Nga – Trung tập trận chung dồn dập, Mỹ lo ngay ngáy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tuần trước, Nga triển khai chương trình tập trận chung quy mô lớn nhằm thể hiện sức mạnh với Mỹ. Giới quan sát cho rằng thông qua hoạt động này, Mátxcơva cho thấy họ đang sát cánh với ai.
Nga – Trung tập trận chung dồn dập, Mỹ lo ngay ngáy ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh ngày 16/5. (Ảnh: Sputnik)

Trong bài phát biểu bằng video tại lễ khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết 15 quốc gia hữu nghị sẽ quan sát chương trình tập trận có sự tham gia của 90.000 binh lính và rất nhiều tàu chiến các loại - quy mô lớn nhất trong 30 năm qua.

Tuy nhiên, chỉ có Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga.

“Chúng tôi đang chú trọng tăng cường hợp tác với các quốc gia hữu nghị. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị gia tăng trên thế giới”, Tổng thống Putin nói.

Cuộc tập trận “Ocean-2024” diễn ra trong 7 ngày, kết thúc hôm 16/9, là hoạt động mới nhất trong hàng loạt cuộc tập trận và tuần tra chung giữa Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh lãnh đạo hai nước khẳng định mong muốn thắt chặt hợp tác quân sự.

Trung Quốc cử nhiều tàu chiến và 15 máy bay chiến đấu đến vùng biển ngoài khơi vùng Viễn Đông của Nga để tham gia "Ocean-2024", quân đội Nga cho biết. Bên cạnh đó, quân đội Nga và Trung Quốc trong tháng này tập trận chung trên vùng biển gần Nhật Bản và tiến hành cuộc tuần tra chung trên biển lần thứ 5 ở Bắc Thái Bình Dương.

Mùa hè năm nay, Nga và Trung Quốc cùng tập trận trên vùng biển gần Alaska, nơi lực lượng Mỹ và Canada lần đầu tiên chặn các máy bay ném bom Nga và Trung Quốc, và ở Biển Đông, nơi căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền vẫn dai dẳng.

Washington chứng kiến những hoạt động phối hợp đó với sự lo lắng ngày càng lớn, trong khi cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga bằng máy móc và thiết bị vi điện tử, nhưng Trung Quốc bác bỏ.

Các cuộc tập trận quân sự gần đây giữa Nga và Trung Quốc nằm trong nỗ lực tăng cường phối hợp quân sự giữa hai nước trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, vào thời điểm gia tăng căng thẳng toàn cầu, nhất là cuộc xung đột ở Ukraine và tranh chấp Biển Đông, các chuyên gia cho rằng những hoạt động như vậy cho thấy Mátxcơva và Bắc Kinh ngày càng coi nhau là đối tác chủ chốt để thể hiện sức mạnh.

Các cuộc tập trận chung cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu hai cường quốc hạt nhân có phối hợp với nhau trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai hay không.

Nga – Trung tập trận chung dồn dập, Mỹ lo ngay ngáy ảnh 2

Các thủy thủ Nga tham dự lễ khai mạc cuộc tập trận chung trên Biển Đông vào tháng 7. (Ảnh: AP)

Phản ứng phối hợp

Quan hệ giữa hai nước láng giềng khổng lồ chưa bao giờ đơn giản.

Hai bên từng là kẻ thù trong cuộc xung đột biên giới năm 1969, nhưng sau đó trao đổi vũ khí tích cực suốt nhiều thập kỷ.

Trong giai đoạn từ năm 2014-2023, quân đội hai nước tổ chức ít nhất 4 và nhiều nhất 10 cuộc tập trận hoặc tuần tra chung, bao gồm tập trận đa phương với các quốc gia khác, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay hai bên đã tổ chức 11 hoạt động như vậy, với mức độ huy động lực lượng và hoạt động ngày càng phức tạp, diễn ra cả ở những khu vực xa xôi của thế giới.

Tháng 7 vừa qua, cả máy bay Trung Quốc và Nga bị chặn gần bang Alaska của Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu của CSIS, đây là hoạt động tuần tra chung trên không đầu tiên của 2 nước ở Bắc Thái Bình Dương.

Theo ông Carl Schuster, một đô đốc Mỹ nghỉ hưu và là cựu chỉ huy chiến dịch của Trung tâm Tình báo phối hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cả Nga và Trung Quốc đều muốn cho Mỹ và các đồng minh thấy rằng “hai quân đội đang ngày càng phối hợp tốt, và bất kỳ thách thức nào cũng có thể vấp phải phản ứng phối hợp”.

“Họ muốn gửi thông điệp rằng chúng tôi có thể làm điều tương tự như các ông, hoạt động ở sân sau của các ông giống như các ông đã làm với chúng tôi”, ông Schuster nói với CNN.

Theo các nhà quan sát, việc tổ chức tập trận và tuần tra chung cũng tạo cơ hội để hai bên học hỏi nhau. Nga có kinh nghiệm chiến trường dày dạn, còn Trung Quốc ngày càng sở hữu công nghệ quân sự hiện đại, vì thế hai bên có nhiều điều để học hỏi nhau.

Mối quan hệ ngày càng thân thiết đó khiến Washington lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột quân sự đồng thời với cả Mátxcơva và Bắc Kinh, hoặc thậm chí có cả những đối tác khác như Iran. Mỹ cũng lo Nga sẽ hỗ trợ Trung Quốc nếu xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở châu Á – Thái Bình Dương.

Theo CNN
MỚI - NÓNG