Ngày phán quyết

TP - Hôm nay, 12/7, Tòa án thường trực quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế. Chỉ cần nhìn vào các hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây có thể dự đoán rằng, một phán quyết đúng với luật pháp quốc tế sẽ bất lợi cho Trung Quốc.

Vì thế, càng sát ngày tòa ra phán quyết, Trung Quốc càng nỗ lực về ngoại giao và quân sự.

Về ngoại giao, lãnh đạo và quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây chạy ngược chạy xuôi sang châu Âu, châu Phi, kể cả Mỹ, để lôi kéo, mua chuộc, tranh thủ sự ủng hộ. Họ cũng dùng cả những biện pháp không ngoại giao lắm, như tung tin về cuốn sách cổ của ngư dân, nhưng sau đó phải rút lại; tuyên bố có 50-60 nước ủng hộ quan điểm của họ về tranh chấp trên biển Đông, nhưng thực tế nhiều nước đã lên tiếng bác bỏ.

Về quân sự, Trung Quốc dường như tự trấn an mình bằng cách đe dọa các nước trong khu vực, sử dụng vũ lực đối với tàu cá Việt Nam, tổ chức tập trận trên biển Đông sát ngày tòa ra phán quyết. Những hành động đó thể hiện sự bối rối, cay cú, bực tức, răn đe, hăm dọa của Trung Quốc, cho chúng ta thấy chính bản thân Trung Quốc cũng hiểu rằng, phán quyết chắc chắn sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế và do đó bất lợi cho họ, nên họ mới hành xử như vậy.

Bản thân vấn đề biển Đông đã rất phức tạp vì có một siêu cường vô trách nhiệm trong quan hệ quốc tế đang muốn sắp xếp lại trật tự thế giới, muốn thay đổi lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Mong muốn đó không được thể hiện bằng quyền lực mềm mà bằng cơ bắp, bằng vũ lực, bằng sự dối trá, bằng ngoại giao trịch thượng và ngạo mạn, khiến tình hình trở nên phức tạp. Họ cũng dùng đồng tiền để lôi kéo một vài nước trong ASEAN để ủng hộ họ.

Hơn nữa, khu vực biển Đông đóng vai trò địa chính trị rất quan trọng đối với các cường quốc và nền thương mại quốc tế. Nay có một kẻ chuyên quấy rối, muốn biến biển Đông thành ao nhà của mình thì chắc chắn gây phản ứng của nhiều quốc gia, kể cả những nước có vẻ tương đối ôn hòa như Ấn Độ cũng không thể chấp nhận.

Một vấn đề vốn đã phức tạp nay lại có phán quyết của tòa thì tình hình phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của Trung Quốc. Còn đối với cộng đồng quốc tế, phán quyết của tòa sẽ tốt hơn vì giúp rạch ròi luật chơi quốc tế, khẳng định thêm một lần nữa trên thực tế rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là nền tảng pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới.

 Vì thế, những nước nào còn mơ hồ, còn bị tác động bởi những lời lẽ tuyên truyền, gây hỏa mù từ Trung Quốc sẽ ngộ ra sau phán quyết của tòa. Dư luận, công luận quốc tế, nhân dân châu Phi, châu Âu… sẽ hiểu rõ hơn ai đúng, ai sai, khiến áp lực lên Trung Quốc càng tăng lên.

Tình hình trên biển Đông sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có chấp nhận luật chơi hay không. Chủ thể gây phức tạp trên biển Đông không phải phán quyết của Tòa trọng tài, không phải Philippines hay Mỹ, càng không phải Việt Nam. 

Từ trước đến nay, Mỹ chưa có hành vi xâm chiếm, cấm cản nào trên biển Đông, mà họ chỉ hành xử theo quy định của luật pháp quốc tế, đó là tự do hàng hải, tự do hàng không và giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. 

Thái độ và cách hành xử như vậy của Mỹ rất có trách nhiệm với khu vực, tất nhiên trong đó kèm theo lợi ích địa chính trị của họ. Trung Quốc cũng vì lợi ích địa chính trị của họ, nhưng họ không thể vì lợi ích của mình mà bác bỏ mọi trật tự pháp lý quốc tế. Nếu Mỹ có hành vi như Trung Quốc, chắc chắn Mỹ cũng sẽ bị lên án.

Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao

MỚI - NÓNG