Ngân hàng thu phí giao dịch để làm gì?

Việc các ngân hàng thu phí hiện nay không phải là kinh doanh để sinh lợi, mà để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Ngân hàng thu phí giao dịch để làm gì? ảnh 1

Ảnh minh họa.

Theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi phí của các ngân hàng trong việc luân chuyển, kiểm đếm, quản lý tiền mặt là vô cùng tốn kém. Vì thế, việc thu phí dịch vụ là nhằm giảm áp lực và bù đắp một phần chi phí rất nhỏ để các ngân hàng vận hành việc lưu thông tiền mặt. 

Bà Vân cho biết, việc thu phí ở Việt Nam đang rất thấp so với khu vực và thế giới

“Các nước trên thế giới đều thu phí, nhưng theo nhiều cách khác nhau. Cách thứ nhất là thu phí quản lý tài khoản 1 lần, mọi giao dịch trên tài khoản đó đều miễn phí, nhưng loại phí này rất cao. Cách thứ hai là thu phí theo từng giao dịch và Việt Nam đang thiên theo hướng này”, bà Vân nói.

Chung quan điểm trên, bà Đào Bích Diệp, Phó Giám đốc Ban Phát triển Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Hiện nay các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước đang phải gánh chịu chi phí lớn cho nền kinh tế tiền mặt liên quan đến việc kiểm đếm, lưu thông, xuất nhập tiền ra vào…”. Vì lý do trên, các ngân hàng đều mong muốn triển khai nhanh, có hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

  

Bà Diệp kể có những trường hợp cuối giờ chiều, một khách hàng mang đến khoảng 20-30 tỷ đồng, toàn bộ nhân viên phòng giao dịch tham gia kiểm đếm số tiền đó và kết sổ đến chi nhánh để nộp tiền về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất tốn kém chi phí. Thậm chí, không ít khách hàng coi các ngân hàng là nơi “giữ hộ” tiền cho mình. 

Cũng vì sự tốn kém này mà các ngân hàng đều không khuyến khích việc các chi nhánh để tồn tiền mặt tại đơn vị và họ đang áp dụng phí dịch vụ nội bộ đối với các chi nhánh.

Cũng theo bà Diệp, nhiều người sẵn sàng trả 3.000đ đến 5.000đ gửi xe đạp, xe máy trong khi đi chợ, mua bán nhưng lại không sẵn sàng trả 1.000đ – 2.000đ tiền phí đối với dịch vụ mà các ngân hàng đã phải đầu tư cả hệ thống khổng lồ, công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Bà Dư Thị Lệ Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tiết lộ, Vụ Thanh toán NHNN và đại diện các ngân hàng thương mại từng ngồi với nhau để tính toán xem nếu muốn hòa vốn thì các ngân hàng phải thu phí bao nhiêu, và con số được tính ra là khoảng 7.000đ – 7.500đ/giao dịch mới có thể bù đắp một phần. 

“Vậy nhưng trên thực tế, sau khi Thông tư 35 cho phép thu phí nội mạng ATM, Agribank mới thu ở mức thấp nhất là 1.000đ/giao dịch. Theo lộ trình của Thông tư 35, ở năm thứ hai, các ngân hàng thu mức 2.200đ/giao dịch, nhưng chưa ngân hàng nào tăng”, bà Thủy cho biết.

Bà Thủy mong khách hàng hiểu rằng việc các ngân hàng thu phí hiện nay không phải là kinh doanh để sinh lợi, mà để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Khẳng định rằng sau khi triển khai thu phí, chất lượng dịch vụ ngân hàng đã “lột xác”, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Hồng Vân đánh giá các ngân hàng đều đã chuyên nghiệp hóa, vệ sinh sạch sẽ các cây ATM, biến mỗi cây ATM thành một trung tâm giao dịch tự động của ngân hàng. Ngoài ra, khi triển khai thu phí, các ngân hàng đã nâng cao tiện ích tại các 'cây' ATM và chuyện hết tiền ở các ATM rất ít xảy ra. 

Hiện nay, hệ thống AMT của các ngân hàng đã phủ rộng, từ thành thị đến nông thôn, các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa. Lượng giao dịch thanh toán qua POS đều tăng lên. Công tác xử lý tra soát, khiếu nại cũng được rút ngắn cho người dân.

Làm một phép so sánh về dịch vụ ngân hàng hiện nay với 5 – 10 năm trước đây, Phó Giám đốc Ban Phát triển Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Đào Bích Diệp nhận xét: “Khách hàng giao dịch lớn như mua bán nhà, giao dịch giữa các thành phố với nhau rất thuận tiện, vượt trội. Họ cũng có thể sử dụng hệ thống thanh toán qua internet nhanh gọn và an toàn”.

Để nâng cao tính bảo mật trong giao dịch, các ngân hàng đang tích cực lắp đặt thêm hạ tầng an toàn, hệ thống an ninh, bảo trì bảo dưỡng máy móc, tiến hành quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, xây dựng các chương trình như thông báo lỗi thiết bị, lỗi tồn quỹ thấp... Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đặt những quầy giao dịch trực tiếp tại các khu công nghiệp nhằm giảm thiểu áp lực nhu cầu rút tiền của khách hàng.

Ông Phạm Văn Khoa - Giám đốc Trung tâm Thẻ, NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, hiện nay các ngân hàng thương mại đều đã và đang thu phí giao dịch qua tài khoản ở những mức khác nhau, dưới dạng phí kiểm đếm hoặc nộp - rút tiền. 

Tuy nhiên, nếu để các ngân hàng thương mại tự ra những quy định về phí thì có thể không thống nhất, có thể sẽ có ngân hàng đưa ra mức phí quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Cũng vì vậy, vấn đề đặt ra là các mức phí này cần được kiểm soát, quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Trước thực tế đó, NHNN đang dự thảo Thông tư về Quy định mức trần thu phí dịch vụ tiền mặt nhằm thay thế Thông tư 01/2007/TT-NHNN, theo đó, các tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt không được quá 0,03% tổng giá trị và mức phí rút tiền không được vượt quá 0,05% tổng giá trị. Trong dự thảo này, NHNN cũng chỉ rõ, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai biểu phí theo khung mà NHNN đã định và thực hiện theo lộ trình mà NHNN đề ra.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, quyền lợi của các khách hàng đang được bảo vệ, bởi ngân hàng nào cũng muốn đưa ra mức phí cạnh tranh nhất nếu như không muốn đánh mất khách hàng của mình vào tay các ngân hàng khác. 

“Đa số các nước trên thế giới trước đây cũng trải qua thời kỳ quá độ như mình, họ cũng đánh phí rất nặng đối với những giao dịch tiền mặt để mọi người chuyển hành vi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán qua tài khoản”, chuyên gia này tiết lộ.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.