Nghe tin Nga động binh, 'ác mộng' ùa về với người dân thị trấn biên giới Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Gần như mọi ngôi nhà ở Marinka đều có dấu hiệu tàn phá bởi chiến tranh. Ảnh: The Guardian
Gần như mọi ngôi nhà ở Marinka đều có dấu hiệu tàn phá bởi chiến tranh. Ảnh: The Guardian
TPO - Cụ bà Vera Basova đứng bên hiên nhà, cầm tờ báo địa phương với dòng tiêu đề lớn ở trang nhất về việc Nga đang đưa xe tăng tới biên giới phía đông Ukraine. “Họ muốn gì ở chúng ta? Tại sao họ lại kéo những chiếc xe tăng đó đến đây?”, bà Basova hỏi hàng xóm.

Ám ảnh bom rơi đạn lạc

Cụ bà 90 tuổi lo lắng về việc lại phải xuống hầm ẩn náu để tránh pháo kích trong cuộc đối đầu giữa lực lượng Ukraine và phe ly khai ở khu vực phía Đông Donbass.

Cuộc xung đột vừa bước sang năm thứ tám, và đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.

Theo NATO, một lượng lớn binh sĩ Nga đã tiến sát biên giới phía Đông Ukraine. Đây là lần tập trung lực lượng đông đảo nhất của Nga ở biên giới kể từ sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Bà Basova sống ở Marinka, một thị trấn nhỏ do chính phủ kiểm soát, cách Donetsk - thành trì của lực lượng ly khai - chỉ 23km về phía Tây Nam, và cách biên giới Nga khoảng 80km.

Nơi đây, gần như mọi ngôi nhà đều có dấu hiệu tàn phá bởi chiến tranh. Những đứa trẻ ở Marinka chơi đùa bên ngoài, lắng nghe tiếng chim hót xen lẫn tiếng súng ở đằng xa. Thỉnh thoảng lại có một binh sĩ Ukraine mang súng bước xuống phố.

Nghe tin Nga động binh, 'ác mộng' ùa về với người dân thị trấn biên giới Ukraine ảnh 1

Cụ bà Vera Basova. Ảnh: The Guardian

Trước khi xung đột xảy ra, hàng ngày đều có không ít cư dân Marinka đến Donetsk để làm việc và mua sắm. Tuy nhiên, các trận chiến giành quyền kiểm soát Marinka đã diễn ra vào năm 2014 và 2015. Đã có các cuộc pháo kích trực tiếp vào trung tâm thị trấn và gây thương vong nặng nề cho cả người dân lẫn lực lượng quân đội.

Bà Basova nhớ lại việc phải chạy trốn khỏi "quả cầu lửa trên bầu trời" và tạm thời mất thính giác sau khi bị chấn động.

Khi chiến tuyến “hạ nhiệt” và cuộc chiến chuyển thành một cuộc xung đột âm ỉ, Marinka đã trở thành một trong những điểm trao đổi giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy của khu vực Donetsk. Đến mùa xuân năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến các trạm kiểm soát phải đóng cửa. Nhiều gia đình sống ở các phía khác nhau của cái gọi là "đường dây liên lạc" đã bị chia cắt.

Bà Basova bắt đầu khóc khi nói về con gái của mình, người sống ở Donetsk. Hai mẹ con bà đã không được gặp nhau suốt một năm.

Svitlana Derkach, người hàng xóm 50 tuổi của Basova, cũng có những cảm xúc tương tự. Bà vẫn chưa được gặp đứa cháu trai mới sinh của mình ở Donetsk, dù đã tự tay làm cho cháu một con gấu bông.

“Chúng tôi đã quen với chiến tranh, nhưng sau đó, COVID-19 lại giáng một đòn nặng nề xuống chúng tôi”, bà Derkach nói.

Bà hồi tưởng hình ảnh những quả đạn rơi xuống sân nhà vào năm 2016 và 2017. Một quả đã giết chết con mèo của Derkach, và quả khác làm vỡ cửa sổ.

Nghe tin Nga động binh, 'ác mộng' ùa về với người dân thị trấn biên giới Ukraine ảnh 2

Bà Svitlana Derkach. Ảnh: The Guardian

Vùng đất bị lãng quên

Sau cuộc trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào thứ Sáu, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp.

Cả NATO, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đều đã đảm bảo với Ukraine về sự ủng hộ "vững chắc" đối với "sự toàn vẹn lãnh thổ".

Nhưng giống như hầu hết người dân ở Marinka, Derkach không mấy tin tưởng rằng phương Tây sẽ giúp Ukraine nếu Nga tấn công.

Ở tuyến đầu của cuộc xung đột, Marinka dường như đã bị phần lớn Ukraine lãng quên.

Khi chiến sự bắt đầu căng thẳng từ năm 2014, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở Marinka đã bị cắt và vẫn chưa được khôi phục. Hầu hết các cơ sở kinh doanh của thị trấn đã bị phá hủy do giao tranh hoặc ngừng hoạt động buôn bán.

Nhiều cánh đồng đã bị trúng mìn nên không còn có thể tiếp tục canh tác. Nước uống phải mua vì nước ở vòi và giếng đều bị ô nhiễm.

Người dân địa phương hiện chủ yếu dựa vào nông sản thu hoạch từ vườn của chính họ, mặc dù quân đội khuyên họ nên làm việc ngoài trời trước buổi trưa, vì trong khoảng thời gian này ít có nguy cơ bị trúng đạn lạc.

Marinka từng có dân số khoảng 10.000 người, nhưng gần một nửa số cư dân đã ra đi.

Mục sư Roman Riazantsev, 38 tuổi, cho biết nhiều giáo dân của ông đang lo lắng. Cửa sổ của họ đang rung lên vì bị pháo kích và họ cần chuẩn bị lại các hầm trú bom.

“Mọi người đã quen với cuộc sống yên tĩnh. Nỗi sợ hãi mà họ từng trải qua đã biến mất, nhưng giờ nó đang quay trở lại.”

Bà Basova đã sống sót sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải chịu đựng một cuộc chiến khác vào cuối cuộc đời mình. Khi nghe thấy tiếng súng hoặc pháo kích, Basova sẽ đọc sách cầu nguyện để trấn tĩnh.

“Họ muốn gì ở chúng tôi? Họ có cần tiền không? ” Basova nói. "Tôi sẵn sàng trao cho họ toàn bộ tiền trợ cấp của tôi nếu việc ấy có thể làm ngừng tiếng súng."

Theo The Guardian
MỚI - NÓNG
Giá vàng, cổ phiếu thế giới chao đảo
Giá vàng, cổ phiếu thế giới chao đảo
TPO - Giá vàng và cổ phiếu chao đảo giữa lúc đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chịu áp lực lớn. Hiện, giới đầu tư tập trung vào cuộc họp của Fed ngày 18/9, chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2020.