"Những đối tượng xin nghỉ vừa qua hầu hết không được quy hoạch cho nhiệm kỳ tới do không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tái cử theo quyết định của T.Ư, không có gì bất thường. Hơn nữa, có không nghỉ thì cũng khó bố trí công việc, trong khi nghỉ sớm có thể được hưởng chế độ cao hơn”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương cho biết.
Khó sắp xếp công việc
Vừa qua có tình trạng nhiều lãnh đạo các quận, huyện ở Hà Nội và một số địa phương khác tình nguyện xin được nghỉ hưu sớm. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi được biết vừa qua Trung ương đã ra một hướng dẫn về việc giải quyết cho nghỉ sớm đối với những trường hợp không còn đủ tuổi tái cử. Họ xin nghỉ vì biết không thể tái cử chứ không có gì mới lạ cả. Bên cạnh đó, việc xin nghỉ sớm sẽ được hưởng chế độ tốt hơn. Trong khi nếu ở lại cũng rất khó sắp xếp công việc. Chẳng lẽ họ đang làm lãnh đạo, giờ lại xuống làm chuyên viên?
Người nghỉ hưu sớm được hưởng chế độ tốt hơn, cụ thể ở đây là gì, thưa ông?
Khi xin nghỉ sớm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ tùy theo mức lương của từng người, thường dao động từ vài chục đến khoảng trăm triệu đồng, cũng có thể nhiều hơn. Điều này đã được quy định trong một nghị định của Chính phủ.
Đưa số dư để tăng tính dân chủ
Cũng liên quan đến nhân sự, có thông tin cho rằng, ở đâu đó vẫn còn biểu hiện vận động không bầu cho cán bộ luân chuyển. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
“Khi đưa người luân chuyển xuống có thể không có được sự đồng thuận, đồng tình với việc người đó về làm chức danh cao nhất. Đó là chưa kể ở cấp huyện, hay cấp cơ sở nào đó người ta rất “đoàn kết”, đi vận động không bầu, không theo sự chỉ đạo của cấp trên cũng có thể bị trượt”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
Tôi cho rằng, công tác tổ chức cán bộ phải làm rất cẩn thận, kỹ càng. Khi đưa luân chuyển người xuống, có thể không có được sự đồng thuận, đồng tình với việc người đó về làm chức danh cao nhất. Đó là chưa kể ở cấp huyện, hay cấp cơ sở nào đó người ta rất “đoàn kết”, đi vận động không bầu, không theo sự chỉ đạo của cấp trên cũng có thể bị trượt.
Theo tôi được biết, ở một tỉnh miền núi phía Bắc, một ông chánh thanh tra được đưa về huyện, nhưng khi bầu làm bí thư huyện thì ông ấy bị trượt, trong khi vị trí chánh thanh tra kia đã có người đảm nhiệm rồi. Không được bầu, đương nhiên ông ấy không thể làm bí thư huyện được thì bây giờ làm vị trí nào, trong khi tuổi lại còn rất nhiều? Điều đó cho thấy công tác tổ chức cán bộ ở đâu đó còn làm chưa kỹ.
Bên cạnh đó, khi đại hội cấp cơ sở một số nơi cũng xảy ra tình trạng tỷ lệ người ứng cử hay đề cử rất ít. Theo ông điều này nói lên thực trạng gì?
Ở đây có chuyện mức độ dân chủ còn hạn chế, khi thấy cấp trên quy hoạch, đưa người này về, đưa người kia lên, thấy đã có sự sắp xếp rồi nên người ta không ứng cử, cũng chẳng đề cử làm gì nữa. Vì thế, cần phải tăng cường dân chủ bằng việc có số dư, có phương án dự trù trong công tác tổ chức cán bộ. Trong trường hợp đồng chí này không được thì lựa chọn đồng chí khác. Nếu đồng chí ấy trong quy hoạch rồi, nhưng không đạt được sự tín nhiệm cần thiết thì người ta không bầu, lúc đó phải xử lý ra sao? Do vậy công tác tổ chức cán bộ phải làm hết sức chu đáo.
Cảm ơn ông!