Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Nga ngày 15/3 ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào 13 quan chức cấp cao và chính trị gia của Mỹ, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Tony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns, và Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki.
Danh sách cũng bao gồm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và con trai của ông Biden là Hunter Biden.
Theo thông báo từ Điện Kremlin, đợt trừng phạt này là biện pháp đáp trả sau khi Washington đưa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga vào danh sách đen.
Những người có mặt trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga. Tuy nhiên, tuyên bố của Điện Kremlin nhấn mạnh Mátxcơva sẽ không loại trừ việc tiếp xúc với các quan chức Mỹ “nếu họ tôn trọng lợi ích quốc gia của Nga”.
Sẽ có thêm nhiều nhân vật khác được đưa vào danh sách “trong tương lai gần”, tuyên bố ghi rõ. “Các quan chức hàng đầu của Mỹ, quan chức quân đội, nghị sĩ, doanh nhân, chuyên gia, nhân vật truyền thông… nếu theo đuổi chủ nghĩa bài Nga hoặc góp phần kích động hận thù với Nga” cũng sẽ bị trừng phạt.
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt lên 11 quan chức cấp cao của lực lượng vũ trang Nga và tổ hợp quân sự-công nghiệp của nước này nhằm đáp trả việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Tass, các cá nhân bị trừng phạt bao gồm người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga - Viktor Zolotov, người đứng đầu cơ quan Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự - Dmitry Shugayev, Giám đốc Điều hành Rosoboronexport - Alexander Mikheyev, và 8 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga.
Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, ngay sau khi công nhận nền độc lập của các nước cộng hoà Donetsk và Lugansk ở Donbass. Mục tiêu của chiến dịch là phi quân sự hoá, phi phát xít hoá Ukraine, chứ không phải chiếm đóng lãnh thổ quốc gia láng giềng, Nga khẳng định.