Tổng thư ký Nội các Nhật Matsuno Hirokazu. (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, 11 thành viên của Duma (Hạ viện) Nga, 5 người thân của ông chủ ngân hàng Yuri Kovalchuk, cùng với tỷ phú Viktor Vekselberg sẽ bị trừng phạt.
Quyết định này nâng tổng số cá nhân người Nga bị Nhật phong toả tài sản vì khủng hoảng ở Ukraine lên 61, Bộ Tài chính Nhật cho biết.
Tổng thư ký Nội các Hirokazu Matsuno hôm nay khẳng định Tokyo sẽ hành động tương xứng với các nước khác trong G7 về vấn đề trừng phạt Nga.
Chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine dẫn đến một sự thay đổi đáng chú ý của Nhật đối với nhóm đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật mà Mátxcơva kiểm soát từ những ngày tàn của Thế chiến 2.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida gần đây đã quay lại với nguyên tắc cơ bản từ lâu về nhóm đảo mà Tokyo gọi là Lãnh thổ phương bắc, từ bỏ ngôn ngữ mềm dẻo hơn mà chính phủ của ông Shinzo Abe đã sử dụng để thúc đẩy đối thoại giải quyết tranh chấp với Nga.
Khi triển vọng đạt được thoả thuận hoà bình hậu chiến tranh trở nên khó khả thi vào giai đoạn này, chính phủ của Thủ tướng Kishida quay lại với cách gọi nhóm đảo là “lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản” đang nằm dưới sự “chiếm đóng trái phép” của Nga. Nhóm đảo này nằm ở đuôi phía nam của quần đảo Kuril.
Chính phủ Nhật sử dụng cụm từ “lãnh thổ cố hữu” trong nhiều năm, cho đến năm 2018, khi chính phủ của ông Abe bắt đầu gọi chúng là “các đảo mà Nhật Bản có chủ quyền” và nói rằng việc chiếm đóng của Nga “không có cơ sở pháp lý” thay vì “trái phép”.
Liên Xô chiếm đóng nhóm đảo này từ năm 1945 sau khi từ bỏ hiệp ước trung lập với Nhật. Mátxcơva cho rằng việc chiếm đóng là kết quả hợp pháp sau chiến tranh, và họ đã đề nghị bàn giao 2 trong số các đảo ở đó để thể hiện thiện chí.