Sáng 29 – 11, tại Hà Nội, hàng trăm nhà quản lý, kinh tế, truyền thông... tới dự hội thảo “Cạnh tranh và Chiến lược công ty ngày nay”, do trường doanh nhân Pace tổ chức, để nghe “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh thuyết trình.
Hết thời bắt chước
Một số doanh nghiệp cùng kinh doanh trong một lĩnh vực, khi cố bắt chước chiến lược của nhau, sẽ làm giảm sự lựa chọn của khách hàng. Điều đó khiến lợi nhuận của công ty này thu được đồng nghĩa với thua lỗ của công ty khác. Vì thế, kiểu cạnh tranh đối đầu sẽ làm xói mòn khả năng sinh lời của ngành.
“Đó là một cái bẫy” – Giáo sư Porter khẳng định.
Trả lời câu hỏi về lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam trước những “người khổng lồ”, Giáo sư Porter cho rằng, lợi thế của Việt Nam không nên coi là giá rẻ, chi phí thấp, và bắt chước không phải hướng đi tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra những phân khúc trị trường có lợi thế cạnh tranh... |
Theo nhà kinh tế nổi tiếng này, các công ty cần chuyển sang xu hướng cạnh tranh, dựa vào việc tạo ra những giá trị mới của riêng mình. Nhờ đó, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, nên các công ty sẽ cùng phát triển.
Để làm được điều đó, theo Giáo sư Porter, doanh nghiệp cần biết lựa chọn những điều làm và không làm. Không nhất thiết phải bao quát toàn bộ, mà có thể, tập trung vào những phân khúc thị trường nhất định – Giáo sư của Đại học Harvard phân tích.
Ông lấy ví dụ về công ty sản xuất xe tải Paccar ở Mỹ, đã không làm tất cả các loại ô tô, mà chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng nhất định, với chất lượng cao, nên đạt lợi nhuận lớn.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bài học này không chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cung cấp lời khuyên bổ ích cho những nhà quản lý đất nước, vì họ cần phải sáng tạo chiến lược cạnh tranh, chứ không phải địa phương này bắt chước địa phương khác.
Cần chia sẻ với xã hội
Lúc đầu, các doanh nghiệp nghĩ rằng, cách tốt nhất phát triển là làm tốt việc sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình đó gắn liền với môi trường sống, sức khỏe, hạnh phúc của người dân... Do vậy, giờ đây, một chiến lược cạnh tranh tốt của doanh nghiệp phải gắn với sự chia sẻ với xã hội.
Để minh họa, giáo sư Porter lấy ví dụ về một số công ty sản xuất thực phẩm. Lúc đầu, họ chỉ tập trung tạo ra đồ ăn nhiều đường, chất béo... để mọi người mua hàng nhiều hơn. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp này hiểu ra rằng, cách tốt nhất là tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, và những công ty thành công nhất hiện nay đang đi theo hướng như vậy.
Hay như một công ty cà phê, thủa ban đầu, chỉ muốn mua nguyên liệu của nông dân với giá thấp nhất có thể. Nhưng sau này, họ hiểu ra, nếu nông dân không có vốn đầu tư sản xuất, thì họ cũng không có nguồn “đầu vào” phong phú, chất lượng. Chiến lược kinh doanh đã thay đổi thành: thu mua nhanh hơn, giá cao hơn...
Như vậy, khi sản phẩm của các công ty tạo ra giá trị cho xã hội thì đồng thời, họ cũng đạt được giá trị về kinh tế.
Đôi nét về Giáo sư Porter
Giáo sư Michael Porter, Đại học Harvard (Mỹ), được xem là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, bộ óc quản trị có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Những tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho sự hình thành của khoa học chiến lược cạnh tranh và được giảng dạy rộng rãi ở hầu hết các trường đại học về kinh tế và kinh doanh trên thế giới. Những tác phẩm kinh điển của ông gồm: “Chiến lược công ty”, “Lợi thế cạnh tranh”, “Lợi thế cạnh tranh quốc gia”... Ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý như, giải Kinh tế học của Đại học Harvard, giải thưởng của Hiệp hội các nhà phân tích tài chính, giải thưởng của Học viện Quản trị Quốc tế... Một số câu nói về chiến lược của Giáo sư Michel Porter - “Điều cốt lõi nhất của chiến lược là quyết định cái gì không nên làm”. - “Không có khái niệm “tốt nhất”. Cố gắng cạnh tranh với đối thủ trên cùng một phương diện nào đó chỉ khiến khách hàng rối thêm mà thôi. Thay vào đó, bạn cần cạnh tranh để trở nên độc đáo. Điểm cốt yếu của chiến lược chính là tìm ra lợi thế cạnh tranh độc đáo của bạn là gì”. - “Nếu bạn đang cố gắng làm giống như đối thủ thì khả năng không thành công là rất cao”. |