Nga tăng cường vũ khí hạt nhân nhằm đối phó NATO

Nga tăng cường vũ khí hạt nhân đối phó NATO. Ảnh: RT
Nga tăng cường vũ khí hạt nhân đối phó NATO. Ảnh: RT
TPO - Cải thiện khả năng răn đe của vũ khí hạt nhân là nền tảng giúp Nga đứng vững trước các mối đe dọa từ đối phương.

Hãng RIA Novosti ngày 11/2 dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga, ông Yevgeny Serebrennikov cho biết, Nga sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng nói chung, vũ khí hạt nhân nói riêng nhằm đối phó với sự gia tăng chiến lược răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuyên bố của ông Yevgeny Serebrennikov đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 10/2 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên NATO trong cuộc họp ở Brussels (Bỉ) đã thống nhất tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu.

Theo Tổng thư ký Stoltenberg, NATO cũng sẽ tiếp tục xây dựng tiềm lực quân sự tại Biển Đen.

“Nga sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia, cải thiện khả năng răn đe của vũ khí hạt nhân. Nga không cho phép kẻ thù thực hiện đầy đủ kế hoạch nhằm đe dọa và hủy diệt nước Nga”, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh.

Theo ông Yevgeny Serebrennikov, “với bất cứ ý định hay bước đi nào của NATO đều nhằm mục đích kiềm chế Liên bang Nga, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và quân sự cũng như sự hợp tác với các nước châu Á và Mỹ Latinh”.

Ông Yevgeny Serebrennikov khẳng định, Nga sẽ không cho phép “mình bị lôi kéo vào cuộc đua này”.

Phát biểu trước báo giới hôm 10/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, liên minh quân sự này đã thông qua kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại các nước thành viên ở sườn phía Đông của NATO, vốn đang lo ngại trước một nước Nga ngày càng quyết liệt.

Theo nguồn tin ngoại giao từ NATO, dự kiến lực lượng trên sẽ gồm khoảng 3.000 - 6.000 binh sĩ. Những binh sĩ này sẽ được luân chuyển liên tục giữa 3 nước Baltic - gồm Litva, Latvia, Estonia - cùng với Ba Lan, Romania và Bulgaria.

Theo Theo RIA Novosti
MỚI - NÓNG