Nghi vấn bảo kê vụ phá rừng: Kiểm lâm giải trình, công an vào cuộc

Gỗ tang vật được tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm Dốc Kiền (Đông Giang). Ảnh: CTV
Gỗ tang vật được tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm Dốc Kiền (Đông Giang). Ảnh: CTV
TP - Trước thông tin từ một số ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cho rằng, vụ phá rừng nghiêm trọng ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có sự tiếp tay của cán bộ quản lý rừng và kiểm lâm của Đà Nẵng, ngày 22/10, Đà Nẵng yêu cầu hai lực lượng này kiểm điểm, giải trình, thống nhất hướng giải quyết, chỉ đạo Công an thành phố vào cuộc.

Ngành chức năng Đà Nẵng đã triệu tập 3 cán bộ quản lý rừng (thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) và 2 cán bộ kiểm lâm (thuộc Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa) để yêu cầu giải trình.

Trước đó, ngày 21/10, UBND tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đông Giang liên quan việc chồng lấn địa giới hành chính vùng giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) và tình trạng phá rừng ở khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền Đông Giang khẳng định có sự tiếp tay của cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) đặt trên đất Quảng Nam.

Theo một lãnh đạo BQL, các cán bộ chủ yếu giải trình thông tin về nghi ngờ của ngành chức năng Quảng Nam, cho rằng BQL đã tiếp tay, móc nối và bảo kê cho lâm tặc phá rừng.

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho hay, vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã thống nhất hướng giải quyết, chỉ đạo Công an thành phố vào cuộc.

“Cần phải xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng, đánh giá đúng mức độ, tính chất vụ việc. Điều tra rõ đúng người, đúng tội rồi mới khởi tố vụ án”, ông Lương nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cho hay Sở đang chỉ đạo hai ngành kiểm lâm và BQL rừng tung tất cả lực lượng vào cuộc, xác minh vụ việc.

“Trong ngày 22/10, BQL và kiểm lâm cũng đã gọi các cán bộ lên làm báo cáo giải trình đúng với trình tự. Chúng tôi kiên quyết làm tới cùng, không có chuyện bao che. Sẽ điều tra kỹ, xử đúng người đúng tội, nặng đến đâu xử đến đó. Việc điều tra sẽ tùy thuộc vào phía công an. Nếu tính chất và mức độ nặng, phải xử lý hình sự”, ông Phương nói.

Trạm quản lý rừng tỉnh này nằm trên đất tỉnh kia

Số gỗ tang vật liên quan vụ phá rừng tại rừng phòng hộ sông Vàng và rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã được cơ quan chức năng vận chuyển về nơi tạm giữ, làm cơ sở điều tra, xử lý. Trong số 45,268 m3 gỗ các loại (chủ yếu là kiền kiền, gõ), phía Đà Nẵng đang tạm giữ 24,446 m3, huyện Đông Giang tạm giữ 20,822 m3. 

Tại buổi làm việc ngày 21/10 của UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, cho rằng, trạm Cà Nhông đã không làm tốt chức năng bảo vệ rừng, có sự tiếp tay cho lâm tặc vào phá rừng đặc dụng. “Vụ việc cất giấu trái phép hàng chục mét khối gỗ vừa phát hiện cho thấy có hẳn một bộ phận cán bộ trạm Cà Nhông tham gia vào đường dây bảo kê cho lâm tặc phá rừng”, ông Bằng nói.

Theo UBND huyện Đông Giang, với số lượng gỗ lớn như thế, lâm tặc khó có thể vào khai thác và tập kết dễ dàng như vậy; lực lượng kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng tại trạm Cà Nhông không thể không biết vì điểm tập kết chỉ cách trạm mấy trăm mét. Địa điểm phát hiện 66 phách gỗ ngày 6/10 nằm gần trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, chỉ cách trạm khoảng 15 phút đi bộ. 

Huyện đã kiến nghị di dời trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông của Đà Nẵng ra khỏi xã Tư, huyện Đông Giang từ lâu. Nhưng phía trạm viện dẫn nhiều lý do để tiếp tục ở lại. Theo ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, việc chậm di dời trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông dẫn đến việc lâm tặc tiếp tục khai thác gỗ và vận chuyển số gỗ đang được cất giấu trong rừng thuộc lâm phận của trạm này quản lý.

Trong khi đó, đối phó các đợt truy quét của chính quyền huyện Đông Giang, các nhóm lâm tặc, vàng tặc hoặc mang phương tiện sang cất giấu tại lâm phận quản lý của rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, hoặc tập kết xung quanh trạm Cà Nhông.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh sẽ làm việc với các ngành chức năng Đà Nẵng để cắm mốc thực địa, có phương án thu hồi một số diện tích rừng bị xâm lấn. Đồng thời sẽ kiên quyết yêu cầu di dời trạm Cà Nhông ra khỏi địa bàn Quảng Nam.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.