Khô khát Tây Nguyên: Hồ cạn, giếng trơ, cây cháy - Kỳ III:

Sông suối bị bức tử

Lòng sông Sêrêpôk trước và sau đập tràn thủy điện Buôn Kuôp.
Lòng sông Sêrêpôk trước và sau đập tràn thủy điện Buôn Kuôp.
TP - Cả chục vòi rồng chọc sâu vào lòng sông để hút cát trái phép; nhiều đập thủy điện chặn dòng; rừng bị tàn phá khắp nơi, liên tục, kéo dài… Đối mặt tình trạng khô hạn nghiêm trọng, Tây Nguyên phải khẩn cấp “cứu nước”.

Cát tặc hoành hành

Trong khi hạn hán đang diễn ra khốc liệt, ao hồ trơ đáy, nhiều sông suối khô cạn, hằng ngày, cả chục vòi rồng chọc sâu vào lòng sông Krông Pắk đoạn chảy qua xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk để hút cát, chặn đứng dòng chảy, làm sông khô kiệt. Mùa khô, hoạt động khai thác cát trái phép rầm rộ nhất; Dòng Krông Pắk chỉ còn vài vũng nước sâu do vòi hút cát tạo thành. 

Đột nhập bãi cát của trùm cát tặc Vụ Bổn tên Thịnh nằm cách trụ sở UBND xã chỉ vài trăm mét, chúng tôi tận thấy nhiều thuyền lớn, thuyền nhỏ đang thò vòi hút cát giữa dòng. Bãi cát lậu này hoạt động đã nhiều năm, 5 - 6 công nhân điều khiển hai máy hút cát, máy múc hoạt động suốt ngày đêm. Xe tải xếp hàng dài chờ đến lượt chuyển vòi bơm cát trực tiếp vào thùng xe, chỉ khoảng 30 phút, các máy bơm đã móc được hàng chục khối cát.

Men theo dòng sông, đến điểm khai thác cát lậu của ông Phương ở thôn Phước Quý. Đang mùa xây dựng nên cát hút đến đâu bán hết đến đó, các chủ bãi đều đầu tư máy móc, thuê thêm người để tận thu cát. Dọc sông Krông Pắk còn hàng chục cơ sở khai thác cát lậu, riêng tại xã Vụ Bổn có 6 đầu nậu khai thác cát. 

Công nhân làm việc hết công suất, mỗi ngày, các điểm khai thác cát lậu này hút khoảng vài trăm, thậm chí cả nghìn khối cát. Lòng sông sâu rỗng, họ lại san đường, kéo bè đến điểm khác. Mỗi xe cát khoảng chục khối được bán với giá 500.000 đồng, các xe cát chạy khắp huyện Krông Pắk và huyện lân cận Ea Kar, M’đrắk…Nhiều điểm sạt lở đến hàng chục mét, ăn lạm vào đất sản xuất, lòng sông trơ lại những hố sâu hoắm, người dân không thể lấy được nước tưới.

Dân thôn Phước Quý bức xúc vì đã nhiều lần kiến nghị chính quyền, nhưng tình trạng khai thác cát vẫn không được giải quyết triệt để. Ông Trần Hữu Thái, Trưởng Phòng TN&MT huyện Krông Pắk, thừa nhận, tình trạng khai thác cát trái phép tại xã Vụ Bổn diễn ra từ lâu, làm sạt lở bờ sông, hư hỏng đường sá, ảnh hưởng đời sống bà con. Đoạn sông này giáp ranh hai huyện Krông Pắk và Krông Bông. Sắp tới, Phòng sẽ phối hợp Công an môi trường huyện, thuế vụ và xã Vụ Bổn kiểm tra, xử lý những đầu nậu khai thác cát lậu. 

Tương tự, lực lượng chức năng cũng lúng túng, khó xử lý những điểm khai thác cát lậu khiến lòng sông biến đổi, xói lở trên các bến dọc sông Sêrêpôk giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Tình trạng kéo dài đã lâu, các cơ quan chức năng 2 tỉnh vẫn chưa phối hợp để giải quyết rốt ráo.                                                                                                       

Sông suối bị bức tử ảnh 1

Hồ cạn trơ đáy.

“Dòng sông ánh sáng” lụi dần

Hơn 10 năm trước, khi bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng các đập thủy điện chặn dòng, những nhà khai thác năng lượng đã ca ngợi Sêrêpôk với dòng chảy cuồn cuộn ngược về phía Tây là “dòng sông ánh sáng”. Bây giờ, Sêrêpôk đoạn chảy qua 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông với 6 con đập chặn ngang dòng, về mặt năng lượng đã cung cấp lên lưới điện quốc gia mỗi năm trên 3 tỷ KWh điện. Tuy nhiên, môi trường, sinh thái, du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đầu tháng 4, chúng tôi vào Buôn Kuôp, nơi có nhà máy thủy điện công suất 280 MW lớn thứ 2 trên Tây Nguyên (sau Ya Ly) liên tục dẫn đầu danh sách các đơn vị nộp thuế lớn nhất cho tỉnh Đắk Lắk mấy năm gần đây. Đập chặn cắt ngang dòng chính Sêrêpôk, cách điểm hợp lưu hai nhánh sông Krông Nô và Krông Ana 10 km về phía hạ lưu. Trên đập là hồ nước mênh mông. 

