Ngày ấy, ở Tòa soạn...

Ngày ấy, ở Tòa soạn...
TP - “Số báo Tiền Phong có bài thơ Mùa xuân nhớ bác" vừa phát hành, toà soạn như sôi lên trong một không khí nóng bỏng. Chuông điện thoại réo liên tục, thư bạn đọc tới tấp gửi về..."
Ngày ấy, ở Tòa soạn... ảnh 1
Nhà báo Lê Văn Ba đang lật giở những tư liệu được lưu giữ suốt 20 năm  ảnh: P.H

Nhà báo Lê Văn Ba - Nguyên trưởng ban Biên tập báo Tiền Phong, người 20 năm về trước đi xác minh tác giả bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” nhớ lại.

...Từ trường Đại học Tổng hợp trở về,  tôi phấn khởi lắm, bắt tay ngay vào biên tập bài thơ Mùa xuân nhớ Bác (MXNB). Chúng tôi quyết định bỏ bớt 5 câu. Quyết định này được bàn bạc, cân nhắc và tiến hành ngay tại phòng họp của toà soạn với sự  có mặt cuả tác giả, chị Khải và sự chứng kiến, đồng tình của anh Lưu Văn Lợi, thư ký đồng chí Lê Đức Thọ.

Số báo Tiền Phong có bài thơ MXNB vừa phát hành, toà soạn như sôi lên trong một không khí nóng bỏng. Chuông điện thoại réo liên tục, thư bạn đọc tới tấp gửi về, nhiều người trực tiếp đến gặp phóng viên hỏi thêm các chi tiết về bài báo, về tác giả bài thơ.

Đoàn thanh niên Nhà máy dệt 8-3 viết bài thơ bằng chữ to trên bảng đen đặt ngay cổng ra vào. Có cơ sở định tổ chức hội thảo, mời tác giả, phóng viên xuống dự, phát biểu ý kiến.

Trước hết dư luận muốn biết Phạm Thị Xuân Khải là ai mà dũng cảm và có thể viết được những câu thơ “ ghê gớm” như vậy. Tin đồn chẳng có Phạm Thị Xuân Khải nào đâu, thơ của cụ Thọ đấy( tên thật của đồng chí Lê Đức Thọ  là Phan Đình Khải ).

Ban biên tập phải làm công văn gửi văn phòng anh Sáu Thọ xin được thông tin một bài ngắn về tác giả bài thơ, kèm ảnh chân dung. Tin, bài đều gửi anh Sáu duyệt, đồng ý rồi mới được phép đăng. Những tư liệu gốc này hiện tôi còn giữ, cả bản viết tay, bản đánh máy lưu có số công văn, dấu đỏ, chữ ký của Tổng biên tập.

Cẩn thận như thế, vì cùng với luồng dư luận đông đảo quần chúng hoan nghênh thì luồng dư luận thứ hai, từ  trên dội xuống, từ một số tỉnh ủy dội về khá quyết liệt.

Thành đoàn Hà Nội chỉ thị đoàn thanh niên Nhà máy dệt 8-3 xóa ngay bài thơ viết trên bản đen. Một thông báo ngăn không cho các nơi tổ chức hội thảo.

Ban biên tập báo Tiền Phong đã làm báo cáo lên Trung ương Đoàn, Ban tuyên huấn Trung ương là sẽ không đăng một thư nào của bạn đọc hoan nghênh, hưởng ứng bài thơ này.

Chúng tôi cũng làm một báo cáo phân tích rất tỷ mỷ, trong 116 bài, thư bạn đọc đầu tiên gửi về toà soạn thì bao nhiêu người thành phần công nhân, bao nhiêu người là bộ đội, học sinh sinh viên...Bao nhiêu thư khen, hưởng ứng, bao nhiêu thư không tán thành, phản đối, buộc tội  tác giả  là phản động, báo Tiền Phong kích động...

Trong một buổi sáng, Ban tuyên huấn TƯ 2 lần cử người xuống yêu cầu Tiền Phong cung cấp 5 câu thơ đã cắt bỏ không đăng báo. Để bảo vệ tác giả, cả  hai lần tôi đều từ chối. Còn nhớ lúc tiễn khách ra cổng tòa soạn, nhìn theo hút chiếc ô tô vôn-ga đen phóng vụt đi, tôi thấy lạnh cả người.

Người trực tiếp, công khai phê phán bài thơ MXNB tại một buổi nói chuyện ở câu lạc bộ Thăng Long là đồng chí Trưởng ban tuyên huấn Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ.

