Nếu lạm thu sẽ làm méo mó hình ảnh người thầy

Lấy học sinh làm trung tâm, vì học sinh trong ngày khai giảng chứ không phải vì khách VIP
Lấy học sinh làm trung tâm, vì học sinh trong ngày khai giảng chứ không phải vì khách VIP
TP - “Tình trạng lạm thu rất phức tạp, để lại hậu quả rất lớn, làm méo mó hình ảnh ngôi trường đó, người thầy đó. Chính vì vậy, cần quan tâm xử lý, nhất là vào mỗi dịp đầu năm học. Ðặc biệt, cần cấm việc thu để bồi dưỡng, tặng quà, rồi chi cho đoàn này đoàn kia”, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội chia sẻ với PV Tiền Phong.

Cấm thu thêm để bồi dưỡng, tặng quà

Xưa nay ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ý nghĩa, chẳng hạn như “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhưng giữa khẩu hiệu và thực tế dường như vẫn còn một khoảng cách xa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đặt câu hỏi: “Tất cả vì học sinh” mà sao lại để các em “đội nắng” trong lễ khai giảng? Phải chăng, ngành Giáo dục cần đổi mới trong chính ngày khai giảng sắp tới?    

Ngày khai giảng thực chất là ngày đầu tiên học sinh đến trường, nên có ý nghĩa rất lớn đối với các em, đặc biệt với trẻ lần đầu đến trường. Chính vì vậy, mục đích và ý nghĩa của ngày khai giảng là làm cho các em có được niềm vui, khí thế và tiếp tục mong muốn đến trường. Chính vì vậy, phải tổ chức làm sao phù hợp với lứa tuổi, điều kiện văn hóa của từng nơi. Phải coi học sinh là trung tâm, vì học sinh chứ không phải vì khách mời VIP, cũng không phải vì lễ lớn hoành tráng với hàng trăm đại biểu mới là thành công.

Việc tổ chức lễ khai giảng cũng đừng dập khuôn, máy móc, tất cả các địa phương trên cả nước đừng tổ chức giống nhau. Việc học sinh phải “đội nắng” khai giảng cũng là một thứ dập khuôn, hình thức thôi. Nếu có sự linh động, hạn chế giới thiệu đại biểu quan khách đến dự thì sẽ không còn xảy ra tình trạng đó. Rồi chương trình buổi lễ cũng cần trang trí cho phù hợp. Như việc thả bóng bay, vừa qua một em học sinh đã có ý kiến, Bộ TN&MT cũng đã lên tiếng vì có ảnh hưởng đến môi trường. Theo tôi, trong ngày khai giảng năm học mới này, ngành Giáo dục cần quán triệt luôn, không thả bóng bay trong ngày khai giảng.

Hay như chỗ ngồi, trước đây giáo viên thường ngồi trung tâm ở trên, giờ coi các em là trung tâm, thậm chí có thể bố trí giáo viên ngồi chung với học sinh luôn. Còn văn nghệ, làm thế nào để có sự tham gia của chính thầy cô giáo, như vậy sẽ rất ấn tượng. Chúng ta đã từng xem clip thầy giáo nhảy Hip hop cùng với học trò, rất hấp dẫn và ấn tượng đấy chứ? Đặc biệt, trong nghi thức chào cờ, từ năm nay có thể hát trực tiếp thay vì mở nhạc như trước đây. Hay bài phát biểu của ông hiệu trưởng phải rất ấn tượng, tâm huyết, thể hiện trách nhiệm nêu gương của người thầy, như một sự cam kết trước nhà trường và các em, chứ đừng sáo rỗng, nặng về thành tích.

Nếu lạm thu sẽ làm méo mó hình ảnh người thầy ảnh 1 Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng

Một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh luôn được nhắc đến vào mỗi dịp năm học mới là tình trạng lạm thu. Theo ông cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng lạm thu này?

Lạm thu vào đầu năm học mới đã diễn ra trong một thời gian dài. Tình trạng lạm thu rất phức tạp và để lại hậu quả rất lớn, làm méo mó hình ảnh của ngôi trường đó, của người thầy đó. Đây là một tiêu cực rất lớn trong môi trường giáo dục, càng không phù hợp với môi trường giáo dục. Chính vì vậy, cần quan tâm xử lý, đặc biệt vào mỗi dịp đầu năm học, lúc nào cũng xảy ra. Đổi mới giáo dục mà không quan tâm đến vấn đề này thì khó mà đạt được mục tiêu. Không thể bỏ qua lộ trình khắc phục lạm thu. Phải nhận thức như vậy và có sự quyết tâm, không vì nó mà ảnh hưởng đến nền giáo dục.

