Thực trạng trên được ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư nêu ra tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP)” ngày 6/3.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tội phạm có chức vụ quyền hạn và tội tham nhũng cho thấy vẫn có nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối, “né” tránh GĐTP.
Kiểm tra, giám sát thực tế của Ban Nội chính T.Ư về việc khởi tố, điều tra, xử án các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp năm 2013 – 2014 cũng nhận thấy, GĐTP đang là một vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó, có tình trạng giám định viên hoặc tổ chức giám định “né” tránh, ngại đưa ra kết luận giám định vì sợ đụng chạm. Do thiếu kết quả giám định nên phải đình chỉ vụ án, không thể xử lí hơn được.
Ông Tuấn đề nghị Chính phủ sớm quy định rõ trách nhiệm và có chế tài xử lí nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm GĐTP theo vụ việc nhưng từ chối, né tránh, chậm thực hiện giám định hoặc giám định không chính xác, thiếu rõ ràng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cũng thừa nhận, hiện nay GĐTP còn hạn chế.
Nguyên nhân do việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật GĐTP còn chậm so với yêu cầu. Một số văn bản hướng dẫn thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá chất lượng giám định và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là một trong những cơ sở quan trọng để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động này chưa được ban hành đúng tiến độ…
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cũng như cán bộ có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân. Cùng đó, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai Đề án và Luật GĐTP…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng. Nghiên cứu sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức GĐTP công lập theo qui định của Luật GĐTP.