Dưới đập là lòng sông khô trơ trụi, lổm ngổm đá, trừ mỗi dòng nước nhỏ chảy liu riu. Xuôi về phía hạ lưu, cụm thác đẹp nổi tiếng những năm trước đông đúc tấp nập, giờ trở nên hoang tàn, vắng hẳn bóng du khách. Điểm du lịch thác Gia Long gần Buôn Kuôp nhất được cắm bảng cảnh báo giờ thủy điện xả nước. Điểm du lịch thác Bảy Nhánh vẫn cặm cụi những cô sơn nữ kéo vòi bơm nước tưới vài tán cổ thụ sắp chết khát giữa lòng sông khô.

Ông Dương Chí Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường-Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh có 19 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành với tổng công suất 886,1 MW. So với mọi năm, mùa khô năm nay, mực nước ở các hồ chứa thấp, lưu lượng nước về hồ chứa giảm khoảng 30%, sản lượng phát điện cũng giảm tương đương.

Cấp tốc chống khát

Ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, trước tình trạng khô hạn kéo dài, địa phương đã lập tiểu ban chống hạn hướng dẫn người dân cách sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiêu hợp lý cho cây trồng. Huyện cũng sử dụng một số xe chở nước cấp cho các xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng,  đồng thời cho phép đào một số ao, giếng.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Cty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk, cho biết: “Nhu cầu sử dụng của người dân trong thành phố Buôn Ma Thuột là 60.000m3/ngày đêm,  nhưng Cty chỉ cung cấp được 40.000m3/ngày đêm. Để bảo đảm việc cấp nước sinh hoạt cho người dân ở những khu vực bất lợi, Cty đã cúp nước nội thành luân phiên, dùng xe bồn chở nước đến cấp cho những cụm dân cư sống trên cao cần được “cứu nước” . Về lâu dài, Cty đang thiết kế thêm một nhà máy cấp nước, công suất dự kiến khoảng 40.000m3/ngày đêm”.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã làm tờ trình kiến nghị Trung ương hỗ trợ 66 tỷ đồng để chống hạn và chủ động triển khai các biện pháp chống hạn cho người dân. Tỉnh Gia Lai họp chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp chống hạn; giải pháp trước mắt là khuyến cáo người dân dùng nước tiết kiệm, tận dụng nguồn nước từ ao, hồ, sông, suối và nạo vét kênh mương; nơi nào không cứu được cây trồng thì bỏ, dồn nước cho vùng khác.

Ông Lê Gia Dậu, giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho biết, thời điểm này, 80 hồ đập thủy lợi trong tỉnh đã cạn khô. Đơn vị đang tích cực áp dụng các giải pháp bơm chuyển nước từ công trình thủy lợi lớn để giúp người dân cứu lúa và cà phê. Ở những trạm bơm khô, phải chặn sông lại rồi đưa vòi ra giữa dòng để lấy nước. Cứ chỗ nào có nguồn nước là chuyển nước cho dân cứu cây trồng, chỗ nào không có thì phải huy động bà con đào giếng hoặc bơm nước từ ao lên.

(Còn nữa)

Đại ngàn kêu cứu

Trong cuộc họp báo cuối tháng 3, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận, báo chí nêu rất đúng tình trạng rừng bị tàn phá khắp nơi, liên tục, kéo dài, mà nhà chức trách không ngăn chặn nổi. Khi nào có được các giải pháp đồng bộ, chế tài hữu hiệu, quyết liệt trong toàn hệ thống thì vấn đề này mới có thể được giải quyết triệt để, thỏa đáng.

“Độ che phủ rừng của tỉnh Đắk Lắk năm 2002 là 52%, hiện chỉ còn 38,7%. Kế hoạch trồng mới rừng là 650 ha, tháng 7 bắt đầu tiến hành trồng nhưng hiện không có vốn. Muốn hạn chế thiệt hại do hạn hán khi trồng các cây công nghiệp lâu năm, việc trồng cây che bóng là rất quan trọng, giúp thâm canh bền vững, đỡ hạn hán”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, nói.

Gia Lai hiện có 21/72 dự án thủy điện đã được tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng, thay thế diện tích rừng lòng hồ bị chiếm dụng, trên 525 ha, kinh phí hơn 37 tỷ đồng. “Năm 2015, UBND tỉnh Gia Lai triển khai kế hoạch trồng mới hơn 1.000 ha rừng nhằm tăng độ che phủ”, ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Gia Lai, cho biết.  

MỚI - NÓNG