Còn muốn tránh được lạm thu trong thực tế, trước hết nhà nước phải hoàn thành trách nhiệm với giáo dục. Vào năm học mới, người ta thường hô hào thu tiền để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, còn xây đến đâu, xây thế nào thì không biết. Nhưng thực tế, về cơ sở vật chất, nhà nước phải đảm bảo tối thiểu cho nhà trường. Ngân sách nhà nước hoàn toàn có thể làm được, cái chính là quản lý ra sao, chứ không phải vì ngân sách yếu.

Mặt khác, nhu cầu cơ sở vật chất hiện nay cũng không lớn lắm, đa phần có sẵn rồi. Nếu quản lý xã hội tốt, quản lý ngân sách nhà nước tốt, tôi nghĩ nhà nước sẽ làm được. Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng khẳng định thêm điều này, trách nhiệm của nhà nước đến đâu, xã hội hóa đến đâu. Nên nhà nước cần phải rà soát lại, ngành Giáo dục đi tiên phong, Bộ Tài chình, KH&ĐT, chính quyền địa phương phải xử lý ngay, không thể để vì thiếu lớp học mà phải kêu gọi xã hội hóa được.

Để hạn chế được tình trạng lạm thu, vấn đề quan trọng là phải gắn trách nhiệm của nhà trường, thậm chí còn cả trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Khi các trường thực hiện các khoản thu, phải quy định rất rõ về quản lý, sử dụng khoản thu đó ra  sao. Nội dung, mục đích phải rõ, thu cái gì, không thu cái gì và chi cho cái gì, cần cụ thể. Đặc biệt không được thu để làm những việc thuộc về trách nhiệm của nhà nước, như thu để làm cơ sở vật chất tối thiểu, chẳng hạn như vệ sinh, hay bảo vệ nhà trường, không cần phải kêu gọi, nhà nước vẫn có thể làm được. Đặc biệt, cần cấm việc thu để bồi dưỡng, tặng quà, rồi chi cho đoàn này đoàn kia. Lâu nay tôi đi họp phụ huynh, cứ thấy ghi khoản “bồi dưỡng” cho người này, người kia, rất phản cảm, những việc như thế cần tuyệt đối cấm.

Việc thu, chi phải đảm bảo đúng quy định tài chính. Đồng thời, cần tăng cường công khai minh bạch, thu bao nhiêu sử dụng ra sao, phải thông báo đến tập thể nhà trường, báo cáo chi tiết và không được phân biệt đối xử. Thậm chí chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, đi thanh kiểm tra, HĐND phải đi giám sát. Khi phát hiện tiêu cực trong thu chi, bản thân “ông” cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Nhà nước phải hoàn thành trách nhiệm trước tiên với ngành Giáo dục, đừng để người ta lợi dụng. Đặc biệt không để người ta có động cơ được cái gì ở trong quỹ đó.

Loại bỏ “bệnh thành tích”

Dù đã có những đổi mới, nhưng nhiều bất cập trong ngành giáo dục vẫn tồn tại, chẳng hạn như “bệnh thành tích” mà ông vừa
đề cập?

Trách nhiệm quan trọng của ngành Giáo dục là phải rà soát lại cơ sở vật chất trong nhà trường, yêu cầu này không thể thiếu được. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT phải vào cuộc ngay, xuống cơ sở kiểm tra ngay, chứ không phải chờ đến sát ngày mới thực hiện. Đặc biệt, năm nay ngành Giáo dục phải có cam kết, kêu gọi toàn xã hội khắc phục những bất cập, hạn chế của ngành trong thời gian qua. Điển hình như “bệnh thành tích” trong giáo dục. Bản thân phụ huynh cũng cần chấn chỉnh, đừng mải chạy theo “thành tích ảo”, còn người thầy cũng phải có tự trọng, đừng tùy tiện cho điểm người này, hạ điểm người kia.

Cảm ơn ông.

Cần chấn chỉnh vấn đề đạo đức, lối sống và trách nhiệm người thầy. Ngành giáo dục phải đặt ra tiêu chí “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” ngay từ bây giờ. Chúng ta vẫn hô hào “đừng ăn cắp tuổi thơ” của các cháu, vậy thì tổ chức dạy thêm nhiều làm gì? Bộ phải có sự cam kết với học sinh và kêu gọi toàn xã hội vào cuộc ngay từ bây giờ.

MỚI - NÓNG