Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong mới đây, lãnh đạo phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm 2012, phường có khoảng 33.000 người. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay, dân số phường này đã tăng gấp 3 lần (gần 100.000 người).
"Dân số tăng nhanh chóng mặt kéo theo hàng loạt hệ lụy mà phường Hoàng Liệt gặp phải như ùn tắc nghiêm trọng các nút giao thông ra vào bán đảo Linh Đàm, thiếu trường lớp cho trẻ đến trường", vị này nói.
Một ô đất quy hoạch làm trường học ở bán đảo Linh Đàm trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện bỏ hoang. Ảnh: Đ.T |
Theo vị này, nguyên nhân là do chỉ trong thời gian ngắn, các chung cư cao tầng mọc lên như nấm trên địa bàn. Hiện, theo thống kê, phường có 85 toà chung cư, tập trung chủ yếu ở bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Pháp Vân. Điển hình như 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân.
“Dân số 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm gần bằng 2 phường bình thường của thành phố Hà Nội, trong khi hạ tầng không thay đổi dẫn đến mọi thứ đều quá tải”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt nói.
Với 85 tòa chung cư trên địa bàn, tổng dân số trên địa bàn phường Hoàng Liệt khoảng trên dưới 100.000 người, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non, nên sức ép về trường lớp trên địa bàn rất lớn.
“Nghịch lý nằm ở chỗ, chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán kiếm tiền. Còn 12 lô đất quy hoạch trường học quây tôn nhiều năm qua, để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên, nằm ngay cạnh khu chung cư HH, là một khu đất rộng hàng nghìn mét vuông được quây tôn, tận dụng làm bãi đỗ xe ô tô. Lãnh đạo phường cho biết, theo quy hoạch, lô đất này được quy hoạch làm trường học.
“Chung cư đã được xây kín các lô đất đã quy hoạch nhưng trường lớp không được chủ đầu tư xây dựng”, đại diện phường Hoàng Liệt nói.
Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non của người dân, quận Hoàng Mai đã đầu tư xây dựng mới 2 cơ sở cho Trường Mầm non Hoàng Liệt tại các khu dân cư Tứ Kỳ, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi học của các gia đình đang sinh sống trên địa bàn.
Vừa qua quận Hoàng Mai đã có kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mầm non và trường tiểu học và trung học. Trong đó, quận Hoàng Mai đề nghị Tổng công ty HUD bàn giao 7 lô đất để quận tự đầu tư trường công lập.
“Dân số tăng nhanh, trong khi trường lớp không được chủ đầu tư quan tâm mới dẫn đến việc bốc thăm cho các cháu vào mẫu giáo. Nếu không xây thêm trường, thì chỉ trong vài năm tới, lại tới lượt phụ huynh bốc thăm giành suất cho con vào cấp một”, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt lo ngại.
Tính đến tháng 5/2022, quận Hoàng Mai có 90 trường học, tăng 39 trường so với năm 2003, trong đó 58 trường công lập, 32 trường ngoài công lập. Số học sinh toàn quận là gần 96.800 học sinh. Chỉ tính riêng trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục được xây mới, đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS) với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng.
Ngày 27 và 28/8, hàng trăm phụ huynh đã tham dự buổi bốc thăm để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 hồ sơ so với dự kiến. Nhà trường dự kiến sẽ tuyển hết số học sinh này để đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học.
Còn đối với trẻ 3-4 tuổi, nhà trường chỉ có thể tuyển thêm 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký. Như vậy, có gần 400 hồ sơ vượt chỉ tiêu. Do vậy, Trường Mầm non Hoàng Liệt phải tổ chức bốc thăm chọn các cháu may mắn được vào trường.
Theo ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác. "Chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên và cuối cùng cũng chỉ còn phương án bốc thăm bởi địa bàn phường chỉ có một trường mầm non công lập”, ông Thái chia sẻ.