới nhỏ hơn 20 ha và xây dựng đồng ruộng, tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng.

 Từ ngày 20/3/2007, suối Ia M’láh đã được chặn dòng để tạo hồ chứa nước Ia M’láh. Đến năm 2012, khi hệ thống công trình cụm đầu mối và 17km kênh chính hoàn thành thì Sở NN&PTNT mới bắt tay vào xây dựng kênh cấp II, cấp III. Đến cuối 2015, Chi cục Thủy lợi Gia Lai mới tiếp tục trình dự án xây dựng 50 km kênh nội đồng kinh phí 110 tỷ đồng để năm 2016 đầu tư.

 Hạng mục khai hoang xây dựng đồng ruộng do UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư được triển khai với tiến độ rất chậm chủ yếu do thiếu vốn, và mới bắt đầu triển khai. Đến nay, thủy lợi Ia M’láh mới chỉ tưới cho 460 ha lúa và 1.840 ha rau màu. Đây là diện tích dân tự khai hoang hoặc cánh đồng trước đây sử dụng nước trạm bơm điện.

Đại công trình thủy lợi Ia Mơ bao giờ khai hoang đồng ruộng?

Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơ được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 27/10/2005, nằm trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, lấy nước tưới cho 12.500 ha của 2 huyện Chư Prông và Ea Súp (Đắk Lắk). Đây là công trình thủy lợi lớn thứ 2 tại Tây Nguyên đến thời điểm hiện nay. 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dự án đình trệ đến năm 2011 mới được triển khai lại. Thủy lợi Ia Mơ nằm ở xã biên giới Ia Mơ, giữa vùng rừng khộp, có diện tích mặt hồ lên đến 11,13km2, dung tích nước hơn 15,3 triệu m3. Do nằm giữa vùng rừng khộp nên toàn bộ khu vực xây dựng công trình, cả đồng ruộng đều trong diện tích đất rừng.

Thủy lợi Ia Mơ được Bộ NN&PTNT xây dựng phần đập đầu mối, công trình kênh cấp I, cấp II còn kênh tưới diện tích từ 150 ha trở xuống và xây dựng đồng ruộng do địa phương làm chủ đầu tư. Gần chục năm triển khai dự án này đến nay, Ban 8, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án này đã hoàn thành bàn giao hợp phần Đập dâng Ia Lốp, hồ chứa nước Plei Pai; hoàn thành hơn 50% Cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơ. Tổng kinh phí xây dựng công trình này từ 1.263,6 tỷ đồng năm 2005 dự kiến tăng lên khoảng hơn 4.007 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt kinh phí phát sinh gần 3.000 tỷ đồng này.

Ông Trần Viết - Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 8 cho biết: Cụm công trình đầu mối hồ chứa nước thủy lợi Ia Mơ đã được bố trí cơ bản đủ vốn nhằm hoàn thành vào năm 2016 (nằm trong tổng vốn được duyệt) Bộ NN&PTNT chỉ đạo Ban 8 đến cuối năm 2015 phải tiến hành chặn dòng, tích nước vượt lũ. 

Tuy nhiên nhiều vướng mắc nảy sinh như: Lòng hồ còn 1.900 ha rừng chưa có quyết định thu hồi (đã chuyển lần 1 gần 1.000 ha) mà thẩm quyền thu hồi trên 1.000 ha rừng thuộc Quốc hội. Nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng và vệ sinh lòng hồ khu vực đánh bắt thủy sản là 30 tỷ đồng đã có trong dự án nhưng Bộ NN&PTNT chưa bố trí vốn trong năm nay. Việc trồng lại 3.000 ha rừng thay thế khu vực lòng hồ theo quy định của Chính phủ tốn khoảng 170 tỷ đồng chưa có trong dự án.

Khi được tích nước, hồ Ia Mơ sẽ nâng dần mức tưới lên 12.500 ha, trong đó có 7.341 ha lúa 2 vụ và 5.159 ha đất màu và cây công nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho 50.000 dân. Diện tích tưới cho Gia Lai gần 8.500 ha, Ea Súp, Đắk Lắk hơn 4.000 ha. Tuy nhiên, phía Gia Lai hầu hết khu vực sẽ khai hoang đồng ruộng này là rừng khộp, muốn chuyển đổi phải qua Quốc hội.

 Cho đến nay, theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai thì UBND tỉnh Gia Lai đã họp nhiều lần đề xuất Bộ NN&PTNT (đơn vị chủ đầu tư) trình Chính phủ và Quốc hội xem xét cho chuyển đổi rừng nghèo khu vực lòng hồ và khu vực khai hoang đồng ruộng, đồng thời bố trí có vốn tỉnh mới triển khai việc của mình. Tuy nhiên, cho đến hiện tại mọi việc vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Ngân sách đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để làm các hạng mục của thủy lợi Ia Mơ. Việc đầu tư công trình này là rất có ý nghĩa kinh tế, xã hội cho khu vực vùng biên giới Chư Prông và Ea Súp.

Chủ tịch UBND xã Ia Mơ ông Rơ Lan Chinh: Thuỷ lợi Ia Mơ khảo sát từ năm 1991-1992 lúc tôi còn học lớp 1, giờ tôi đã làm Chủ tịch xã rồi mà vẫn chưa hoàn thành. Hàng nghìn hộ dân xã Ia Lâu, Ia Mơ rất trông chờ công trình này.

MỚI - NÓNG