Người thợ trẻ giỏi toàn quốc 2014:

Nghị lực và sáng tạo đổi thay cuộc sống

Nguyễn Tấn Nhật (thứ 2, từ trái sang), trong buổi tập huấn cho cán bộ công nhân viên Cty.
Nguyễn Tấn Nhật (thứ 2, từ trái sang), trong buổi tập huấn cho cán bộ công nhân viên Cty.
TP - Nỗ lực vượt qua những thách thức của cuộc sống, liên tục có nhiều sáng kiến làm lợi cho Cty, khát khao làm giàu, khẳng định bản thân, đó là những điểm nổi bật của 72 “Người thợ trẻ giỏi” được tuyên dương năm 2014.

Vượt lên bi kịch “đời thừa”

Trong số 72 gương mặt “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2014, có lẽ Nguyễn Văn Dũng, SN 1989, thợ vẽ tranh cát (Cty TNHH tranh cát Phi Long, Bình Thuận) là người đặc biệt nhất. Dũng bị cụt hai chân, phải di chuyển bằng chân giả khập khễnh nhưng gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan. Ít ai biết trước đấy, Dũng đã từng bị rơi vào bi kịch “đời thừa” trong 6 năm ròng rã. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2004, Dũng làm công nhân cho một Cty cầu đường. Đi làm được 6 tháng, một vụ tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân của Dũng.

Từ một thanh niên khỏe mạnh thành người tàn phế ngồi xe lăn, Dũng bị sốc, rơi vào trạng thái hoảng loạn. Trong 6 năm ròng, Dũng tự nhốt mình trong nhà, bất mãn không nói chuyện với ai. Dũng kể: “Suốt cả quãng thời gian đó mình dằn vặt bản thân rất nhiều. Bố mẹ ngày càng già đi, mình còn trẻ mà sống cuộc sống thật vô dụng, “phải đi làm thôi”. Dũng nhờ bố mẹ đi xin việc cho mình nhưng bố mẹ thương con tật nguyền đi làm sẽ khổ nên cản, không cho đi. Quyết tâm đi làm, Dũng nhờ người anh họ chở đến Sở LĐ TBXH tỉnh Bình Thuận xin việc. Dũng được giới thiệu vào làm tại Cty TNHH tranh cát Phi Long vào giữa năm 2010. Dũng nỗ lực miệt mài học ngày đêm để khẳng định bản thân.

Chương trình tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2014 được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/5 tại Bắc Ninh. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi: Hoạt động an sinh xã hội, thăm làng trẻ mồ côi, khuyết tật; Tham quan các khu công nghiệp, làng nghề truyền thống; Giao lưu thắp sáng ước mơ người thợ trẻ giỏi”…

Hơn một năm, từ kiến thức làm tranh cát là con số không, Dũng trở thành thợ vẽ tranh cát số một của Cty. Dũng tỷ mẩn và tinh tế, có thể làm được những bức tranh đòi hỏi kỹ thuật cao, tinh xảo nhất. Giờ cậu được Giám đốc Cty tin tưởng giao nhiệm vụ giám sát và giảng dạy cho những nhân viên mới. Không chỉ làm tốt công việc ở Cty, Dũng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Cậu là người tiên phong trong tất cả mọi hoạt động xã hội, văn hóa văn nghệ của Cty. Năm 2009, 2011, Dũng đoạt Huy chương vàng môn xe lăn cự ly 500m và 1.000m trong cuộc thi văn nghệ thể thao của tỉnh Bình Thuận.

Những sáng kiến tiền tỷ

Phận nữ nhi, lại làm việc trong ban kỹ thuật của Tổng Cty Cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) nhưng Võ Thị Thanh Hà, sinh năm 1983 không chịu kém cạnh đấng mày râu. Không chỉ xông xáo làm tất cả mọi việc nặng nhọc được giao, Hà còn được xem là cây sáng kiến của Tổng Cty, khi liên tục cho ra đời các sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng tỷ đồng. Hiện Hà có 8 sáng kiến được vận dụng vào quá trình sản xuất, trong đó riêng năm 2013, Hà có 4 sáng kiến được đánh giá cao.

Nghị lực và sáng tạo đổi thay cuộc sống ảnh 1

Võ Thị Thanh Hà (thứ 2, từ phải sang) đang hướng dẫn các bạn trẻ tham quan nhà máy bia

Sáng kiến “Chế tạo đường ống nhập/cấp men thu hồi”, giúp tiết kiệm chi phí cho Cty gần 1,3 tỷ đồng. “Trước đây, men đều được lấy trực tiếp nên dễ bị lẫn tạp chất, ảnh hưởng đến chất lượng bia, lại không đảm bảo an toàn. Điều đó khiến tôi trăn trở rất nhiều. Khi trình bày ý tưởng này, tôi được lãnh đạo ủng hộ nhiệt tình. Tôi bắt tay vào làm miệt mài và hoàn thành trong vòng một tháng”, Hà chia sẻ. Sản phẩm không chỉ giúp cho chất lượng bia được đảm bảo an toàn mà còn tiết kiệm được thời gian, cũng như công sức lao động.

Năm 2013, Hà cùng nhóm nghiên cứu của Cty thực hiện sáng kiến: “Ứng dụng chế phẩm Termamyl SC vào trước và trong quá trình đun sôi để giảm chỉ số Iodine của dịch nha và bia thành phẩm”. Đây là một sản phẩm cao cấp, sáng kiến này đã giúp cho sản lượng sản xuất bia của Cty liên tục tăng trưởng, làm lợi cho Cty trong năm 2013 gần 100 tỷ đồng.

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn Nhật, sinh năm 1985 nhanh chóng được nhận vào làm cho một Cty nước ngoài với mức lương hấp dẫn. Nhưng hơn một năm sau, cậu xin vào làm cho Cty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi). Từ đó, Nhật liên tục có nhiều nghiên cứu, sáng kiến độc đáo cho Cty. Trong đó đáng chú ý nhất là sáng kiến “Xây dựng và áp dụng chương trình SAO” nhằm tổ chức đào tạo cho cán bộ công nhân viên trong Cty nhận diện các mối nguy hiểm trong quá trình sản xuất lao động.

Trước đây, Cty có phòng an toàn lao động nhưng lực lượng mỏng không thể kiểm soát hết hàng nghìn nhân viên trong một lúc. “Nhưng với chương trình SAO, mỗi nhân viên đều trở thành một cán bộ an toàn lao động. Họ được đào tạo các kỹ năng để thay đổi và nhận diện các hành vi không an toàn của mình cũng như của người bên cạnh và tự nhắc nhở nhau tránh những điều bất trắc có thể xảy ra. Chúng tôi phát cho mỗi nhân viên một thẻ SAO, họ tự động ghi vào đó những phát hiện của mình. Từ đó chúng tôi có cơ sở nghiên cứu, tìm ra giải pháp khắc phục”, Nhật chia sẻ.

Hiện, Nhật lập ra SAO điện tử, mỗi nhân viên được cấp một tài khoản để tự động cập nhật thông tin. Nhờ đó, lượng nhân viên tham gia ngày càng đông và nhanh nhạy, mỗi tháng Nhật nhận được khoảng 3.000 thẻ SAO đóng góp ý kiến của cán bộ công nhân viên. “Áp dụng chương trình SAO, hơn một năm nay, Cty chưa xảy ra một trường hợp tai nạn nào, kể cả sơ cấp cứu. Sáng kiến đã làm lợi cho Cty 30.000 USD”, Nhật cho biết.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.