Báo Tiền Phong đã mời đồng chí đến toà soạn trao đổi ý kiến và tại buổi hôm đó, đồng chí nói thẳng thắn: Hà Nội có quan điểm của Hà Nội. Như cuốn phim Hà Nội trong mắt ai, ở đâu chiếu cứ chiếu, nhưng Hà Nội thì không cho phép.

Những ý kiến khác nhau về bài thơ chắc chắn đã đến tai đồng chí Thọ. Chúng tôi nhiều lần được lên số 6 Nguyễn Cảnh Chân làm việc với đồng chí. Đặc biệt, ngày 30 tháng 3,  đồng chí Lê Đức Thọ đã dành hẳn một buổi sáng tiếp đồng chí Tổng biên tập và tôi, có đồng chí thư ký (Lưu Văn Lợi) dự, ghi chép.

Đồng chí Thọ đã động viên chúng tôi bình tĩnh. Đồng chí nêu kinh nghiệm bản thân đồng chí khi viết bài thơ Điểm tựa nói rõ cuộc sống của bộ đội thiếu thốn “bát canh toàn quốc”, “nước mắm đại dương”... cũng đã có người cho rằng “ lộ bí mật, kẻ địch sẽ lợi dụng...”.

Đồng chí nói: để thêm một thời gian nữa, nếu có gì không tốt thì rút kinh nghiệm. Bài thơ tốt thì tờ báo có công! Bài ghi lại buổi nói chuyện hôm đó tôi đang lưu giữ cẩn thận.

Nhắc lại bài thơ Điểm tựa để thấy cái  mới lúc đó. Nhiều người đã gửi thư hoan nghênh bài thơ. Và cũng có ý kiến “Ông Sáu nói, viết được, thằng khác viết là chết!”. Đồng chí Lê Đức Thọ còn làm tiếp 3 bài thơ nữa, nhiều ý rất mạnh.

Đến bài thơ Lẽ sống đăng trên báo Nhân Dân số Tết năm Bính Dần 1986 càng được nhiều ý kiến hoan nghênh, như nhà thơ Hồ Thiện Ngôn đã có bài hưởng ứng. Và chị Phạm Thị Xuân Khải cũng bật lên tiếng lòng, viết bài thơ MXNB.

Chính đồng chí Lê Đức Thọ muốn công khai dũng khí của một người con gái cho tuổi trẻ cả nước cùng biết. Khi cho người chuyển bài thơ xuống TƯ Đoàn, đồng chí Lê Đức Thọ cũng dặn đi tìm gặp tác giả.

Đăng bài thơ hoặc xử lý như thế nào, đồng chí tôn trọng quyền của ban biên tập báo (bài thơ còn được chuyển thêm cho một tờ báo nữa). Nếu bài thơ MXNB là một “ quả bom” thì cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong chính là những người dũng cảm châm ngòi.

Bài thơ in ra, bạn đọc tranh nhau mua báo,  tới tấp gửi thư hoan nghênh. Một không khí sôi động, hừng hực, tràn đầy hy vọng ở Đại hội Đảng lần thứ VI mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, đưa nước nhà ra khỏi khủng hoảng.

Và nhiều người đã trực tiếp tìm gặp tác giả bài thơ ở ký túc xá trường Đại học Tổng hợp. Tôi dùng từ nhiều vì lúc ấy đến đây cũng ngại lắm chứ! Chị Khải được căn dặn cẩn thận trong lúc tiếp khách, không đi dự các cuộc hội thảo thơ, cho dù giấy mời chỉ là đến Cung văn hóa Việt Xô nghe nói truyện về Kiều nhân kỷ niệm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Cô Hà, sinh viên  ở cùng phòng với chị Khải đã nhiều đêm khóc, nói nghẹn ngào: Em lo cho chị lắm, ngoài quán nước người ta đồn sẽ đuổi học, sẽ bắt giam chị…

Hôm nay, tôi ngồi đọc lại thư của Nguyễn Phạm Thiên Thu email từ Đức về cho mẹ Khải “ ...Nếu như những người bạn khác của má thì má cũng đã có một cuộc sống thoải mái rồi, chứ đâu phải  ngược xuôi chạy vạy như bây giờ nữa. Má có thấy buồn không?

Tụi con thật là hạnh phúc khi có ba má bên cạnh. ...Nhiều khi con tự hỏi nếu con ở vị trí má thì có làm được như má không? Con không biết bao giờ mới có được bản lĩnh như má”.

Tháng 3/2006
Lê Văn Ba

MỚI - NÓNG