Nếp làng quản phố

Nếp làng quản phố
TP - Một trong những nét cổ xưa của Hà Nội được nhiều người coi là hình bóng những ngôi làng trong phố. Nhưng trong khi phần cổ xưa nét làng Hà Nội đang dần biến mất, thì trớ trêu thay, “tính làng” trong phát triển đô thị ở thủ đô dường như đang tỏ ra “còn mãi với thời gian”.

Đã có nhiều người, trong những năm gần đây phải thốt lên, đến thế kỷ 21 rồi mà Hà Nội vẫn chỉ như một cái làng lớn, từ cơ sở vật chất lẫn cơ chế quản lý dù bên ngoài “được tráng một lớp màu đô thị” (lời nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái). Sự nhếch nhác, chắp vá, lộ cộ, thiếu đồng bộ thể hiện lồ lộ qua từng con đường, góc phố, qua những biểu hiện kém văn minh của một bộ phận không nhỏ dân cư.

Trong khi TPHCM, Đà Nẵng… đang nỗ lực dần ly khai xu hướng “làng hóa”, thể hiện tuy không phải to tát nhưng rất cụ thể của một đô thị phát triển: trồng cỏ, hoa trên vỉa hè hàng loạt tuyến đường, lát đá, chừa lề, làm đường cho người đi bộ; gắn đèn đẹp cho kênh Nhiêu Lộc (dù nước vẫn còn đen); xe buýt được chia màu sơn khác nhau cho các tuyến trung tâm, ngoại thành, gắn camera, đưa vào vận hành xe buýt gầm thấp… thì dường như thành phố thủ đô vẫn chưa có những đột phá đáng kể.

Có người đã ví von rằng vì Hà Nội đang được quản lý như một cái làng lớn dưới cái vỏ của một đô thị nên tính chất làng xã đã tạo ra nhiều hiện tượng mà có lẽ chỉ Hà Nội mới có. Sẽ là không bất ngờ khi ai đó nói phố phường Hà Nội nhiều rác rưởi, bẩn hơn Đà Nẵng hay TPHCM.

Và cũng chỉ ở Hà Nội, trong khi những công viên to đẹp, bảo tàng cổ kính, mang dấu ấn của hàng trăm năm lịch sử sẵn sàng bị xâm lấn hoặc tệ hơn đem ra “xẻ thịt” , đấu thầu làm kinh doanh phục vụ lợi ích của một vài nhóm người “có vai vế và tiếng nói trong làng”, còn quyền lợi chính đáng của đa số “dân làng” bị bỏ qua.

Công viên, bảo tàng bị quán nhậu xâm lấn và ung dung tồn tại nhiều năm, cũng như những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng chễm chệ trên nhiều con phố lớn, những “nút cổ chai” tồn tại cả chục năm mà không ai thông được…

Chính quyền Hà Nội có biết những điều không đẹp nói trên không? Chắc chắn là biết. Nhưng để giải quyết, ngoài năng lực quản lý của một chính quyền đô thị, các nhà quản lý đô thị Hà Nội chắc chắn còn phải cần đến một công cụ rất quan trọng: hành lang pháp lý.

Hà Nội là thủ đô và đây cũng là nơi đóng các cơ quan đầu não của chính phủ, các bộ ngành. Nhưng quan hệ của chính quyền Hà Nội với các bộ quản lý ngành dọc cũng cần được minh định trong quá trình thực thi việc quản lý đô thị.

Thực tiễn đã cho thấy việc thiếu những phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị và các bộ ngành dọc nhiều khi gây cản trở lớn cho quá trình xây dựng quy hoạch và quản lý đô thị ở thủ đô.

Hà Nội có những đặc thù và yêu cầu của một thủ đô thì phải có cơ sở pháp lý tương thích để giải quyết các mối xung đột lợi ích đang hằng ngày đặt ra cho chính quyền Hà Nội. Sự khang trang, thống nhất về bộ mặt đô thị, ý thức chấp hành pháp luật cũng như các quy định chung của một đô thị chắc chắn phải được xây dựng trên cơ sở pháp lý.

Cơ sở ấy chính là bệ phóng để Hà Nội vươn lên tầm một đô thị hiện đại, quản lý hoàn toàn bằng pháp luật, đúng nghĩa chính quyền đô thị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.