Nga sử dụng tên lửa S-300 thực hiện các cuộc tấn công mặt đất

TPO - Quân đội Nga gần đây đã sửa đổi tên lửa S-300, được dùng để tấn công các mục tiêu trên không, sang vai trò tấn công mặt đất.

Trong diễn biến mới nhất về cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, ông Oleh Syniehubov, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv, hôm 3/1 cho biết, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không S-300 nhằm vào thành phố Kharkiv. Đáng chú ý, S-300 vốn được thiết kế cho các nhiệm vụ phòng không, tuy nhiên, trong hoạt động tấn công này, tên lửa S-300 đã được Nga chuyển đổi để tấn công các mục tiêu trên bộ.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện thông tin Nga sửa đổi tên lửa S-300 để tấn công mục tiêu quân sự Ukraine. Trước đó, vào tháng 7/2022, các quan chức Ukraine ghi nhận việc Nga điều chỉnh những tên lửa này để tấn công mặt đất.

Nga sử dụng tên lửa S-300 thực hiện các cuộc tấn công mặt đất ảnh 1

Theo trang tin quân sự Army Recognition, các sửa đổi tên lửa S-300 được cho là bao gồm việc tích hợp định vị GPS, cho phép tên lửa nhắm mục tiêu chính xác hơn. Với một số sửa đổi nhất định, S-300 có thể tấn công hiệu quả cơ sở hạ tầng quan trọng trên mặt đất như trạm radar, căn cứ quân sự... ở khoảng cách lên tới 120 km khi phóng theo quỹ đạo đạn đạo.

Để sử dụng S-300 cho các cuộc tấn công mặt đất, hai sửa đổi chính phải được thực hiện. Đầu tiên, các thuật toán phần mềm và radar của hệ thống phòng không S-300 phải được thiết lập lại để phát hiện và theo dõi những mối đe dọa trên mặt đất thay vì các mục tiêu trên không.

Thứ hai, để đạt hiệu quả khi phá hủy các mục tiêu mặt đất, tên lửa phải được trang bị các loại đầu đạn khác nhau, chẳng hạn như đầu đạn nổ phân mảnh hoặc đầu đạn xuyên giáp. Ngoài ra, việc điều chỉnh hệ thống dẫn đường của tên lửa cũng rất cần thiết để cải thiện quỹ đạo và độ chính xác cho các mục tiêu trên bộ.

Các nhà phân tích quân sự cũng chỉ ra rằng, việc Nga sử dụng các tên lửa đất đối không S-300 cho các cuộc tấn công trên bộ ở Ukraine không đơn thuần chỉ là việc thay đổi chiến thuật quân sự, điều này ít nhiều cũng liên quan đến kho dự trữ tên lửa của Nga đang ngày càng cạn kiệt.

Cuộc xung đột kéo dài và tỷ lệ sử dụng tên lửa cao có thể dẫn đến sự cạn kiệt kho tên lửa đất đối đất của Nga. Trong bối cảnh này, việc Nga sửa đổi tên lửa đất đối không để tấn công mặt đất có thể được coi là giải pháp khắc phục những hạn chế này.

Theo Army Recognition
MỚI - NÓNG